Tôi lớn lên ở TP Tuy Hòa – đô thị nằm bên bờ biển Đông, quanh năm lộng gió và ầm ào sóng vỗ. Tuổi thơ tôi gắn liền với những con đường, góc phố Tuy Hòa để rồi những nơi này đã trở thành hoài niệm mỗi khi chia xa.
Một góc TP Tuy Hòa - Ảnh: H.TRUNG |
Tuy Hòa của tôi sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng là một đô thị nhỏ và nghèo. Ngày ấy Tuy Hòa chỉ có một vài con đường như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn… trong đó đường Trần Hưng Đạo là trục chính. Dù là thị xã nhưng khu vực nội ô Tuy Hòa ngày ấy vẫn có rất nhiều đồng ruộng và khoảng đất trống. Những nơi này đã để lại trong tôi và bạn bè trang lứa biết bao kỷ niệm tuổi thơ. Còn nhớ những chiều hè lộng gió, lũ trẻ chúng tôi đầu trần chân đất tung tăng thả diều trên bãi trống trước thư viện Hải Phú; những cánh diều được làm từ giấy vở học trò chứ không được đẹp và đủ màu sắc như diều của trẻ con bây giờ. Dây thả diều là những đoạn cước chắp nối nên những buổi gió mạnh, nhiều cánh diều bị đứt dây bay mất, mang theo bao tiếc nuối của chúng tôi. Rồi những buổi trưa hè, cả bọn rủ nhau ra rạch Bầu Hạ và các ao nước giữa đồng câu cá, ngụp lặn mặc cho không ít lần bị ăn đòn. Những đêm trăng ruộng vừa mới gặt, hương lúa vẫn còn thoang thoảng, tiếng dế gáy giục giã lũ trẻ chúng tôi rồng rắn ra đồng tìm bắt dế… Tất cả những kỷ niệm ấy đã theo tôi suốt cả một quãng đời.
Thời gian trôi đi, Tuy Hòa cũng dần chuyển mình để trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh. Sau ngày Phú Yên được tái lập, thị xã Tuy Hòa (bây giờ là TP Tuy Hòa) đã được mở rộng thêm về phía biển, một khu dân cư mới nay là phường 7 được hình thành. Mặc dù vậy Tuy Hòa của tôi vẫn chưa có được dáng vẻ hiện đại của một đô thị lớn. Phường 7 ngày ấy như vùng sâu, vùng xa, chỉ có những gia đình cán bộ công chức không có nhà “trên phố” bám trụ. Những con đường ở đây đều là đường đất, mỗi khi đêm xuống rất vắng người đi lại, còn mỗi lần gió thổi, cát lại bay rào rào vào nhà dân. Những năm từ 1990 đến 1996, dù đã là một cán bộ trong biên chế của Báo Phú Yên nhưng tôi chẳng bao giờ nghĩ đến việc sẽ tìm cho mình một lô đất ở phường 7 để ở. Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, phường 7 đã trở thành nơi sầm uất, phát triển khá nhanh. Sự chuyển mình của địa phương này đánh dấu sự phát triển vượt bậc của đô thị Tuy Hòa trong những năm gần đây. Tất cả những con đường ở phường 7 giờ đã được “nhựa hóa”, rộng rãi, thoáng đãng, sáng rực ánh đèn vào ban đêm. Quảng trường 1 Tháng 4 trước đây là bãi đất trống đã trở thành nơi tổ chức những lễ lớn của tỉnh, trở thành điểm đến của du khách mỗi khi đến Tuy Hòa và là nơi tụ tập vui chơi, thư giãn, thể dục của người dân Tuy Hòa. Không chỉ có khu dân cư mới phường 7, mà cả những phố cũ cũng được chỉnh trang và phát triển, tạo nên diện mạo mới cho đô thị nằm bên bờ sông Đà Rằng trĩu nặng phù sa. Núi Nhạn rêu phong cổ kính, uy nghi và trầm mặc được tôn tạo giờ đã đẹp hơn. Nhiều con đường mới như Hùng Vương, Bạch Đằng, Trần Phú… được mở giúp cho mạng lưới giao thông đối nội của TP Tuy Hòa hoàn thiện hơn. Đôi bờ hạ lưu sông Đà Rằng giờ đã có thêm cầu Hùng Vương nối nhịp bờ vui… Tất cả, tất cả đã tạo cho Tuy Hòa của tôi, của biết bao người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này niềm tự hào không gì có thể tả được.
