Sunday, October 17, 2010

Thursday, October 7, 2010

Hệ thống trường học ở Mỹ

Các loại trường học ở Mỹ
Một trường cao đẳng cộng đồng ở Mỹ. Ảnh: olympic.edu.
Ở Mỹ, sau khi tốt nghiệp cấp 3 nếu muốn học tiếp thì có hai loại trường để theo học là Community College (tạm dịch là Cao đẳng Cộng đồng) và University (đại học).
Các trường Community College chỉ dạy để bạn lấy bằng hai năm (theo đúng trình độ ở Việt Nam là bằng trung cấp), hoặc là giấy chứng nhận một năm (tương đương với các trung tâm ở Việt Nam dạy về các lớp đào tạo ngắn hạn). Họ cũng đào tạo các chương trình học chuyển tiếp lên đại học (đa phần du học sinh học chương trình này vì họ không đủ sức để vào thẳng đại học 4 năm của Mỹ). Community College còn dạy các chương trình tiếng Anh cho người mới sang Mỹ (ESL) hoặc là dạy lấy bằng cấp ba (giống như bổ túc văn hoá) cho những ai trên 18 tuổi nhưng chưa hoàn tất xong cấp 3, chương trình này gọi là GED  (General Education Development). Đó là các chương trình mà Community College cung cấp.

Các tiêu chuẩn để thành sinh viên của Community College là gì? Thực ra mỗi tiểu bang ở Mỹ có nhưng quy định riêng, không bang nào giống bang nào. Riêng bang Washington thì quy định bạn không cần bằng cấp 3 vẫn được vào Community College để học lấy bằng một năm, hai năm, hoặc học chương trình chuyển tiếp lên đại học. Đây là một điều kiện vô cùng hấp dẫn cho các du học sinh Việt Nam. Có rất nhiều bạn mới học xong lớp 11 ở Việt Nam, hoặc đang du học học cấp 3 ở các tiểu bang khác đổ xô về Community College ở Washington để học chương trình chuyển tiếp lên đại học, vì các bạn rút ngắn được thời gian học cấp 3.

các trường phổ thông của Mỹ chia ra trường Công và trường tư, trường nội trú (boarding school) và trường ngoại trú (day school), và trong số hàng nghìn trường, có những trường dòng (Catholic school hay Christian school) hay những trường quân sự (Military school).

Trường dòng hay trường quân sự có gì đặc biệt?
Sinh viên trường Valley Forge Miltary Academy

Về cơ bản chương trình đào tạo của các trường này không khác các trường phổ thông khác, học sinh tốt nghiệp không phải bắt buộc theo đạo hay theo quân sự, ngoài ra môi trường học tập ở 2 loại trường này sẽ kỷ luật và an toàn hơn các trường bình thường khác.

Những trường dòng, học sinh sẽ được học thêm 1 môn là Theology, chỉ cần qua, không tính tín chỉ. Môn này đại ý giải thích lịch sử và các vấn đề hành xử của Chúa, học sinh hay gọi đùa là môn giáo dục công dân. Học các trường dòng thường được hỗ trợ về tài chính nên học phí sẽ thấp hơn các trường khác. Ví dụ, Sunrise Vietnam làm việc với 2 trường là Saint Anthonys High School (SAH) và Saint John High School tại New York, cách trung tâm Manhattan hơn 1 tiếng đi tàu, gần sân bay và gần bãi biển Long Island, chi phí học phí và ăn ở khoảng 24,000$/năm.

Các trường trên ít học sinh Việt Nam và thành tích chung của học sinh quốc tế rất tốt. Tại SAH, điểm SAT trung bình của sinh viên quốc tế là 1878, 63% học sinh quốc tế được chấp nhận vào học tại 100 ĐH hàng đầu tại Mỹ.

Trường quân sự (


Trường quân sự (Military School) không yêu cầu học sinh phải theo học quân sự sau khi tốt nghiệp, và trong chương trình dạy học hầu hết không có các môn nặng về quân sự. Phụ huynh và học sinh nên hỏi kỹ trung tâm tư vấn để biết các môn học cụ thể. Hiện tại Sunrise Vietnam làm việc với các trường trung học như Valley Forge Military Academy (Pennsylvania) hay Fork Union Military Academy(Virginia), đều là những trường nội trú tốt, trường áp dụng “military culture”, tức duy trì sự kỷ luật và ngăn nắp, giúp học sinh hoàn thiện các phẩm chất tốt và trưởng thành hơn, chương trình học không hề khác các trường phổ thông khác.

Các trường này sẽ kiểm tra tiếng Anh của bạn, bạn đừng lo sẽ không được nhận nếu trình độ tiếng Anh kém. Có tất cả các lớp từ thấp đến cao tùy vào trình độ của bạn. Và khi bạn đạt được một trình độ tiếng Anh nhất định thì bạn mới chính thức học chuyên ngành bạn chọn, thường đa số du học sinh mất một năm để học tiếng Anh. Cho nên, nếu bạn không muốn mất thời gian và tiền bạc ở Mỹ, thì bạn nên học tiếng anh ở Việt Nam cho vững. Học phí ở Mỹ rất mắc, trình độ bạn thấp thì thời gian bạn học sẽ kéo dài, trường học có lợi về mặt kinh doanh. Sau khi bạn đủ tiêu chuẩn tiếng Anh, bạn phải thi toán. Cái này bạn đừng lo lắng, vì trình độ toán học sinh mình rất khá, bạn dễ dàng đủ điểm để vào học chương trình trong Community College.

