Thursday, November 4, 2010

USD tăng giá: Nghịch lý ngoại hối chỉ có ở Việt Nam

(VEF) - Giá trị đồng USD đang giảm trên toàn thế giới nhưng ở Việt Nam nó lại tăng mạnh. Đây là một nghịch lý và đã gây ra những tác hại lớn cho nền kinh tế. Tình hình nóng bỏng, buộc Chính phủ phải đưa ra nhiều biện pháp cấp bách để để bình ổn thị trường.

Nghịch lý ngoại hối chỉ có ở Việt Nam

Theo ông Lê Đức Thúy, trong cuộc họp, Chính phủ đã nhận được báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về tình hình tỷ giá.

Theo đó, một vấn đề nóng bỏng trong điều hành tỷ giá gần đây là giá USD trên thị trường tự do liên tục bứt phá lên mức cao,  bỏ xa tỷ giá chính thức. Ngày 3/11/2010, giá USD tự do đã lên tới 21.000 đồng/USD. Dù có giảm xuống chút ít vào cuối giờ chiều, 20.800 đồng ở TP.HCM và 20.850 đồng ở Hà Nội, nhưng đã vượt xa trần 19.500 đồng/USD mà NHNN công bố.

Đà tăng giá USD đã diễn ra liên tục trong nửa tháng qua và ngày nào cũng tăng. Việc xác định tăng lên đỉnh mới nào thì không ai dám chắc.

Thực tế này khiến những ngày qua, người dân đổ xô đi mua ngoại tệ. Trong khi đó, DN lại "bó tay" bởi không mua được để đáp ứng nhu cầu của mình hoặc mua không đủ. Tình hình diễn ra tương tự ngay trên thị trường chính thức, khi tỷ giá liên ngân hàng có lúc lên tới 19.880 đồng, chứ không phải 19.500 như trần.

Các ngân hàng đều niêm yết giá đúng quy định, song thực tế, ngoài giá mua vào bán ra cộng thêm các chi phí khác đã cao hơn giá niêm yết. Hiện tượng này dường như lặp lại tình hình của một số thời kỳ trước.

Đáng chú ý, trong hệ thống ngân hàng, quy mô giao dịch, trạng thái ngoại hối cũng giảm. Nếu trước đây (hồi tháng 8) điều chỉnh là dương 3%, gần đây, đã giảm xuống dương 1% và đến giai đoạn những ngày gần đây xuống xấp xỉ 0%.  Điều này cho thấy, các ngân hàng cũng không dư thừa ngoại tệ, chứ đừng nói là còn găm giữ mà không bán.

Mô tả ảnh.
Tỷ giá tăng là một nghịch lý riêng có ở Việt Nam (Ảnh:chungkhoan24h)

Ông Thúy cho biết, hiện đồng USD đang giảm giá với các đồng tiền khác trên thế giới.

Thậm chí, ở Lào tiền Kíp đang lên giá so với USD. Vậy mà ở Việt Nam, chúng ta cho giảm mà không nổi. Còn ở Nga, người ta chỉ thanh toán bằng đồng Rup, không nhận USD vì lo USD mất giá.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, với chính sách nới lỏng định lượng của FED, thực chất USD sẽ giảm giá khoảng 20% thời gian tới. Trong tình hình đó, không có lý do gì để nói VND tiếp tục giảm giá.

Đây thực sự là một ngịch lý khi trên thế giới USD mất giá, vàng tăng giá, còn ở Việt Nam USD tăng giá, vàng lên giá và tiền Việt lại mất giá.

Hậu quả từ tăng trưởng tín dụng USD quá cao

Tại cuộc họp, ông Lê Đức Thúy cho biết, đến nay các chỉ số kinh tế vĩ mô đều rất tốt. Tăng trưởng kinh tế có khả năng vẫn có thể đạt 6,7-6,8% so với kế hoạch là 6,5%. Đáng chú ý, tính đến hết tháng 10, dự báo cho thấy tăng trưởng xuất khẩu có thể đạt 23% trong khi kế hoạch chỉ 18% và nhập khẩu chỉ tăng trưởng khoảng 17%.

Vì vậy, mức nhập siêu trước đây dự kiến từ 13,5-14 tỷ thì nay cao nhất 12,5 tỷ thôi. Như thế, nhập khẩu và nhập siêu đều giảm. Đây là nhân tố ảnh hưởng tích cực đến thị trường ngoại hối.