Những người bạn của tôi dù ở nước ngoài hay định cư ở các thành phố lớn đều không khỏi ngạc nhiên mỗi khi trở lại Tuy Hòa sau một thời gian xa cách. Không ai có thể nghĩ rằng Tuy Hòa nghèo nàn, lạc hậu trước đây giờ đã có những tòa nhà cao từ 5 đến 7 tầng, những khách sạn cao đến 15-16 tầng đạt tiêu chuẩn 4-5 sao như CenDeluxe, Kaya. Còn với du khách, ấn tượng hơn cả vẫn là những con đường rộng rãi, thoáng đãng, đặc biệt là đường Bạch Đằng chạy ven sông Đà Rằng, kết hợp cảnh quan núi Nhạn thật thơ mộng và lãng mạn.
Không chỉ có vậy, Tuy Hòa của tôi hiện đạt tốc độ phát triển kinh tế rất khả quan. Người dân nơi này đang ngày càng giàu lên mà bằng chứng là những ngôi nhà cao tầng, kiến trúc đẹp, hiện đại đua nhau mọc lên trên các trục đường chính; ô tô từ 4 đến 7 chỗ dùng cho gia đình với đủ loại trong đó không hiếm những xe hạng sang như Audi, Lexus,... đã ngày càng nhiều thêm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng được nâng lên đáng kể. TP Tuy Hòa đã có các siêu thị lúc nào cũng đông khách, các dãy phố với nhiều cửa hàng, cửa hiệu tấp nập người mua bán...
Tôi giờ đã là một người trung niên, có dịp đi nhiều thành phố lớn trong nước nhưng vẫn yêu Tuy Hòa. Yêu bởi Tuy Hòa là tuổi thơ, là những hoài niệm về quá khứ. Yêu bởi nơi đây đang lớn lên từng ngày, Tuy Hòa đang có được một sức bật mới để bứt phá mạnh mẽ hơn trong những năm tới. Vào những chiều cuối cùng của năm âm lịch, tôi thường có thói quen một mình tản bộ lên núi Nhạn, phóng tầm mắt nhìn về bốn phía TP Tuy Hòa. Lần nào cũng vậy, một cảm giác lâng lâng khó tả cứ dâng lên trong tôi khi chứng kiến đường phố rực rỡ sắc hoa, nhộn nhịp người xe hối hả. Từ trên đỉnh cao của núi Nhạn, tôi tưởng tượng về một Tuy Hòa của tương lai. Mai này Tuy Hòa của tôi sẽ tiếp tục được mở rộng ở phía bờ nam sông Đà Rằng với những khu dân cư sầm uất, những tòa nhà cao chọc trời như ở các thành phố lớn mà tôi có dịp đặt chân đến. Mai này Tuy Hòa sẽ có cả những cây cầu vượt để giải quyết tình trạng kẹt xe khi mà ô tô đã trở thành loại phương tiện đi lại chính của mỗi gia đình như môtô, xe máy bây giờ. Và tôi kỳ vọng dù phát triển như thế nào, Tuy Hòa của tôi vẫn là đô thị xanh, sạch, đẹp; ý thức người dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường, chung tay phát triển thành phố hiện đại hơn sẽ được duy trì và nâng lên.
HOÀI TRUNG
http://www.baophuyen.com.vn/Trangch%E1%BB%A7/Ph%C3%BAY%C3%AAn%C4%90%E1%BA%A5tNg%C6%B0%E1%BB%9Di/tabid/94/GId/94/itemIndex/5/NId/61623/Default.aspx
------------------------------------------------------------------
Hơn 30 năm sống xa “xứ nẫu”, tôi nhớ da diết nơi chôn nhau cắt rốn, nhớ người thân, nhớ quê hương, nhớ tiếng “nẫu” thân thương!