Ở Mỹ sau khi học sinh học xong cấp 3, phải làm bài kiểm tra SAT. Test này là để kiểm tra trình độ vào đại học (University). Nếu đủ điểm các trường đại học sẽ mời bạn vào. Ngoài kỳ thi SAT, bạn còn có một chương trình thi tương đương là ACT, việc thi SAT hay ACT tùy vào từng trường và từng tiểu ban sẽ có sự khác nhau, tuy nhiên hầu hết các trường đều có tiêu chuẩn tương đương giữa SAT và ACT. 
Community College là một giải pháp để sinh viên có thể tiết kiệm chi phí trong học tập chứ nó hoàn toàn không phải chỉ là một trường trung cấp. Một trường Community College có rất nhiều các chương trình đạo tạo, có thể là đào tạo ngắn hạn, dạy nghề, nhưng chủ yếu là chương trình đào tạo 2 năm đầu của hệ đại học. Hệ thống tín chỉ của trường Community College có thể được chuyển tiếp và chấp nhận ở các trường đại học 4 năm, nó có giá trị tương đương với các tín chỉ sinh viên có thể học được ở các trường đại học. Khác biệt cơ bản với trường trung cấp ở VN là chất lượng học tập trong 2 năm đầu ở Community College được các trường đại học công nhận là tương đương với chương trình đào tạo của họ.
Chương trình học Community College ở Mỹ không khác gì những năm đầu của đại học 4 năm. Đa số giáo sư đều là người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ. Rất nhiều người từ cao đẳng vẫn có thể chuyển lên những trường danh tiếng như UC Bekerly, MIT, UCLA... Như vậy, trình độ của CC là tương đương với 2 năm đầu đại học 4 năm.

Community college với học phí thấp hơn, giúp người học học nghề, học tiếng Anh, và học đại cương của chương trình 4 năm. Univesity đào tạo bằng cấp 4 năm cho người học. Có rất nhiều sinh viên Việt Nam theo học các chương trình chuyển tiếp của Community College. Tuỳ nhu cầu của cá nhân mà lựa chọn và bất kể bạn học ở community college trước hay vào thẳng vào university, người ta đánh giá bạn qua điểm trung bình của bạn gọi là GPA. Học ở community college thi lớp học nhỏ hơn và dễ nhận được sự chú ý của giáo viên. Học ở community college cũng không có nghĩa là khả năng không đủ để học thẳng university, vấn đề nhiều khi chỉ là kinh tế thôi. Nhiều bạn chuyển từ community college lên kiến thức còn vững hơn cả sinh viên bản xứ học thẳng university.

Tiền học của du học sinh ở Community College khoảng 12.000 USD/năm. Nếu học University thì khoảng 40.000 USD/năm, đó là mức phí ở bang Washington. Tiền sinh hoạt ăn ở chưa tính. Và bạn đừng nghĩ là sang Mỹ sẽ tìm được việc làm để phụ thêm vào tiền học, đây là một suy nghĩ hết sức sai lầm. Vì bạn là du học sinh, theo luật bạn chỉ được tìm những việc trong trường học mà thôi. Nhưng trong trường học, 90% việc làm là ưu tiên dành cho những sinh viên sống ở Mỹ. Du học sinh chỉ có 10% số việc. Nếu tìm được việc, bạn cũng chỉ được làm tối đa 40 tiếng một tháng, một tiếng là 8.55 USD. Vậy một tháng bạn kiếm khoảng 342 USD, số tiền này đủ để bạn mua hai quyển sách học. Nếu bạn ra ngoài làm chui, cảnh sát mà bắt được bạn sẽ bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ. Mà nếu bạn đi làm thì sẽ không có đủ thời gian học bài, vì một giờ học ở lớp bằng 5 giờ học ở nhà. Thêm vào đó, các phụ huynh đừng nghĩ học đại học là 4 năm và chuẩn bị tiền học cho đúng 4 năm. Thực chất bạn có thể mất 5 năm mới hoàn tất việc học, nếu bạn học giỏi, và chăm chỉ.

Học ở Mỹ theo hệ thống tín chỉ nên học nhanh hay chậm là tuỳ vào bản thân bạn học đủ số tín chỉ thì tốt nghiệp. Trung bình chương trình đại học 4 năm của Mỹ gồm 123 đến 130 tín chỉ cho 4 năm tuỳ từng nghành. Một sinh viên bình thường có thể hoàn tất chương trình học trong 4 năm, nếu siêng năng hoàn toàn có thể rút ngắn chương trình học nhờ hệ thống tín chỉ linh hoạt và có thể lấy bằng cử nhân sau 3 năm rưỡi.
 
Ở Mỹ cũng có những trường nằm ở vị trí mất an ninh, hoặc trường có nhiều thành phần không tốt theo học. Tốt nhất bạn nên hỏi những người đi trước mà lấy kinh nghiệm, hoặc khi bạn chẳng may học vào những trường đó thì mùa học sau bạn nên chuyển trường khác.