Đặc biệt, về cán cân thanh toán. Nếu năm 2009 thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể 9 tỷ USD, thì dự báo 2010 thâm hụt 4 tỷ USD, giảm hơn một nửa so với 2009. Năm 2011, dự báo thặng dư thấp là 1 tỷ, cao là 2 tỷ.

Với chiều hướng này, cán cân thanh toán sẽ là tốt hơn vì xuất nhập khẩu tốt và luồng vốn vào có chiều hướng tăng lên. Nhưng tỷ giá lại tăng cao là một câu hỏi đặt ra cần phải tìm hiểu và giải quyết.

Ông Thúy cho biết, ngay từ đầu năm, tình hình căng thẳng USD đã được cảnh báo. Để tránh lãi suất tăng cao, các doanh nghiệp đã vay USD. Song, thực tế là họ không dùng đến USD mà bán ra, tạo nguồn cung giả tạo tạm thời trên thị trường nên giá USD tự do nhiều khi còn thấp hơn ngân hàng.

Nhưng do khoản vay ngoại tệ đó là ngắn hạn nên đến kỳ đáo hạn, các doanh nghiệp phải mua trả nợ, dẫn tới nguồn cung tạm thời cạn kiệt trong khi cầu ngày càng tăng lên.

Con số cập nhật đến 14/10, tín dụng bằng đồng USD tăng khoảng 52% so với đầu năm. Trong khi tín dụng bằng đồng VND tăng có 14,6% và tổng tín dụng tăng 21,3%.

Như vậy, phải thẳng thắn chỉ ra rằng, trên thị trường đang có cái sự mất cân đối về cung cầu ngoại tệ cục bộ. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự méo mó do chính sách tiền tệ, lãi suất dẫn đến những hành xử khác của người dân đối với các đồng tiền. Bên cạnh đó, sức ép giảm lãi suất tiền Việt cũng làm cho uy tín VND bị giảm đáng kể, nhất là khi lạm phát có xu hướng vượt qua 8% .

Điều này rất dễ nhận thấy trên thị trường khi người dân tích trữ ngoại tệ. Trong vòng 15 ngày đầu tháng 10, tiền gửi tiết kiệm bằng VND của người dân giảm đến 45.000 tỷ so với cuối tháng 9. Số tiền hơn 2 tỷ USD này có thể được dùng để mua USD, mua vàng tích trữ và nằm ngoài ngân hàng.

Trong chiều ngược lại, tiền gửi ngoại tệ lại tăng lên. Nếu như cuối tháng 9, số dư tiền gửi ngoại tệ thấp hơn số dư cho vay ngoại tệ khoảng 40.000 tỷ, thì trong 15 ngày đầu tháng 10, số chênh lệch này chỉ còn 20.000 tỷ, tức tiền gửi ngoại tệ đã tăng 20.000 tỷ từ trong nước.

Mô tả ảnh.
Gánh chịu hậu quả từ tăng trưởng tín dụng USD quá cao. (Ảnh:kinhtevn)

Dân đã rút VND để mua ngoại tệ hoặc mua vàng, một số cất trữ, và cả gửi lại ngân hàng dưới hình thức ngoại tệ. Một khi người dân đã rút tiền Việt để mua ngoại tệ thì đương nhiên ngoại tệ tăng giá. Cộng với đó là cách xử lý chính sách và giải trình chính sách làm người dân mất tin tưởng rằng Nhà nước có thể điều chỉnh tỷ giá.

Không tăng tỷ giá, không hạ lãi suất

Trong hoàn cảnh đó, tâm lý chung của xã hội hiện nay rất kỳ vọng USD sẽ tăng giá. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là tăng tỷ giá được gì và có nên điều chỉnh không?

Mới đây nhất, ADB đã khuyến cáo, Việt Nam không nên điều chỉnh tỷ giá. Sau khi phân tích, các thành viên Chính phủ đã quyết định trong thời điểm này, điều chỉnh tỷ giá là không có lợi. Thậm chí, điều chỉnh có thể gây nên những tác động xấu không kiểm soát nổi.

Ông Lê Đức Thúy phân tích, vấn đề đặt ra là, USD đang yếu đi, VND không yếu đến mức phải điều chỉnh tỷ giá. Trong khi đó, nếu nói điều chỉnh tỷ giá để khuyến khích xuất khẩu thì đây không phải là công cụ mạnh để làm việc đó. Thêm vào đó, xuất khẩu năm nay sẽ tăng vượt kế hoạch. Nói là để hạn chế nhập siêu thì trên thực tế việc nhập siêu cũng đã được hạn chế, tốc độ nhập siêu cả về tương đối lẫn tuyệt đối đã giảm so với kế hoạch ban đầu.