Tuy Hòa dưới cánh máy bay. - Ảnh: K.DUY
Tôi mua một số tờ báo và may mắn đọc được mẩu tin “Đã chọn được biểu trưng tỉnh Phú Yên” nhằm kỷ niệm 400 tỉnh Phú Yên (1/4/2011) và Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011. Nhìn biểu trưng Phú Yên để chuẩn bị cho đại lễ 400 năm với đặc điểm thắng cảnh là núi Đá Bia, sông Ba và đồng lúa Tuy Hòa, lòng tôi trỗi dậy niềm tự hào về bề dày lịch sử hình thành và phát triển Phú Yên; càng chộn rộn, nôn nao, háo hức muốn có mặt ngay ở quê nhà để nhận diện “Con đường hàng tỉnh tôi đi/Ba mươi năm ấy có gì đổi thay!”...
Máy bay cất cánh. Bầu trời thẳm xanh. Sài thành hoa lệ dần lùi xa. Tôi thong thả tựa lưng vào ghế, trầm ngâm nghĩ ngợi về nơi cội nguồn. Hồi học cấp III, khi đọc sách Địa dư tỉnh Phú Yên của Nguyễn Đình Cẩm và Trần Sĩ xuất bản năm 1938, tôi nhớ ở trang 31 có đoạn viết: “Tuy Hòa không phải là thành phố có đã lâu (hồi đó các đô thị nhỏ cũng quen gọi là thành phố). Độ hai mươi năm về trước, Tuy Hòa là bãi tha ma, rải rác đôi túp lều tranh vài ba cái phố ngói…”. Vào đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, Tuy Hòa là thế. Qua đầu thập niên 30, Tuy Hòa bắt đầu chỉnh trang về đường sá, phát triển thương mại. Cũng theo sách này, sau khi hoàng đế Bảo Đại vặn con ốc cuối cùng trên thiết lộ xuyên Đông Dương nối liền Nam - Bắc tại km1222 về phía nam ga Hảo Sơn, chuyến tàu hỏa đầu tiên tiến vào ga Tuy Hòa vào ngày 1/10/1936. Tuy Hòa nằm sát biển, nên cũng thuận lợi cho vận chuyển biển, nhiều thuyền buồm lớn từ cửa Đà Diễn cũng ra khơi, đã đến các cảng Sài Gòn, Hải Phòng và cả Hồng Kông... Sau ngày Tổng khởi nghĩa, Cách mạng Tháng Tám 1945, nhân dân Tuy Hòa hăm hở đón mừng ngày độc lập. Nhưng chỉ ít lâu sau, người Pháp âm mưu trở lại Đông Dương. Hồ Chủ tịch ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Tuy Hòa phải chịu chung số phận của cả nước, nhưng khắc nghiệt hơn nhiều nơi khác vì Tuy Hòa là địa đầu của giới tuyến... Và trải qua bao biến cố lịch sử, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ cứu nước, cùng với cả nước, TX Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên được hoàn toàn giải phóng tháng 4/1975. Từ đó, TX Tuy Hòa được đầu tư phát triển nhanh hơn...