Tóm lại các bạn ở Việt Nam nên vào internet tìm hiểu hoặc gởi email đến các trường ở Mỹ để tham khảo về ngôi trường mà mình muốn học. Hoặc hỏi các bạn đã đi học trước đây, hoặc thân nhân (nếu có) ở Mỹ để biết rõ về ngôi trường mình chọn.
Mèo Con
http://vnexpress.net/GL/The-gioi/Nguoi-Viet-5-chau/2010/09/3BA21028/?p=2#aComment
---------------------------------------------------------------
Giới thiệu hệ thống đại học ở California
Xin giới thiệu hệ thống đại học ở California, Mỹ, vì đây là tiểu bang có nhiều người Việt định cư và cũng có nhiều du học sinh.
Đại học Standford, California, Mỹ. Ảnh: apolloalliance.org.
Ở Mỹ, các tiểu bang đều có quy định khác nhau, nên một người không thể viết cụ thể hết về các trường đại học trên khắp nước Mỹ. Sau đây là phần giới thiệu sơ lược về các loại trường đại học ở California:
Có 4 lựa chọn chính:
1. Các trường cao đẳng cộng đồng (Community Colleges).
2. Các trường thuộc hệ thống California State University (CSU).
3. Các trường thuộc hệ thống University of California (UC).
4. Các trường đại học độc lập của tư nhân.
Phần 1: Hệ thống cao đẳng cộng đồng.
Đây là hệ thống bao gồm 109 trường cao đẳng công lập, nằm rải rác trên khắp tiểu bang. Sinh viên vào cao đẳng có mấy lựa chọn chính như sau:
- Học lấy chứng chỉ đào tạo nghề (Certification).
- Học lấy bằng cao đẳng chuyên môn (Associate Degrees).
- Học hai năm cao đẳng để đạt điều kiện chuyển lên đại học học tiếp hai năm lấy bằng cử nhân.
- Học một vài lớp theo nhu cầu, không theo đuổi bằng cấp. Ví dụ như học lớp kế toán, hay lớp Anh ngữ.
Các chương trình đào tạo nghề có thời gian học từ 6 tháng đến hai năm. Có hàng trăm ngành được đào tạo ở cao đẳng như y tế, điện, điện tử, kế toán, cảnh sát, v.v... Sinh viên muốn nhập học với mục đích chuyển lên đại học cần thông báo ngay với nhân viên tư vấn trong trường để được hướng dẫn chương trình phù hợp. Bắt đầu đi vào cao đẳng để lên đại học có mấy điểm lợi:
- Tiết kiệm: Học hai năm cao đẳng sau đó chuyển tiếp lên hai năm ở đại học giúp sinh viên tiết kiệm được tiền học phí cho hai năm đầu của bằng cử nhân. Không chỉ tiết kiệm học phí, sinh viên còn có thể tiết kiệm được chi phí ăn ở đi lại nếu sống với người thân, vì trường cao đẳng thông thường gần nhà.
- Ưu tiên khi chuyển lên đại học trong tiểu bang: Các sinh viên trong hệ thống cao đẳng California được ưu tiên cao nhất trong các ứng viên nộp đơn xin nhập học vào các năm thứ hai hay thứ ba ở UC và CSU. Nhiều trường cao đẳng còn có thỏa thuận riêng với UC và CSU để sinh viên chuyển trường được dễ dàng.
Có 7 trong số 9 trường thuộc hệ thống UC có chương trình bảo đảm nhận học cho sinh viên các trường cao đẳng California nếu sinh viên thỏa mãn một số điều kiện về các khóa học tham dự ở cao đẳng, gọi là chương trình "Transfer Admission Guarantee" (TAG Program). Mỗi UC có hợp đồng với một số trường cao đẳng khác nhau tham gia vào chương trình này. UC Berkeley là trường có thỏa thuận với nhiều trường cao đẳng nhất. Bạn có thể tham khảo thông tin chi tiết về TAG Program và các trường cao đẳng tham gia vào chương trình này trong brochure trên mạng sau: http://www.universityofcalifornia.edu/admissions/A4T.pdf.
Bằng cử nhân cho sinh viên chuyển từ cao đẳng lên đại học không có gì khác biệt với các sinh viên học suốt 4 năm ở đại học, hoàn toàn không có sự phân biệt. Theo kinh nghiệm bản thân, các trường đại học thậm chí còn rất thích nhận sinh viên chuyển từ cao đẳng lên đại học vì họ có nhiều cơ hội tốt nghiệp hơn sinh viên học 4 năm ở đại học, vì họ chỉ còn hai năm ở lại đại học.
Bắt đầu từ cao đẳng giúp sinh viên có một sự khởi đầu nhẹ nhàng hơn so với đại học do quy chế tuyển sinh ở cao đẳng cũng dễ dàng hơn. Và điều quan trọng là chi phí học cao đẳng ít hơn nhiều so với chi phí ở đại học.
Sau đây là các website bạn có thể dùng để tham khảo:
Danh sách các trường cao đẳng California:
http://www.community-college.org/california_community_college.html
Vị trí các trường cao đẳng trên bản đồ:
http://www.cccco.edu/Portals/4/Find/cccco_map_web.pdf
Phần 2: Hệ thống California State University (CSU).
Hệ thống trường công lập CSU có 23 trường với khoảng tổng cộng 400 ngàn sinh viên và 44 ngàn giảng viên và nhân viên khác. Đây là hệ thống đại học lớn nhất và đa dạng ngành nghề nhất của Mỹ, cung cấp 1.800 chương trình học có cấp bằng. Có 60% giáo viên và 40% kỹ sư ở California tốt nghiệp từ CSU. Khoảng 1/2 các bằng đại học và 1/3 số bằng cao học được cấp hàng năm ở California là của CSU. Cựu sinh viên của CSU ngày nay đã lên đến 2 triệu người.
CSU có quy chế tuyển sinh cao hơn các trường CSU khác là CSU Poly San Luis Obispo, nó được nằm trong "top 30" của các trường công lập miền tây nước Mỹ. Ngoài ra, ngành kiến trúc của trường này được xếp vào "top 3" của cả nước Mỹ. CSU Long Beach được US News xếp hạng "top 5" trong các trường công lập miền tây nước Mỹ. CSU Poly Pomona là một trong những trường kỹ thuật mạnh nhất nước Mỹ. Một số các trường CSU khác cũng nằm trong "top 30" của các trường công lập miền tây như: CSU Chico, CSU Fullerton, CSU Sacramento, và CSU Los Angeles.