Còn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là đáng báo động so với mục tiêu kiếm soát lạm phát. Nếu điều chỉnh tỷ giá, lạm phát sẽ vọt lên. Theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thì với tác động dây chuyền tâm lý của nó, có thể đẩy giá cả vượt lên trên một con số.

Mục tiêu quan trọng được đặt lên hàng đầu trong năm nay là ưu tiên ổn định vĩ mô, mà ưu tiên hàng đầu là kiểm soát lạm phát. Nếu không làm được, người dân sẽ mất niềm tin.

Do vậy, Chính phủ đặt vấn đề không điều chỉnh tỷ giá. Tuy nhiên, không điều chỉnh tỷ giá nhưng giải quyết được những căng thẳng khan hiếm tạm thời trên thị trường ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước với tư cách là người điều hành vĩ mô về tiền tệ phải can thiệp và bán ngoại tệ ra.

Về dự trữ ngoại tệ, trong tháng 9, Ngân hàng Nhà nước mua tăng được khoảng 300 triệu USD, tháng 10 đã bán can thiệp nhỏ giọt 200 triệu USD. Tuy nhiên, những biện pháp đó chưa đủ mạnh để dừng lại tâm lý khan hiếm ngoại tệ. Đợt "bơm" USD lần này, vì thế, Chính phủ chủ trương mạnh dạn can thiệp để giữ ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ cho những hoạt động kinh tế cần thiết.

"Bơm" ngoại tệ ra, nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng đến dự trữ ngoại tệ. Song, trên thực tế, dự trữ ngoại tệ tuy đã giảm mạnh so với mức cao nhưng số còn lại trong Ngân hàng Trung ương không phải là quá nhỏ bé, ít nhất là so với thời kỳ trước năm 2006.

Ông Thuý khẳng định, lượng ngoại hối dự trữ không phải là quá "hẻo", vẫn còn và còn đủ để can thiệp với những cơn sốt USD kiểu như hiện nay. Về lâu dài, dự trữ ngoại tệ cần phải tăng mạnh và tăng nhiều hơn nhưng sẽ chọn những thời điểm và thời cơ thuận lợi.

Dự trữ là để ổn định thị trường, ổn định vĩ mô, dự trữ không phải là để cất.

Ngoài ra, về lãi suất, nếu trước đây, Chính phủ yêu cầu đưa lãi suất xuống nhưng nay tình hình đã thay đổi. Lo ngại tăng trưởng không cao là không có cơ sở, trong khi đó lạm phát đang đà tăng. Nếu lãi suất VND thấp thì USD rất bất lợi. Vì thế, Chính phủ không đặt vẫn đế giảm lãi suất mà để các ngân hàng thực hiện theo thị trường, không can thiệp để làm lãi suất thấp hơn. Điều này sẽ khiến cho lãi suất cho chiều hướng tăng lên.

Tuy nhiên, mức tăng sẽ không nhiều, lãi suất huy động nằm trong khoảng 12-13% mà không có những khoản phụ phí, lãi suất cho vay 15-17% là mức mà thị trường có thể chấp nhận được. Thực tế thì hiện nay, lãi suất cũng không xa lắm so với con số này.

Việc tăng lãi suất có tính tích cực, sẽ làm giảm bớt áp lực lên tỷ giá khi mà đồng tiền Việt có giá hơn nhờ lãi suất cao hơn, góp phần kiềm chế lạm phát. Đấy về thực chất là một biện pháp thắt chặt tiền tệ các tác dụng ngăn chặn lạm phát.

NHNN chính thức can thiệp thị trường

Ngày 04/11/2010, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng và ngân hàng góp phần ổn định giá cả và kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011.

Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, các ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp yêu cầu: tăng cường huy động vốn thông qua các giải pháp phù hợp quy định của pháp luật; không áp dụng các hình thức cạnh tranh không lành mạnh để ổn định thị trường tiền tệ. Kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh để thanh toán ở trong nước và cho nước ngoài, các khoản cho vay để kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản và tiêu dùng.

Ấn định lãi suất huy động và cho vay, tỷ giá mua bán ngoại tệ phù hợp với quy định của pháp luật, chủ trương của Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ huy động và cho vay bằng ngoại tệ, không để rủi ro thanh khoản và lãi suất bằng ngoại tệ, tỷ giá; cho vay bằng ngoại tệ theo đúng quy.