Ký ức tuổi thơ gắn với dòng sông Ba, con đò, với con đường, trường học thân yêu... chợt ùa về trong tâm trí tôi. Tôi sinh ra và lớn lên ở làng cá Phú Câu nằm sát hạ lưu con sông Ba êm ả và thơ mộng. Trước mặt nhà tôi, ông ngoại trồng mấy bụi tre, quanh năm xõa bóng xuống dòng sông. Ba tôi bỏ đi biền biệt, còn mẹ buôn gánh bán bưng. Ngày ngày, ngoài giờ học, ba anh em tôi lại ra bụi tre lấy chiếc sõng đi giăng lưới bắt cá. Hồi ấy, ở cửa sông Ba, cá nhiều vô kể. Dân xóm tôi chủ yếu làm nghề biển. Dù tàu thuyền nhỏ nhưng đánh bắt được nhiều cá, nhất là cá chuồn đổ thành từng đống to như những đụn rơm, bán rẻ như cho. Dân xóm tôi quanh năm đối mặt với cát bay cát nhảy, bởi gió biển thông thốc qua những “vú” cát ở dọc dài bờ biển. Dân ở nội thị sống quần cư theo các con đường chính Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, đường số 6 (nay là đường Nguyễn Huệ)... Cơ sở hạ tầng, công sở, trường học... xây dựng chưa nhiều. Có một nhà máy nhiệt điện đủ cung cấp ánh sáng cho toàn nội thị. Trường học thu hút nhiều học sinh nhất là Trường THPT Nguyễn Huệ. Những năm 1977, 1978, khi học cấp III (lớp 10 D7, lớp 11 D4) ở trường này, tôi làm lớp trưởng, còn bạn Phạm Hiếu Vinh làm lớp phó học tập. Vinh với tôi thân nhau như anh em ruột, cùng chụm đầu giải toán, cùng nhà trường đi khai quang phục hóa ở Sơn Thành, Lỗ Rong, trồng cây chắn gió biển... Mấy năm trước, Vinh lần tìm được địa chỉ của tôi rồi liên lạc bảo rằng, bạn làm bác sĩ và đã lên chức Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Cái thằng Vinh “bé hạt tiêu”, tinh nghịch nhưng học giỏi ngày ấy, bây giờ đã thành đạt trong cuộc sống! Còn tôi, sau năm học chung lớp 11 với Vinh, định mệnh cuộc đời bỗng chốc chuyển sang ngả rẽ khác, cuối cùng định cư ở bang California (Mỹ) cho đến ngày hôm nay...
Đang miên man nhớ về tuổi thơ, thì cô tiếp viên hàng không thông báo máy bay sắp hạ cánh xuống sân bay Tuy Hòa. Tôi nhìn đồng hồ. Chỉ hơn một giờ bay từ TP Hồ Chí Minh về Tuy Hòa, nhanh quá, thuận lợi quá!
Mẹ đã mất, cậu ruột tôi – ông Phan Quy Sách – ra sân bay đón tôi về ở nhà số 27/19 Nguyễn Công Trứ, phường 4, TP Tuy Hòa. Sau bữa cơm mừng đoàn tụ, cậu Sách giới thiệu đứa con rể làm nhà báo nắm bắt được nhiều chuyện “thời sự” để chuyện trò thâu đêm. Những ngày sau đó, tôi “bắt cóc” người làm báo để làm “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ cho tôi đi qua từng góc phố để thăm thú, nhận diện thành phố trẻ quê mình. Tôi ngỡ ngàng, không tin vào mắt mình trước một Tuy Hòa vốn nhỏ “như lòng bàn tay”, bây giờ được chỉnh trang to đẹp. So với ngày tôi xa quê, phố phường quá khác lạ, những khu nhà xập xệ, nhàu nhĩ nơi tôi ở không còn nữa; đồi cát gần biển, nghĩa địa... giờ lên phố.
Theo lời thuyết minh của “người làm báo”, chỉ sau mấy năm sau khi từ thị xã lên thành phố (5/1/2005), Tuy Hòa bỗng “thoát xác”, những công trình xây dựng mọc lên, nhà cao tầng xuất hiện ở nhiều nơi trong phố. Nhìn Tuy Hòa thời mở cửa, thời kỳ “quy hoạch chia lô” lên ngôi, tôi như cảm nhận đã thiếu vắng hẳn những bóng cây quen thuộc. Trên đại lộ Hùng Vương đã mọc lên các khu đô thị mới FBS, Hưng Phú, khu công nghiệp An Phú, cùng hàng loạt biệt thự, khách sạn như Kaya, Hùng Vương... TP Tuy Hòa phát triển mạnh về phía đông bắc làm thay đổi cảnh sắc của một vùng quê vốn yên tĩnh. Ở phía tây thành phố, khu du lịch Thuận Thảo khá đẹp và thu hút nhiều khách. Quốc lộ 1A ngày nào giờ đã biến thành con đường nội ô luôn tươi màu sắc hoa và rực sáng khi đêm về. Thành phố đang mở rộng về phía Nam, đến tận cảng Vũng Rô, với một dự án kỳ vĩ là xây dựng khu đô thị Nam Tuy Hòa hiện đại rộng 350ha... Trước mặt nhà tôi, giờ chẳng còn bụi tre nào, thay vào đó là con đường Bạch Đằng ven sông rất thơ mộng và chiếc cầu Hùng Vương mới khánh thành trước Tết Tân Mão. Bến cảng phường 6 tàu thuyền ra vào tấp nập. Nghề câu cá ngừ xuất khẩu ở làng biển Phú Câu (phường 6) đã trở thành điển hình trong cả nước. Tỉnh đang chạy đua hoàn thiện những công trình để phục vụ Đại lễ 400 Phú Yên và Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011. Nhờ vậy, TP Tuy Hòa thêm nhộn nhịp, đêm rực rỡ ánh đèn đủ màu sắc. Tôi chợt nhận ra TP Tuy Hòa như “nàng công chúa” ngủ quên, bỗng choàng tỉnh dậy trong “chiếc áo mới” sang trọng...