Phần 3: Hệ thống University of California (UC).
Hệ thống đại học công lập UC bao gồm 9 trường, nằm rải rác khắp tiểu bang: Berkeley, Davis, Irvine, Los Angeles, Merced, Riverside, San Diego, Santa Barbara, và Santa Cruz. Các trường có tổng cộng khoảng 200 ngàn sinh viên, 120 ngàn giảng viên và nhân viên khác, và hơn 1, 3 triệu cựu sinh viên. Hoạt động của UC nhấn mạnh về nghiên cứu và y khoa. Khác với CSU, UC có thẩm quyền cấp bằng Ph.D. và các bằng tiến sĩ chuyên ngành như luật, y và nha.
UC Berkeley là trường lớn nhất và lâu đời nhất của hệ thống UC, thành lập từ năm 1868. Và trường trẻ nhất là UC Merced, thành lập từ mùa thu năm 2005. Cả 9 trường đều nhận sinh viên cử nhân lẫn cao học, trừ 2 ngoại lệ: UC San Francisco chỉ đào tạo chuyên ngành y khoa và khoa học y dược, còn trường UC Hastings, cũng ở San Francisco, chỉ đào tạo cao học luật.
UC có nhiều giáo sư được kính trọng trong mọi lãnh vực. Có 6 trường được nằm trong "top 50" của bảng xếp hạng các trường đại học Mỹ của US News. Trong đó, UC Berkely xếp hạng thứ 21, và UC Los Angeles xếp hạng thứ 25. UC Berkeley là trường duy nhất được xếp hạng "top 5" cho tất cả các chương trình Ph.D. Ngoài các chương trình nghiên cứu tiến sĩ nổi bật, UC Berkeley cũng được xếp hạng là trường đào tạo cử nhân hạng nhất trong các trường công lập Mỹ.
UC có trường y ở Davis, Irvine, Los Angeles, San Diego, và San Francisco. UC Los Angeles và UC San Diego vẫn luôn nằm trong "top 15", và UC San Francisco nằm trong "top 5" các trường y ở Mỹ.
Chính sách tuyển dụng của UC nhằm vào sinh viên thuộc "top 12.5%" ở các trường trung học. Tuy nhiên, UC ưu tiên nhiều hơn cho các thường trú nhân của California. Thí dụ, điểm GPA tối thiểu để được nhận vào UC Berkely là 3.00 đối với thường trú nhân, nhưng là 3.40 đối với các sinh viên khác (trong đó có du học sinh).
Phần 4: Các trường đại học tư thục.
California có 75 trường đại học tư thục, phi lợi nhuận, với tổng cộng khoảng 28 ngàn giảng viên cung cấp một hệ thống chương trình và bằng cấp đủ phong phú để thỏa mãn mọi nhu cầu. Các trường nổi tiếng thế giới như Stanford University, California Institute of Technology, University of Southern California, và trường khoa học xã hội Pomona College. Ngoài các trường trên, các trường Pepperdine University, University of San Diego, Santa Clara University, Chapman University, và Loyola Marymount University cũng được đánh giá cao trong cả nước.
Stanford University là đại học có khuôn viên liền lạc rộng lớn nhất thế giới, 32 km2, với khoảng 6.700 sinh viên đại học, 8.000 sinh viên sau đại học, và khoảng 1.700 giảng viên. 40% giảng viên thuộc về trường Y, và 1/3 giảng viên thuộc về trường Nhân Văn và Khoa Học. Trường Y của Stanford nhấn mạnh về nghiên cứu, và nằm trong "top 10" trong các trường nghiên cứu y khoa của Mỹ.
Chương trình cử nhân của Stanford được xếp hạng 4 theo US News, và được xếp hạng nhì trong các trường đại học tầm mức quốc tế theo Newsweek. Tiền hiến tặng cho Stanford năm 2006 lên đến 911 triệu USD, cao nhất trong tất cả các đại học Mỹ.
Một trường nổi tiếng, giàu có, với số chỗ rất hạn chế, Stanford nằm trong số những đại học khó chen chân vào nhất nước Mỹ. Tỉ lệ được nhận vào học cử nhân ở Stanford là khoảng 10,8%, tỉ lệ ứng viên được nhận vào trường luật là 7,7%, trường y là 3,3%, và trường kinh doanh là 10%, nằm trong số những tỉ lệ thấp nhất nước Mỹ.
California Institute of Technology (Caltech) là một trường nhỏ chuyên về nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Caltech vận hành cho NASA phòng lab Jet Propulsion, một hệ thống phức hợp dùng để theo dõi và quản lý hầu hết các thiết bị thăm dò không gian của NASA. Nổi tiếng thế giới, nhưng có phạm vi nhỏ 2.100 sinh viên, Caltech rất chọn lọc trong việc tuyển sinh. Caltech được xếp hạng thứ 5 trong các trường đại học ở Mỹ theo US News, ngay sau Stanford. Caltech có 6 khoa: Sinh vật học, Hoá học và kỹ thuật hóa, Kỹ thuật và khoa học áp dụng, Khoa học địa chất, Khoa học xã hội và nhân văn, và Vật lý, toán, và thiên văn.
University of Southern California (USC) là đại học tư thục nghiên cứu lâu đời nhất ở California được thành lập từ năm 1880. USC tọa lạc ngay trung tâm thành phố Los Angeles, vốn được mệnh danh là thành phố quốc tế. USC có đội ngũ sinh viên đa dạng nhất nhất nước Mỹ, đến từ khắp 50 tiểu bang và 115 quốc gia khác. USC có các chương trình học rất đa dạng: trường Quan hệ quốc tế, trường Điện ảnh, trường Âm nhạc, trường Kế toán (hạng 5 theo US News), trường Kinh doanh (hạng 9), trường luật (hạng 16), trường Dược (hạng 18), và trường Kỹ thuật (hạng 31).