Trong ngày 4/11, Ngân hàng Nhà nước cũng chính thức tuyên bố sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá ở mức ổn định như hiện nay và thực hiện bán can thiệp để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.


Tác giả: Lê Khắc

http://vnr500.vn/2010-11-04-usd-tang-gia-nghich-ly-ngoai-hoi-chi-co-o-viet-nam
--------------------------------------------

Bình luận:

(Thanglong) - Những nhà quản lý vĩ mô vẫn mắc một căn bệnh kinh niên là: mỗi khi thị trường chợ đen lên cơn sốt về tỷ giá ngoại tệ và giá vàng thì chúng ta lại gán tội cho là hiện tượng lũng đoạn thị trường hoặc tâm lý bầy đàn đầu cơ trục lợi, vv…Thực chất giá thị trường chợ đen hiện nay đã phản ánh đúng quan hệ cung cầu về ngoại tệ của nền kinh tế. Biểu hiện ở hai lý do: Thứ nhất là lượng ngoại tệ giao dịch ngoài ngân hàng hiện nay không nhỏ- chưa có những thống kê cụ thể nhưng thiết nghĩ nó có không kém các giao dịch ngoại hối trong các ngân hàng. Thứ hai là mỗi khi tỷ giá chợ đen thay đổi thì các ngân hàng thương mại cũng tát nước theo mưa và thay đổi theo (dưới nhiều hình thức). Chỉ có nhà nước là muốn điều tiết tỷ giá theo một kiểu riêng của mình. Phải chăng đó là một cách điều hành quản lý theo kiểu mệnh lệnh và duy ý chí.

Chúng ta cần đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc có thể neo tỷ giá đồng ND tệ vào đồng USD tài ba như vậy gần chục năm trời mà không cần điều chỉnh liên tục tỷ giá đồng nội tệ. Như vậy bài toán nằm ở các chính sách tài chính vĩ mô khác chứ không phải chỉ đơn thuần là bài toán thay đổi biên độ tỷ giá.
Chúng ta chưa quên những câu chuyện xưa có thật 100% ở nước ta đó là: Có người nông dân sắp về già bán đi con bò hòng lấy tiền gửi tích kiệm để hàng tháng có tiền lãi tĩnh dưỡng tuổi già. Thế nhưng chỉ vài năm sau, do VNĐ mất giá đến nỗi mà sô tiền gửi tích kiệm năm nào nay rút ra chỉ đủ tiền mua một sợi dây thừng. Câu chuyện nghe thật đau lòng nhưng đó là thực tế do sự mất giá khủng khiếp của đồng VN. Mà ngày đó cũng có ai biết tỷ giá đồng ngoại tệ hay giá vàng là gì để đổ tội cho nó. Vấn đề bảo toàn tài sản vì thế đã ăn sâu vào ý thức của người dân VN đến tận ngày nay.
Chỉ có điều rõ ràng là không nên đổ vấn đề lạm phát là do tỷ giá ngoại tệ, mà nguyên nhân chủ yếu là do dư thừa lượng tiền mặt (tiền VNĐ) trong lưu thông. Nó là hệ quả tổng hoà của các lý do sau:
- Chi tiêu ngân sách quá lớn mà không có hiệu quả tương xứng làm tăng của cải cho xã hội.
- Chi phí quản lý hành chính quá cao trong khi chính sách cải tiến tiền lương không dựa trên cơ sở hợp lý hoá (tăng lương mà không làm tăng tổng chi phí tiền lương) mà chỉ chạy theo lạm phát đồng tiền. Điều này chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa khiến tỷ giá đồng VN càng mất giá.
- Có vấn đề trong nền kinh tế hàng hóa, cung không đáp ứng được cầu. Sản xuất trong nước khó khăn, kinh tế không phát triển theo kịp nhu cầu tiêu dùng, hoặc đồng tiền chi tiêu không hiệu quả của ngân sách nhà nước lại vòng lại gây áp lực cho chỉ số hàng tiêu dùng và nhu cầu tích lũy làm đẩy giá vàng và ngoại tệ vọt lên.
- Có hay không việc phát hành tiền mặt ra lưu thông quá lớn. Không phải tự nhiên mà đồng US$ khi ra đời đã được bảo đảm bằng lượng vàng dự trừ trong quốc khố. Nếu NN cứ phát hành tiền đồng một cách định tính (ý chí) mà không dựa trên cơ sở một nguyên lý tài chính nào thì đồng tiền VN mất giá cũng là đương nhiên. Cách điều hành này không khác gì móc túi hợp pháp tài sản của nhân dân, đặc biệt là những người làm công ăn lương.
Trên đây chỉ là một vài suy nghĩ, nhưng thiết nghĩ chúng ta nên nhìn nhận sâu xa một chút không nên đổ bừa cho những lý do nhỏ lẻ mà chỉ là hệ quả của những nguyên nhân chính.