Vẻ hiện đại của đô thị Tuy Hòa. – Ảnh: T.QUỚI
Chiều nay, ngồi bên chân sóng và nhìn những hàng dương xanh ngát, lao xao bên bờ biển như nét chấm phá tôn tạo vẻ đẹp thành phố, tôi phát hiện bãi biển Tuy Hòa đẹp, nhưng còn hoang sơ quá. Từ thiên đường du lịch ở California, tôi nghĩ, ngoài chương trình kinh tế biển, Tuy Hòa nên hướng đến chiến lược quan trọng là phát triển thành phố du lịch hấp dẫn bằng cách đánh thức tiềm năng từ những cảnh quan thiên nhiên thơ mộng như: bãi biển Tuy Hòa, bãi biển Long Thủy, núi Nhạn, sông Đà Rằng... Lợi thế phát triển ngành công nghiệp “không khói” sẽ được phát huy khi tỉnh Phú Yên đang chú trọng đẩy mạnh đầu tư hạ tầng du lịch, liên kết với các tỉnh duyên hải miền Trung, TP Hồ Chí Minh để phát triển du lịch. Để tạo dấu ấn du lịch, TP Tuy Hòa phải luôn chủ động, nồng hậu đón du khách ở cả tầm vĩ mô và vi mô; làm sao để du khách đến với Tuy Hòa được thỏa mái thưởng ngoạn, thăm thú, khám phá giá trị văn hóa trong chiều sâu cội nguồn... chứ không có cảnh “một đi không trở lại”. Thêm ước vọng mong muốn khu kinh tế Nam Phú Yên và Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) nằm cận kề nhau cùng sớm xây dựng hoàn thành, đưa vào hoạt động. Đây được xem là hạt nhân tăng trưởng kinh tế, trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ - du lịch của khu vực Nam Trung Bộ; là “điểm nhấn” tạo nên hành lang kinh tế Đông – Tây mới của nước ta, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế và quốc phòng của cả khu vực Tây Nguyên rộng lớn, mở ra cơ hội lớn cho vùng đông bắc Campuchia, Nam Lào và một phần Thái Lan gần hơn với biển.
Người dân Tuy Hòa vốn hiền hậu, chất phác, sống có lòng nhiệt huyết, có lý tưởng, có hoài bão và có tinh thần tập thể. Họ đem trí tuệ, sức sáng tạo, khát vọng đóng góp sức mình xây dựng quê hương đất nước. Quyết tâm xây dựng một đô thị Tuy Hòa đàng hoàng hơn, to đẹp hơn..., đó chính là ước mơ, là kỳ vọng của Phú Yên. Tôi sẽ trở lại California, mang theo ước vọng cháy bỏng là gặp gỡ, làm cầu nối mời gọi cộng đồng những người dân Việt Nam đang sinh sống tại đây có điều kiện về Tuy Hòa đầu tư công nghiệp, du lịch... để góp sức đánh thức năng lực tiềm ẩn của quê hương yêu dấu.
PHAN HỒNG LỢI
(Việt kiều ở bang California, Mỹ)
LƯU PHONG (ghi)
-----------------------------------------------------------
Chóp Chài đội mũ!
Trong ký ức của ngày tôi còn nhỏ, núi Chóp Chài luôn là núi cao nhất, to nhất vì nhà tôi, làng tôi ở ngay dưới chân núi. Tôi hay ngửa cổ đến “trật mũ” nhìn lên núi vì má tôi hay nhắc câu “Chóp Chài đội mũ/ Mây phủ Đá Bia” Mũ tôi bị rớt xuống đất hoài mà tôi vẫn chưa tìm ra ai là người đội mũ cho núi, chỉ thấy khi thì mây trắng nhởn nhơ, khi thì mây đen bao phủ hay cây lá lơ thơ trên chỏm núi Chóp Chài!