Pomona College là lựa chọn rất đáng quan tâm cho những sinh viên muốn theo đuổi các ngành khoa học xã hội. Pomona College được xếp hạng 7 trong các trường khoa học xã hội theo US News.
Trên đây là sơ lược về hệ thống đại học ở California. Học phí không được đề cập vì mỗi trường có mức học phí khác nhau và có thể thay đổi theo từng năm. Nếu có bạn nào có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này xin đóng góp ý kiến. Nhưng tôi có thể đưa ra một ước chừng cho một mùa học khoảng 4 tháng (12 semester units) cho một du học sinh bao gồm tiền học, bảo hiểm y tế, và sách vở. Với tốc độ 12 semester units một mùa học, sinh viên phải mất khoảng 10 mùa (5 năm) để hoàn tất chương trình cử nhân:
Community College: 3.000 - 3.500 USD.
CSU: 7.000 - 7.500 USD.
UC: 13.500 - 15.000 USD.
ĐH tư thục: 24.500 - 25.000 USD.
Ly D. (Sưu tầm)
-------------------------------------------------------------
Thông tin thêm về hệ thống Higher Education ở California
Bài viết của bạn Ly về hệ thống higher education tại bang California khá công phu. Tôi xin bổ sung đôi chút như sau.
A - Hệ thống đại học công lập cấp liên bang UC (University of California): gồm 10 đại học thành viên. Gọi là cấp liên bang vì chính phủ liên bang Hoa Kỳ tài trợ kinh phí hoạt động cho các trường này.
1) UC Berkeley - thành lập năm 1868 - khuôn viên nằm tại thành phố Berkeley, hạt Alameda - năm 2009 quỹ được các tổ chức & cá nhân hiến tặng (endowment) trị giá 2,34 tỉ USD - năm 2009 số lượng sinh viên đại học (undergraduate students) khoảng 25.500, số lượng sinh viên cao học & tiến sĩ (graduate students) khoảng 10.300.
UC Berkeley là đại học lâu đời & nổi tiếng nhất trong hệ thống UC. Trường trực tiếp quản lý 1 phòng thí nghiệm quốc gia là Lawrence Berkeley National Laboratory, tham gia điều hành 2 phòng thí nghiệm cấp quốc gia khác là Lawrence Livermore National Laboratory & Los Alamos National Laboratory.
UC Berkeley là đại học công lập số một của hệ thống đại học công lập toàn liên bang Hoa Kỳ. Năm 2010, UC Berkeley được tạp chí US News & World Report xếp hạng 22 toàn liên bang (cả đại học công lập & tư thục).
2) UC San Francisco - thành lập năm 1873 - khuôn viên nằm tại thành phố San Francisco (thành phố San Francisco đồng thời là hạt San Francisco) - năm 2009 quỹ được các tổ chức & cá nhân hiến tặng (endowment) trị giá 1,11 tỉ USD - năm 2009 số lượng sinh viên cao học & tiến sĩ (graduate students) khoảng 3.000.
UC San Francisco chỉ đào tạo sau đại học trong lĩnh vực Health Sciences.
3) UC Los Angeles - thành lập năm 1919 - khuôn viên nằm tại thành phố Los Angeles, hạt Los Angeles - năm 2009 quỹ được các tổ chức & cá nhân hiến tặng (endowment) trị giá 1,88 tỉ USD - năm 2009 số lượng sinh viên đại học (undergraduate students) khoảng 26.900, số lượng sinh viên cao học & tiến sĩ (graduate students) khoảng 11.500.
UC Los Angeles là đại học công lập số hai của hệ thống đại học công lập toàn liên bang Hoa Kỳ. Năm 2010, UC Los Angeles được tạp chí US News & World Report xếp hạng 25 toàn liên bang (cả đại học công lập & tư thục).
4) UC Santa Barbara - thành lập năm 1909 với tư cách 1 trường độc lập, sau đó gia nhập hệ thống UC vào năm 1944 - khuôn viên nằm tại thành phố Santa Barbara, hạt Santa Barbara - năm 2009 quỹ được các tổ chức & cá nhân hiến tặng (endowment) trị giá 154 triệu USD - năm 2009 số lượng sinh viên đại học (undergraduate students) khoảng 18.400, số lượng sinh viên cao học & tiến sĩ (graduate students) khoảng 3.000.
Năm 2010, UC Santa Barbara được tạp chí US News & World Report xếp hạng 39 toàn liên bang (cả đại học công lập & tư thục).
5) UC Riverside - thành lập năm 1954 - khuôn viên nằm tại thành phố Riverside, hạt Riverside - năm 2009 quỹ được các tổ chức & cá nhân hiến tặng (endowment) trị giá 110 triệu USD - năm 2009 số lượng sinh viên đại học (undergraduate students) khoảng 17.000, số lượng sinh viên cao học & tiến sĩ (graduate students) khoảng 2.400.
Năm 2010, UC Riverside được tạp chí US News & World Report xếp hạng 94 toàn liên bang (cả đại học công lập & tư thục).
6) UC Davis - thành lập năm 1905 với tư cách là 1 nhánh của UC Berkeley chuyên đào tạo Agriculture Sciences, sau đó tách riêng thành đại học thành viên thuộc hệ thống UC vào năm 1959 - khuôn viên nằm tại thành phố Davis, hạt Yolo - năm 2009 quỹ được các tổ chức & cá nhân hiến tặng (endowment) trị giá 540 triệu USD - năm 2009 số lượng sinh viên đại học (undergraduate students) khoảng 24.700, số lượng sinh viên cao học & tiến sĩ (graduate students) khoảng 7.500.
Năm 2010, UC Davis được tạp chí US News & World Report xếp hạng 39 toàn liên bang (cả đại học công lập & tư thục).
7) UC San Diego - thành lập năm 1960 - khuôn viên nằm tại thành phố San Diego, hạt San Diego - năm 2009 quỹ được các tổ chức & cá nhân hiến tặng (endowment) trị giá 432 triệu USD - năm 2009 số lượng sinh viên đại học (undergraduate students) khoảng 23.700, số lượng sinh viên cao học & tiến sĩ (graduate students) khoảng 5.000.
Năm 2010, UC San Diego được tạp chí US News & World Report xếp hạng 35 toàn liên bang (cả đại học công lập & tư thục).