----------------------------------------------------------------------

Tỷ giá: điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam

Với tỷ giá như hiện nay hàng hóa của Việt Nam gần như không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là các loại nguyên vật liệu phụ trợ gần như không có cửa để phát triển.

Có rất nhiều điều đáng bàn khi nhìn lại bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2010 và dự báo cho năm 2011. Tuy nhiên, dựa vào sự mất cân đối trầm trọng của cán cân ngoại thương cứ dai dẳng trong mấy năm qua thì có thể nói rằng tiền đồng Việt Nam đang bị định giá quá cao, nhất là so với đồng nhân dân tệ (RMB), chính là điểm yếu của kinh tế Việt Nam.

Chính đồng tiền đang bị định giá quá cao làm cho hàng hóa của Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với hàng hóa Trung Quốc cho dù ngay trên sân nhà của mình.

Nhiều người có thể cho rằng phần lớn các nguyên vật liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc là do Việt Nam chưa có các ngành công nghiệp phụ trợ trong khi Trung Quốc đang có nhiều lợi thế với các ngành như vậy.

Điều này có thể chấp nhận đối với một số ngành mà Trung Quốc có lợi thế như phôi thép, một số loại điện máy... Nhưng làm sao có thể biện minh cho việc nhiều loại hàng hóa thông thường như tăm tre hay miếng rửa bát của Trung Quốc đang tràn ngập trên thị trường Việt Nam nếu dựa vào lập luận nêu trên.

Chính việc phải đi nhập khẩu từng cây tăm đã làm cho nhập siêu từ Trung Quốc chiếm đến 90% nhập siêu của cả nước. Yếu tố giải thích khả dĩ nhất chính là tỷ giá đồng tiền.

Có nhiều ước lượng khác nhau về mức độ định giá thấp hơn giá trị thực của đồng nhân dân tệ và mức độ tiền đồng cao giá so với đồng đô la Mỹ. Nếu dựa vào số liệu từ bài viết của TS. Võ Đại Lược và TS. Lê Xuân Nghĩa trình bày tại hội thảo "Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng: Kinh tế Việt Nam năm 2010, triển vọng năm 2011" sẽ thấy đồng nhân dân tệ đang được định giá thấp hơn so với đồng đô la Mỹ 30% trong khi tiền đồng đang bị định giá cao hơn 15% so với đồng đô la.

Hai kịch bản tỷ giá được trình bày trong bảng 1.

Hiện nay tỷ giá USD/VND là 19.500, tỷ giá USD/RMB là 6,93 và tỷ giá RMB/VND là 2.815. Giả sử chi phí sản xuất một hộp tăm tại Trung Quốc (bao gồm cả lãi định mức và chi phí vận chuyển) là 1RMB. Để có được mức lời định mức nêu trên, giá bán một hộp tăm Trung Quốc ở thị trường Việt Nam chỉ cần ở mức 2.815 đồng.

Nếu chi phí sản xuất một hộp tăm ở Việt Nam là 4.000 đồng thì chắc chắn tăm Việt Nam không thể cạnh tranh được với tăm Trung Quốc vì nếu bán ở Việt Nam thì giá phải là 4.000 đồng và bán ở Trung Quốc phải là 1,42 RMB.

Điều gì sẽ xảy ra nếu tỷ giá các đồng tiền được định đúng giá trị của nó? Lúc này, tỷ giá USD/VND sẽ là 22.425, tỷ giá USD/RMB sẽ là 4,85 và tỷ giá RMB/VND sẽ là 4.625. Do chi phí một hộp tăm ở Trung Quốc vẫn là 1RMB nên để có được mức lời định mức, giá bán một hộp tăm Trung Quốc ở Việt Nam phải lên đến 4.625 đồng.

Khi đó tăm Việt Nam không những không bị thất thế trên thị trường trong nước như hiện nay mà còn có thể xuất khẩu sang Trung Quốc vì chỉ cần bán được 4.000 đồng trên thị trường Việt Nam hay 0,87RMB là đã đạt được lợi nhuận định mức.