Chùa Bảo Lâm dưới chân núi Chóp Chài - Ảnh: N.QUANG |
Tôi lớn lên, được đi nhiều nơi, được học nhiều chữ nhưng quê nhà, má tôi và núi Chóp Chài vẫn là một cõi đi về gần gũi và linh thiêng. Sông núi là tự nhiên, vô tình, nhưng với tôi núi Chóp Chài luôn có mối liên hệ tơ vương mà bền chặt.
Tôi thương núi đứng mồ côi một mình vì khác với dãy Trường Sơn phía Tây liên hoàn, hùng vĩ, núi Chóp Chài cũng như núi Nhạn, núi Miếu là những hòn núi lẻ, độc lập. Các nhà khoa học cho rằng cách đây hàng triệu năm vùng này có thể là biển, trải qua những chấn động địa chất và phù sa bồi lắng, từ một hòn cù lao hoặc đá ngầm nhỏ đã thành nên ngọn núi này. Đứng ở giữa làng xóm bao bọc nhưng hình như nỗi nhớ biển khơi vẫn ngày đêm tha thiết, nên dáng núi giống hình con rùa khổng lồ quay đầu về phía Đông. Biển chỉ cách núi chừng hơn 2km. Người ta đặt tên núi Chóp Chài là Quy Sơn vì lẽ đó! Phía giáp với đường Quốc lộ 1 là chỗ đầu rùa. Hành khách trên những chuyến xe bắc - nam đều ngạc nhiên thú vị khi thấy từ chân núi một con đường lớn trải nhựa chạy lượn vòng lên đỉnh. Núi sao quá gần gũi với con người! Từ nơi mà người ta hay gọi tên giản dị là “cổ rùa” ấy đi bao bọc quanh chân núi là làng quê, đồng ruộng thanh bình nối tiếp nhau. Hiếm có nơi nào đẹp và thi vị như nơi này. Ở sát chân núi Chóp Chài phía đông là làng Liên Trì (“Liên Trì dục nguyệt”/ trăng tắm ao sen). Liên Trì bây giờ thiếu vắng những ao sen, nhưng hương vị sen ngày cũ dường như vẫn còn bảng lảng đâu đây trong những vườn cây lá xanh tươi, nhà cửa khang trang, trù phú. Sát chân núi Chóp Chài phía nam là làng Phước Hậu. Làng Phước Hậu trong Trường ca Ở làng Phước Hậu nổi tiếng của Trần Vũ Mai có đồng ruộng rộng và màu mỡ. Phía tây là cánh đồng Tường Quang, Thọ Vức.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, núi Chóp Chài còn hoang sơ lắm. Trên núi có nhiều cây cổ thụ, dây leo và nhiều loại chim thú quý hiếm. Tôi nhớ trước đây má tôi vẫn thường mua thịt nai, thịt mển, heo rừng, chồn, cheo…, người ta bẫy được trên núi đem bán. Tại cái xóm Hóc nhỏ bé dựa sát vào chân núi của tôi nhìn ra cánh đồng còn có nhiều cò, cuốc, sáo, cu cườm… Những loại chim vốn thích nghi vùng đồng nước đã từng quy tụ về đây đông đúc làm nên một sân chim nhỏ. Bây giờ người đông, không chỉ muông thú mà chim chóc cũng vắng bóng dần, chỉ còn lại trên cánh đồng là những con cò trắng với dáng dấp vừa đài các, thanh tao vừa lam lũ, tảo tần. Má tôi cũng giống như con cò. Suốt ngày ở ngoài đồng và thường chỉ về nhà khi bóng chiều đã chập choạng trên ngạch cửa. Ba tôi mất sớm, má tôi như ngọn núi cô lẻ, đơn độc. Tôi lớn lên và trộn quê hương vào trong hình ảnh má mình!