8) UC Irvine - thành lập năm 1960 - khuôn viên nằm tại thành phố Irvine, hạt Orange (quận Cam) - năm 2009 quỹ được các tổ chức & cá nhân hiến tặng (endowment) trị giá 206 triệu USD - năm 2009 số lượng sinh viên đại học (undergraduate students) khoảng 22.100, số lượng sinh viên cao học & tiến sĩ (graduate students) khoảng 5.500.
Năm 2010, UC Irvine được tạp chí US News & World Report xếp hạng 41 toàn liên bang (cả đại học công lập & tư thục).
9) UC Santa Cruz - thành lập năm 1965 - khuôn viên nằm tại thành phố Santa Cruz, hạt Santa Cruz - năm 2009 quỹ được các tổ chức & cá nhân hiến tặng (endowment) trị giá 94 triệu USD - năm 2009 số lượng sinh viên đại học (undergraduate students) khoảng 14.400, số lượng sinh viên cao học & tiến sĩ (graduate students) khoảng 1.400.
Năm 2010, UC Santa Cruz được tạp chí US News & World Report xếp hạng 72 toàn liên bang (cả đại học công lập & tư thục).
10) UC Merced - thành lập năm 2005 - khuôn viên nằm tại thành phố Merced, hạt Merced - năm 2009 quỹ được các tổ chức & cá nhân hiến tặng (endowment) trị giá 20 triệu USD - năm 2009 số lượng sinh viên đại học (undergraduate students) khoảng 4.000 (chưa có sinh viên sau đại học).
Do mới hoạt động có 5 năm, UC Merced chưa được tạp chí US News & World Report xếp hạng.
Như vậy, hệ thống UC có 10 trường thành viên, trong đó 9 trường đào tạo cả sinh viên đại học & sau đại học, chỉ có UC San Francisco chuyên đào tạo sinh viên sau đại học thuộc lĩnh vực y tế. Cả 10 thành viên thuộc hệ thống UC đều thuộc các đại học nhóm 1 (Tier 1) của Hoa Kỳ.
Học phí đại học (tuition & fees) của 9 trường thành viên (không tính UC San Francisco) năm 2009 như sau:
* Khoảng 10.000 USD/năm đến 12.000 USD/năm cho sinh viên Mỹ có cha mẹ sống tại bang California (in-state students).
* Khoảng 33.000 USD/năm đến 35.000 USD/năm cho sinh viên Mỹ có cha mẹ không sống tại bang California (out-of-state students).
B - Hệ thống đại học công lập cấp tiểu bang CSU (California State University):
Gọi là cấp tiểu bang vì chính phủ tiểu bang California tài trợ kinh phí hoạt động cho các trường này.
Đương nhiên, các trường thuộc hệ thống đại học công lập cấp tiểu bang CSU không nổi tiếng bằng các trường thuộc hệ thống đại học công lập cấp liên bang UC. US News & World Report xếp các trường thuộc hệ thống đại học công lập cấp tiểu bang CSU vào nhóm 2 (tier 2) trong hệ thống đại học công lập & tư thục toàn nước Mỹ.
C - Bang California còn có các đại học tư thục rất nổi tiếng, trong đó nổi bật nhất là 3 trường sau:
1) Stanford University (tên đầy đủ là Leland Stanford Junior University) - thành lập năm 1891 - khuôn viên nằm tại thành phố Stanford, hạt Santa Clara - năm 2009 quỹ được các tổ chức & cá nhân hiến tặng (endowment) trị giá 15,9 tỉ USD - năm 2009 số lượng sinh viên đại học (undergraduate students) khoảng 15.300, số lượng sinh viên cao học & tiến sĩ (graduate students) khoảng 6.900.
Stanford University là đại học tư thục nổi tiếng nhất bang California và thuộc nhóm 10 đại học nổi tiếng nhất Hoa Kỳ. Không chỉ nổi tiếng trong phạm vi nước Mỹ, Stanford University còn được đánh giá rất cao trên thế giới bởi các tổ chức xếp hạng đại học toàn cầu như QS (Anh), Times Higher Education (Anh, phối hợp với Reuters) & đại học Shanghai Jiaotong (Trung Quốc).
Năm 2010, Stanford University được tạp chí US News & World Report xếp hạng 5 toàn liên bang (cả đại học công lập & tư thục), xếp sau các đại học tư thục lừng danh toàn cầu như Harvard University (hạng 1), Princeton University (hạng 2), Yale University (hạng 3), Columbia University (hạng 4).
Học phí đại học (tuition & fees) của Stanford University năm 2009 khoảng 39.200 USD/năm.
2) California Institute of Technology (tên gọi tắt là Caltech) - thành lập năm 1891 - khuôn viên nằm tại thành phố Pasadena, hạt Los Angeles - năm 2009 quỹ được các tổ chức & cá nhân hiến tặng (endowment) trị giá 1,4 tỉ USD - năm 2009 số lượng sinh viên đại học (undergraduate students) khoảng 2.130, số lượng sinh viên cao học & tiến sĩ (graduate students) khoảng 950.
Tuy quy mô nhỏ nhưng Caltech rất nổi tiếng về phương diện đào tạo công nghệ & kỹ thuật.
Năm 2010, Caltech được tạp chí US News & World Report xếp hạng 7 toàn liên bang (cả đại học công lập & tư thục), đồng hạng với đại học lừng danh MIT (Massachusetts Institute of Technology).
Học phí đại học (tuition & fees) của Caltech năm 2009 khoảng 36.300 USD/năm.
3) University of Southern California (tên gọi tắt là USC) - thành lập năm 1880 - khuôn viên nằm tại thành phố Los Angeles, hạt Los Angeles - năm 2009 quỹ được các tổ chức & cá nhân hiến tặng (endowment) trị giá 2,67 tỉ USD - năm 2009 số lượng sinh viên đại học (undergraduate students) khoảng 16.750, số lượng sinh viên cao học & tiến sĩ (graduate students) khoảng 18.070.
Năm 2010, University of Southern California được tạp chí US News & World Report xếp hạng 23 toàn liên bang (cả đại học công lập & tư thục).
Học phí đại học (tuition & fees) của USC năm 2009 khoảng 41.000 USD/năm.
Thân chào.
HUY LEVIN
-------------------------------------------------------------------
**Sources: 
http://vnexpress.net/GL/The-gioi/Nguoi-Viet-5-chau/2010/10/3BA2124B/
http://duhoc.dantri.com.vn/cam-nang-hoi-dap/truong-dong-hay-truong-quan-su-co-gi-dac-biet-715998.htm
 