Phân tích trên cho thấy, việc đồng tiền Việt Nam đang bị định giá cao hơn trên 60% so với đồng nhân dân tệ giống như hàng hóa sản xuất ở Việt Nam bị đánh thuế hơn 60% so với hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc.

Hành động hợp lý của các doanh nghiệp không chỉ nhập khẩu các nguyên vật liệu phụ trợ mà còn nhập khẩu cả tăm tre, sản phần gần như không có sự khác biệt về công nghệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, thậm chí nếu không tính đến yếu tố tỷ giá bị bóp méo thì chi phí sản xuất ở Việt Nam còn thấp hơn.

Với tỷ giá như hiện nay hàng hóa của Việt Nam gần như không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là các loại nguyên vật liệu phụ trợ gần như không có cửa để phát triển.

Giải pháp có tính mấu chốt là cần phải đưa đồng tiền trong nước về đúng giá trị của nó so với đồng RMB càng sớm càng tốt. Đây là chìa khóa nhằm làm tăng sức cạnh tranh của các loại hàng hóa trong nước và cơ cấu lại nền kinh tế. Một trong những vấn đề làm nhiều người lo ngại là việc giảm giá đồng nội tệ sẽ gia tăng nợ. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm quốc gia thì đây là một quan niệm sai lầm. Vì giảm giá đồng tiền không chỉ không làm tăng nợ mà còn giúp cho khả năng trả nợ của Việt Nam được cải thiện.

Bảng 1

Với khoản nợ nước ngoài khoảng 30 tỷ USD, tương đương với 600.000 tỷ đồng hiện nay, nếu giả dụ, tỷ giá tăng lên 30.000 đồng/USD thì tổng nợ quy ra tiền đồng sẽ là 900.000 tỷ đồng, tăng 50%. Đây là con số mà nhiều người nhìn vào và lo ngại.

Tuy nhiên, trên thực tế khoản nợ của Việt Nam vẫn là 30 tỷ USD và Việt Nam phải kiếm đủ ngoại tệ để trả số nợ này chứ việc quy ra 600.000 hay 900.000 tỷ đồng không có ý nghĩa gì cả.

Đứng dưới góc độ này thì giảm giá đồng tiền sẽ giúp cải thiện khả năng trả nợ của Việt Nam vì xuất khẩu sẽ có lợi và nhập khẩu sẽ bất lợi làm có cán cân ngoại thương được cải thiện. Hơn thế, đối với doanh nghiệp như Vinashin, nếu lấy đóng tàu làm nòng cốt thì giảm giá tiền đồng cũng sẽ có lợi.

Cần phải khẳng định rằng đồng tiền được định giá thấp luôn có tác dụng tích cực cho xuất khẩu dù tỷ trọng nguyên liệu đầu vào chủ yếu là nhập khẩu. Đây chính là lý do tại sao cả Nhật Bản và Trung Quốc bằng mọi giá giữ đồng tiền của mình ở một mức có lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Giả sử nợ bằng ngoại tệ của Vinashin là 2 tỷ USD, tương đương với 40.000 tỷ đồng. Nếu tỷ giá tăng lên 30.000 đồng/USD, tổng nợ tính ra sẽ là 60.000 tỷ đồng, tăng 50%. Đây là một con số tạo ra cảm giác vô cùng khủng khiếp, nhưng trên thực tế Vinashin phải kiếm đủ 2 tỷ đô la để trả nợ chứ không phải là 40.000 hay 60.000 tỷ đồng.

Nếu hoạt động đóng tàu là nòng cốt thì doanh thu chính là từ đô la, do vậy khi đồng tiền trong nước giảm giá thì ngành đóng tàu sẽ có lợi. Vấn đề của Vinashin chỉ có thể nghiêm trọng hơn khi giảm giá đồng tiền nếu tiền vay ngoại tệ được đổ vào những hoạt động phi ngoại thương như bất động sản hay chứng khoán chẳng hạn.

Cần phải khẳng định rằng đồng tiền được định giá thấp luôn có tác dụng tích cực cho xuất khẩu dù tỷ trọng nguyên liệu đầu vào chủ yếu là nhập khẩu. Đây chính là lý do tại sao cả Nhật Bản và Trung Quốc bằng mọi giá giữ đồng tiền của mình ở một mức có lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Tóm lại, chừng nào vấn đề tỷ giá chưa được giải quyết thì việc nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn chỉ là ước muốn. Chỉ có điều chỉnh tỷ giá mới có thể giúp cân bằng ngoại thương. Nếu Việt Nam không chủ động thì khi dữ trữ ngoại hối còn ở mức quá thấp và vì một lý do nào đó mà dòng vốn đảo chiều thì việc phá giá bắt buộc và bị động sẽ gây ra những tổn hại rất lớn cho nền kinh tế.