Với tôi, núi Chóp Chài không chỉ che chở con người mà còn là chỗ dựa của niềm tin, nơi lưu giữ những giá trị tinh thần thuần khiết. Hòn núi nhỏ bé này có tới bốn ngôi chùa: Khánh Sơn, Minh Sơn, Hồ Sơn và Bảo Lâm. Chùa Hồ Sơn được tạo lập cách đây 300 năm và mới xây lại từ năm 1975. Chùa Bảo Lâm ở phía đông chân núi, có tượng Phật Thích Ca cao 15m tọa trên đài sen cao dựa lưng vào vách núi. Tôi thương chùa Khánh Sơn và chùa Minh Sơn nhất. Đó là những ngôi chùa nghèo nằm cheo leo trên sườn núi. Muốn lên chùa phải trèo lên những bậc đá dốc cao và dài. Chùa Khánh Sơn có vị thế rất đẹp: Chùa dựa vào núi, mặt quay về hướng nam nhìn ra cánh đồng bao la. Chùa Minh Sơn hay còn gọi là chùa Hang ở thôn Minh Đức đích thị là một hang đá trên núi với những tảng đá to dựng thành vách có mái che kín đáo. Nơi đây tương truyền rằng vào cuối thế kỷ XVIII, thiền sư Pháp Tạng, một nhánh của phái Thiền Lâm Tế đến ẩn tu và đắc đạo. Sau đó các vị sư kế nghiệp đến trụ trì và tu hành ở đây gọi là chùa Tổ. Chùa nằm trên núi, thanh âm của kinh kệ và tiếng chuông chùa dường như được lọc qua cây lá, qua gió núi, mây ngàn, trở nên trong trẻo và thanh tịnh lạ kỳ. Tôi quen với âm thanh ấy, với những ngôi chùa hẻo lánh ấy đến nỗi có cảm giác lạ khi đến thăm những ngôi chùa ở ngay giữa thành phố đông đúc, ồn ào tiếng xe, tiếng người qua lại.
Nhà tôi ngay dưới chân núi nên tôi thường lên chùa Khánh Sơn học bài. Buổi trưa, một mình ôm vở chạy lên dốc, một mình với các bậc đá và cây cối, suối nước. Leo lên và thở. Đã có lần tôi chạy một hơi tới đích. Một lần tôi trượt chân té lăn xuống dốc, may mà có một cây sim dại và tảng đá to bên cạnh chắn lại. Hú vía! Tôi đứng lên và tới giờ vẫn bàng hoàng mỗi khi nhớ lại lần tai nạn chỉ âm thầm một mình tôi và dốc đá chùa Khánh Sơn chứng giám. Tôi thuộc mùi thị thơm, tìm ra trái sim chín, trái mít chín nhanh hơn thuộc bài. Tưởng như cây lá đã là một phần của tâm hồn tôi.
Chiến tranh lan rộng và ác liệt hơn vào thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước. Vùng núi Chóp Chài trở thành nơi tranh chấp căng thẳng giữa hai phía. Chính quyền Sài Gòn cho xây dựng sân bay Chóp Chài và tăng cường binh lực tại đây, trong khi chính quyền Mặt trận Giải phóng miền Nam cũng ngày một mạnh lên, muốn vùng núi Chóp Chài thành khu căn cứ giải phóng. Quân lính Đại Hàn đánh thuê cho Mỹ từng thống lĩnh núi Chóp Chài, gieo rắc biết bao tội ác tại đây. Trên đỉnh núi, ngọn đèn đỏ hằng đêm soi xét, dòm ngó nhưng quân dân du kích và cả bộ đội Giải phóng vẫn bám vào dân, ở ngay trong làng Phước Hậu, Liên Trì đánh địch. Ban ngày người dân vẫn đi làm ruộng, những chiếc xe chở lính, xe tăng chà xát trên đường quốc lộ ngang qua núi Chóp Chài. Ban đêm bom đạn rơi nổ liên tục quanh núi. Từ trong núi, những người lính cách mạng lặng lẽ, quyết liệt áp sát TP Tuy Hòa. Má tôi kể quận lỵ mới chưa xây xong đã bị quân cách mạng giật sập; máy bay trực thăng tại sân bay Chóp Chài cất cánh liên tục nhưng cũng không nhanh bằng những người lính chân đi dép cao su.