Wednesday, October 6, 2010

Khôn hay Dại?

Người Việt có thông minh không?

Người Việt thường vận dụng trí tuệ của mình vào trong những hành vi ứng xử tạo nên những tiểu xảo trong cuộc sống, trong giao tiếp. Chính sự lanh lẹ, tinh ranh, tiểu tiết trong ứng xử tác động ngay trực tiếp tới người khác đã làm nổi bật cái gọi là "thông minh" của người Việt.

LTS: Người Việt có thông minh không? Đây là tiêu đề bài viết của cộng tác viên Minh Dũng gửi đến cho Tuần Việt Nam. Nhận thấy đây là chủ đề thú vị, tôn trọng tính thông tin đa chiều, và để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam xin đăng tải bài viết, và mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của quý bạn đọc về chủ đề này.

Xưa nay, người ta thường dùng khái niệm "văn hóa tiểu nông" để chỉ thứ văn hóa sản sinh bởi một xã hội sản xuất nông nghiệp, mạnh mún, mang tính tự cung tự cấp, ít tính liên kết và sản xuất chuyên sâu với trình độ phân công lao động thấp. Sản phầm của nền sản xuất tiểu nông ít được thị trường hóa. Văn hóa tiểu nông khiến con người luôn ở thế thủ, chỉ lo cho lợi ích bản thân và trước mắt, ít dám nghĩ chuyện lâu dài, và cũng ít có khả năng nghĩ chuyện lâu dài. Nền sản xuất tiểu nông luôn lặp lại và duy trì những quy trình có sẵn đã hạn chế tư duy tìm tòi khám phá của con người.

Thông minh hay tinh ranh tiểu tiết?

"Sự thông minh" của người Việt Nam tưởng chừng chẳng có liên quan gì tới thứ văn hóa tiểu nông. Văn hóa tiểu nông tưởng như vô hại đối với tính thông minh hay không thông minh của người Việt. Nhưng ở đây, bằng những nghiên cứu phân tích xã hội học, người ta đã lột tả rất rõ sợi dây liên kết này.

Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về sự thông minh của người Việt. Và có nhiều ý kiến đánh giá rằng: Người Việt thông minh với nghĩa so sánh tương đối với các chủng tộc trên thế giới.

Chúng ta luôn thừa nhận câu cửa miệng "người Việt thông minh". Nhưng dường như chưa mấy ai đặt phạm trù thông minh của người Việt trong bối cảnh nền văn hóa, tâm lý và tập quán của cộng đồng xã hội người Việt, nên nhận diện về "sự thông minh ấy" còn phiến diện và không mang tính thuyết phục. Người Việt thông minh là vậy, thế tại sao ít có viễn kiến, ít có phát minh sáng chế, ít có nhà tư tưởng mang tầm cỡ nhân loại... Tại sao và tại sao?

Người Việt có thông minh không? Khách quan mà nói, giống người Việt không đến nỗi ngu độn (!). Có rất nhiều học sinh Việt Nam rất giỏi tại các trường danh tiếng thế giới. Những cuộc thi quốc tế về toán, lý hóa... thường đoạt giải cao. Nhưng để kết luận là thông minh (thông minh hơn so với các chủng tộc khác) thì phải so sánh. Hãy so sánh trí thông minh của người Việt với người Nhật, người Hàn, người Trung Quốc, người Ấn Độ, người Trung Đông, người Do Thái, người châu Âu, số người chiếm tới 80% dân số thế giới.

Nếu nói "người Việt thông minh" có nghĩa trí tuệ người Việt là thượng đỉnh trong số 80% dân số địa cầu. Không, chẳng đời nào lại như vậy! Các nhà bác học lớn, những nhà tư tưởng vĩ đại đóng góp cho văn minh loài người mà người Việt ta là nhóm người đang được hưởng thụ đại đa số cũng chỉ nằm trong những giống người kể trên. Làm phép so sánh như thế, ai cũng tin rằng người Việt chẳng thể hơn ai về trí tuệ trên trái đất này.

Vấn đề nằm ở đâu? Vấn đề là nằm ở chỗ, người Việt thường vận dụng trí tuệ của mình vào trong những hành vi ứng xử tạo nên những tiểu xảo trong cuộc sống, trong giao tiếp. Chính sự lanh lẹ, tinh ranh, tiểu tiết trong ứng xử tác động ngay trực tiếp tới người khác đã làm nổi bật cái gọi là "thông minh" của người Việt. Sự tinh ranh, tiểu tiết trong ứng xử cuộc sống cũng là căn nguyên chính tạo nên những thói hư tật xấu như thói hay ganh ghét, đố kỵ, trở thành một trong những đặc trưng tính cách của người Việt "một anh làm thì tốt, ba anh cùng làm thì hỏng việc".

Người Việt thông minh là vậy, thế tại sao ít có viễn kiến, ít có phát minh sáng chế, ít có nhà tư tưởng mang tầm cỡ nhân loại...