Hơn thế, song song với việc điều chỉnh tỷ giá đồng tiền, việc cắt giảm chi tiêu công, nhất là những khoản đầu tư kém hiệu quả là một trong những yêu cầu bắt buộc vì mất cân đối bên ngoài rất khó giải quyết khi mà mất cân đối bên trong trầm trọng vẫn diễn ra.

(Theo TBKTSG) -  http://vnr500.vn/2010-10-02-ty-gia-diem-yeu-cua-nen-kinh-te-viet-nam

---------------------------------------------------------


Đồng nội tệ và câu chuyện niềm tin
,
Trong khi cả thế giới lo sốt vó vì nội tệ lên giá so với USD thì ở thị trường tự do Việt Nam, bỏ qua các ngoại tệ mạnh khác, giá USD so với VND cứ leo thang từng ngày.
1
Từ đầu năm 2010 so với thời điểm hiện nay, sự tăng/giảm giá trị của USD so với các ngoại tệ mạnh khác mặc dù diễn biến khá phức tạp, nhưng đều nằm trong xu hướng mất giá.

USD đang mất giá


Theo số liệu từ bộ phận kinh doanh ngoại tệ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), từ đầu năm 2010 so với thời điểm hiện nay, sự tăng/giảm giá trị của USD so với các ngoại tệ mạnh khác mặc dù diễn biến khá phức tạp, nhưng đều nằm trong xu hướng mất giá.

Cụ thể, với đồng Yên Nhật (JPY), tỷ giá USD/JPY giảm từ mức 92,55 JPY ăn một USD xuống còn 80,62 JPY, tăng tương ứng 12,9% so với USD.

Đồng Euro mặc dù giảm giá 17% so với USD trong nửa đầu năm nay, từ mức 1,4387 USD xuống 1,1914 USD một Euro nhưng sau đó đã tăng trở lại và đạt 1,4017 USD một Euro.

Tương tự, đồng GBP cũng giảm giá 10,8% so với USD trong 5 tháng đầu năm (1,6095 USD/ GBP xuống 1,4350 USD/ GBP) nhưng hiện tăng lên mức 1,6006 USD/GBP.

Còn trong khu vực thì sao? So USD với đồng SGD của Singapore thì SGD tăng giá khoảng 8,2% (từ 1,4037 SGD xuống 1,288 SGD đổi một USD).

Còn đồng Bath Thái (THB) cũng tăng giá 10,7% so với USD khi hồi đầu năm phải cần tới 33,27 THB thì nay chỉ cần 29,72 THB đổi một USD.

Một câu hỏi đặt ra tại thời điểm này, liệu xu hướng USD mất giá sẽ còn tiếp tục đến bao giờ? Theo phân tích của Giám đốc khối Đầu tư Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank), thì từ khi lâm vào khủng hoảng kinh tế đến nay, Mỹ liên tục dùng công cụ lãi suất để nới lỏng cung tiền, nhằm kích thích đầu tư, nhưng hiện tại công cụ này dường như không còn hiệu lực vì không đem lại mong muốn phục hồi kinh tế như kỳ vọng.

Có thể thấy rất rõ điều này khi FED duy trì lãi suất đối với thị trường ở mức 0,25%/năm đã khá lâu và hiện chỉ còn là thứ lãi suất tham chiếu; còn lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 1 năm là 0,1%/năm, kỳ hạn 2 năm trên 0,3%/năm. Khi “dư địa” cho công cụ lãi suất không còn nhiều, thì người Mỹ sẽ nghĩ cách bơm thẳng tiền mặt ra thị trường thông qua mua lại các giấy tờ có giá của Chính phủ Mỹ để kích thích kinh tế.

Và, đêm 3/11/2010, nhiều người nín thở chờ công bố kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tháng 11/2010 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) với nhiều tâm trạng khác nhau, xung quanh vấn đề có hay không FED tiếp tục tung ra gói kích thích nói trên.