Ngày 1/4/1975, Tuy Hòa được giải phóng. Núi Nhạn, núi Chóp Chài tự do. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm giấc ngủ không có tiếng bom đạn thật thanh bình, hạnh phúc, tôi nhớ có một buổi sáng má tôi bắt được con gà rừng lạc từ trên núi xuống. Tôi nhớ mấy lần cả trường tôi cùng nhau đi diệt chuột trên cánh đồng Tường Quang, Thọ Vức, đi trồng sắn trên vùng núi Cẩm Tú. Tôi nhớ có lần lớp tôi rủ nhau lên núi hái củi gây quỹ lớp. Củi chỉ có được mấy bó lèo tèo, nhưng cảm giác được khám phá rừng núi bí hiểm thật là thích.
Tôi đi xa, núi vẫn ở lại với quê nhà như má tôi. Tôi lớn lên, già đi mà núi vẫn là “núi non”! Mỗi lần về quê, bóng núi Chóp Chài vẫn giúp tôi định vị phương hướng, tọa độ. Thiên nhiên như lòng mẹ độ lượng và bao dung. Đêm nghe má tôi hát câu ru ngày cũ: “Núi Chóp Chài cao chi lắm bấy / Trông hũy trông hoài không thấy người thương…”, tự dưng thấy thương cho cái người thất tình trong câu hát: Không dám nói ra, không dám bày tỏ mà chỉ biết loanh quanh trông ngóng chi trên… chóp núi! Vậy nên trong tình quê có cái tình sông núi sâu nặng biết bao! Tôi hiểu ra rằng con người không nên chỉ biết dựa vào tự nhiên mà còn cần phải bảo vệ, che chở cho tự nhiên. Nhìn lên núi cao và tôi cảm nhận được nỗi buồn của núi khi thiếu vắng cây xanh, khi sườn vách ngày một trơ trọi và không còn tiếng chim chóc, tiếng muông thú gọi bầy! Núi Chóp Chài cần được yêu thương, cần “đội mũ”!
Tôi ước mai đây, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 400 năm tỉnh Phú Yên hình thành và phát triển này, người ta sẽ có dịp bàn đến một dự án phát triển vùng núi Chóp Chài thành một khu văn hóa liên hoàn với nhiều dịch vụ thu hút khách tham quan. Và trước hết là trồng cây xanh phủ che núi. Có thể sẽ xây nhà hàng, khách sạn hoặc cáp treo lên núi, nhưng điều tôi mong nhất vẫn là lưu giữ một vùng quê thanh bình mà trung tâm chính là ngọn núi. Làng Liên Trì sẽ trồng sen, làng Phước Hậu sẽ chuyên trồng hoa, cây cảnh. Sân chim sẽ khôi phục lại, sẽ có khu bảo tồn động vật hoang dã trên núi. Những ngôi chùa, di tích sẽ được tu bổ khang trang. Chuông chùa Minh Sơn, Khánh Sơn sẽ ngân nga trong gió núi. Chỗ chân núi nơi giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ sẽ có nhà tưởng niệm và từ “cổ rùa” đường lên núi sẽ là một công viên cây xanh hiện đại…
Tôi ước núi Chóp Chài sẽ không đội cái mũ mây đen xám xịt của những ngày mưa buồn. Mũ của núi phải là cây lá thật xanh, thật dày từ chân đến đỉnh núi. Núi Chóp Chài sẽ là ngọn núi cổ kính mà xanh tươi; thâm trầm, huyền bí mà vẫn trẻ trung, hiện đại. Điện sẽ sáng ngày đêm trên đỉnh núi, cây lá sẽ hát bài ca của thiên nhiên tự do và tôi – tôi sẽ luôn nhìn lên đỉnh núi bằng tất cả lòng biết ơn của một người có quê hương!
ÁI THOA
----------------------------------------
http://www.baophuyen.com.vn/Trangch%E1%BB%A7/Ph%C3%BAY%C3%AAn%C4%90%E1%BA%A5tNg%C6%B0%E1%BB%9Di/tabid/94/GId/94/itemIndex/5/NId/61971/Default.aspx
No comments:
Post a Comment