Ví von khác: Người Việt rất giỏi về các môn "chọc gậy bánh xe", "qua cầu rút ván", "gắp lửa bỏ tay người", "ném đá giấu tay"... Tiểu xảo trong giao thiệp dễ để lại ấn tượng trong lòng người khác một cách vừa bất ngờ, vừa gây kích thích, vừa thú vị và có cả nể sợ. Chỉ thế thôi, tính chất thông minh đã được gắn với người Việt.

Người Đức nghĩ ra Mercedes và sản sinh ra Karmarl tại sao không gắn tính thông minh vào? Người Trung Quốc có nhân vật Khổng Minh và viết ra Tây Du Ký hết thế hệ người Việt này đến thế hệ khác xem không chán, sao cũng không được gắn mác thông minh nhỉ? Vậy theo tôi, thật nực cười khi chúng ta tự nhận người Việt là thông minh.

Việc đánh giá người Việt thông minh hoàn toàn chỉ là sự đánh giá cửa miệng, thiếu cơ sở nghiêm túc. Đối với người nước ngoài nói về người Việt thì thường chỉ là lời khen "đãi môi". Còn ai, người Việt nào tin và tôn sùng điều đó thì đó là kẻ ảo tưởng trầm trọng. Chưa có một công trình hay sự thừa nhận khoa học nào về nhân chủng học khẳng định tính thông minh nổi bật của dòng giống Việt.

Trí thông minh người Việt - sản phẩm của "văn hóa tiểu nông"

Người Việt rất ít khi dùng trí tụệ dành cho việc đi sâu khám phá. Bản chất vấn đề là thứ mà người Việt ít hướng tới, biến nó trở thành xa xỉ phẩm. Nên người Việt chẳng có mấy lý thuyết chuyên sâu, ít có sáng tạo phát minh cho nhân loại, không có mấy nhà tư tưởng. Nền khoa học của người Việt cũng chỉ toàn là thứ sao chép, lắp ráp, bắt chước do người khác làm nền tảng.

Người Việt rất ít khi dùng trí tuệ dành cho việc đi sâu khám phá. Bản chất vấn đề là thứ mà người Việt ít hướng tới, biến nó trở thành xa xỉ phẩm. Nên người Việt chẳng có mấy lý thuyết chuyên sâu, ít có sáng tạo phát minh cho nhân loại, không có mấy nhà tư tưởng. Nền khoa học của người Việt cũng chỉ toàn là thứ sao chép, lắp ráp, bắt chước do người khác làm nền tảng.

Những điều suy nghĩ chủ yếu của người Việt đối với cộng đồng thường không hướng vào lợi ích chung mà thường xuyên vận dụng để mưu cầu lợi ích riêng, để phù hợp với mục tiêu cá nhân, mang tính trước mắt. "Tính cộng đồng" mà nhiều người đánh giá là cao của người Việt thực chất là sự tri giác đối với xung quanh, một mặt để hạn chế sự khác biệt tức hạn chế sự phê phán, đánh giá của xã hội đối với bản thân (để đồng dạng).

Đồng thời người ta luôn tìm cách ứng xử để tạo vỏ bọc hình ảnh đẹp đẽ, giải tỏa thói sĩ diện huênh hoang cho chính mình. Cũng chính nó trở lại là thủ phạm của thói nhút nhát, tự ti khi cảm thấy mình yếu kém hơn xung quanh hoặc chưa chứng minh được mình hơn người.

Như vậy, trí tuệ của người Việt trở thành nô lệ của sự đánh giá, nó không hạn chế để phát triển lợi ích riêng có và rất hạn hẹp trong việc mở mang lợi ích chung. Người Việt chúng ta luôn tâm niệm với cái thiết thực nhất, trực tiếp nhất và là lợi ích trước mắt, những điều lớn lao, cao cả đối với cộng đồng là việc của người khác. Tâm lý "ôm rơm nặng bụng", "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" theo góc độ quan tâm tới vấn đề chung đã làm thiệt thòi cho lợi ích cộng đồng.

Trí thông minh người Việt- sản phẩm của "văn hóa tiểu nông". Ảnh minh họa

Thiên hướng chú trọng sử dụng trí tuệ vào mặt này mà không tập trung vào mặt khác của đời sống xã hội không phải tự trí tuệ, mà được quyết định bởi nền văn hóa, thói quen, tâm lý của xã hội. Thứ văn hóa, tâm lý, thói quen tạo nên việc tập trung sử dụng trí tuệ vào một mặt nhất định của đời sống xã hội hay nói cách khác là thiên hướng sử dụng trí tuệ của người Việt như những điều đã phân tích ở trên chính là do "văn hóa tiểu nông". Đây là thứ văn hóa lạc hậu, sai lệch, trì trệ, là thứ di sản văn hóa bệnh dịch, khó có thể gột rửa được ngay nhưng cần có ý thức để gột rửa.

"Văn hóa tiểu nông" tạo nên một nếp sống bừa bãi, tùy tiện của người Việt (văn hóa sống, văn hóa ứng xử). Nhiễm "văn hóa tiểu nông", con người sẽ thiếu sự tôn trọng xung quanh (bao gồm tất tần tật từ người cho đến vật)- tất cả những thứ mà họ cảm thấy không liên quan trực tiếp tới mình. Vì vậy, nó là thủ phạm của sự thờ ơ với lợi ích cộng đồng, cũng là nguyên nhân của tính cách đố kỵ, tham lam, bè nhóm, thiển cận, cục bộ...

Vậy là ngoài việc tìm ra thủ phạm tạo ra cái mác "thông minh" háo danh của người Việt, ta cũng đã tìm ra một trong những thủ phạm cản trở sự thăng tiến của dân tộc Việt Nam nằm trong lĩnh vực văn hóa, đó là "văn hóa tiểu nông".