Kết quả là, FED đã công bố quyết định mua thêm 600 tỷ USD trái phiếu kho bạc dài hạn trong vòng 8 tháng. Đồng thời, cơ quan này cũng sẽ tái đầu tư thêm 250-300 tỷ USD trái phiếu kho bạc từ lợi nhuận của các khoản đầu tư trước đó. Tổng giá trị của chương trình mua trái phiếu nhằm kích thích nền kinh tế lên tới 900 tỷ USD và sẽ hoàn thành vào quý 3/2011. Thêm vào đó, FED còn giữ nguyên mức lãi suất 0,25% và tái cam kết duy trì mức lãi suất này trong một thời gian nữa.

Với kế hoạch trên, hàng tháng FED sẽ mua khoảng 75 tỷ USD trái phiếu theo chương trình nới lỏng tín dụng và xấp xỉ 35 tỷ USD trái phiếu theo chương trình tái đầu tư. Gần 90% giá trị gói kích thích 600 tỷ USD này sẽ tập trung vào các trái phiếu đáo hạn từ 2.5-10 năm.

Đây là lần thứ 2, FED quyết định nới lỏng tín dụng sau khi đã bơm vào nền kinh tế 1.700 tỷ USD chủ yếu dưới dạng các tài sản liên quan đến nhà ở từ tháng 12/2008 đến tháng 3/2010. Gói kích thích này cũng vượt dự báo của giới phân tích, nhưng về thời gian và tỷ lệ mua trái phiếu trung bình lại nằm dưới các nhận định.

Từ thực tế này, sẽ có nhiều quốc gia lo lắng đồng nội tệ của mình tăng giá so với USD, bởi đối với họ, USD là đồng tiền chủ chốt trong giao dịch thương mại quốc tế, dự trữ quốc gia, vay nợ quốc gia. Đặc biệt, những quốc gia vẫn coi xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng càng lo lắng hơn vì khi nội tệ tăng giá, sẽ không kích thích xuất khẩu.

Niềm tin ở đâu?

“Đợt này Indonesia được giới đầu tư nước ngoài khen lắm”, một nhà phân tích tài chính nói. Theo bà, năm 2008 và 2009, hoàn cảnh của Indonesia về cơ bản giống Việt Nam ở chỗ: nền kinh tế cũng bị “Đô la hóa” và độ uy tín của nền kinh tế theo đánh giá của giới phân tích kinh tế giới đều tương tự.

Nhưng từ 2009 và 2010, họ có những bước điều chỉnh và phối hợp chính sách rất nhịp nhàng giữa tiền tệ và tài khóa nên vừa giảm lạm phát, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế và nhờ đó, đồng tiền lên giá so với USD, trái phiếu Chính phủ phát hành rất thuận lợi, dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục chảy vào.

Bằng chứng là điểm tính phí “hoán đổi rủi ro tín dụng - credit default swap - CDS” hay còn gọi là mức phí bảo hiểm cho một khoản vay tín dụng ở nước họ chỉ bằng một nửa so với Việt Nam. Có nghĩa, một nhà đầu tư nước ngoài cầm nợ ở Việt Nam, nếu không muốn bị rủi ro, họ đi mua bảo hiểm và phí cho công cụ này cao gấp đôi so với phí bảo hiểm khi cầm nợ ở Indonesia.

Để có được kết quả như vậy, nước này đã có những bước đi rất khôn ngoan, mà biểu hiện rõ nét nhất là sự minh bạch. Hàng tháng, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nước này đều chủ động tổ chức họp báo và công bố tất cả các số liệu liên quan đến tình hình nợ quốc gia, chi tiêu chính phủ, dự trữ ngoại hối, lạm phát, tăng trưởng… cho các nhà đầu tư nước ngoài, mà không phải đợi đến khi “hỏi chưa chắc đã đưa” như ở đâu đó.

Sự minh bạch có thể là nơi nuôi dưỡng niềm tin, từ đó tạo nên sự ổn định của các biến số kinh tế vĩ mô, trong đó có tỷ giá, nhưng có lẽ, ở một bình diện khác, niềm tin còn xuất phát từ sự tỉnh táo của người trong cuộc.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, đặt câu hỏi: nếu những người đi mua USD ở thị trường tự do tại Việt Nam biết rằng, đồng USD đang mất giá khắp thế giới và đó còn là xu hướng kéo dài, khi các gói kích thích hàng trăm tỷ USD được FED tiếp tục được tung ra, thì liệu họ có “sính USD” đến mức như thế?

(Theo TBKT)
http://vietnamnet.vn/kinhte/201011/dong-noi-te-va-cau-chuyen-niem-tin-945956/
-------------------------------------------------------

No comments:

Post a Comment