Chợ Bến Thành
Nằm ở trung tâm thành phố, chợ Bến Thành rất đỗi quen thuộc với người dân Việt và du khách quốc tế khi đến tham quan du lịch thành phố Hồ Chí Minh.
Chợ Bến Thành được hình thành và phát triển trong vòng trên dưới 100 năm nay và đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn.
Chợ Bến Thành hiện nay được xây trên một cái ao sình lầy có tên là Bồ rệt (Marais Bosesse) được san lấp. Quyết định được đưa ra vào năm 1911 và đồ án của nhà Brossard et Mopin được chấp thuận năm 1912. Khánh thành linh đình gọi là lễ “Khai tân thị” vào tháng 4 năm 1914. Cái tên Bến Thành đã có từ trước khi chợ dời về vị trí như hiện nay. Vị trí đầu tiên của chợ là nằm sát ven sông – một bến nước của thành Gia Định cũ nên được mang tên là chợ Bến Thành. Sau đó để có mặt bằng làm bến tàu, Pháp cho dời chợ về vị trí kinh lắp (nay là đường Nguyễn Huệ) lúc này chợ không nằm ở bến sông nữa nhưng đồng bào vẫn dùng tên truyền thống là Bến Thành để gọi. Lần di chuyển thứ hai đến vị trí hiện nay vẫn gọi là chợ Bến Thành hoặc chợ mới Sài Gòn như được nói ở trên. Như vậy, chợ Bến Thành hiện nay được khai trương năm 1914 nằm trên diện tích rộng 12 ngàn m2 mặt chính hướng ra bùng binh round point Cuniac (Quách Thị Trang); mặt sau là đường Espagne (Lê Thánh Tôn); bên hông phải là đường Schroeder (Phan Chu Trinh) cũng là bến xe đò đi miền Tây; bên hông trái là đường Vienot (Phan Bội Châu) là bến xe đi miền Đông. Phía trước bên phải chợ là ga xe lửa (Công viên 23/9) có tuyến đường xuống Chợ Lớn và lên Lái Thiêu; phía trước bên trái là đường Bona (Lê Lợi).
Đầu thế kỷ 17, khi người Việt đến lập cư ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thì vùng đất Sài Gòn xưa trở thành nơi phố chợ đông đúc náo nhiệt nhất vùng nam Kỳ lục tỉnh. Năm 1859, có một chợ nhỏ nằm ở khu đất đồng lầy kề bên bờ sông Bến Nghé và sát thành Sài Gòn. Chợ Bến Thành được mô tả trong sử cũ như sau: Đó là một “phố chợ nhà cửa trù mật ở dọc theo bến sông. Chổ đầu bến này có lệ đến đầu mùa xuân gặp ngày tế mạ, có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang chở khách buôn ngoài biển lên. Đầu phố phía Bắc là ngòi Sa ngư, có gác cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có dãy phố ngói, tụ tập trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông ghe buôn lớn nhỏ đến đậu nối liền”. Thời ấy, đất Gia Định là một vùng nông nghiệp trù phú nên chợ Bến Thành đầy hàng hóa, nào gạo, cá khô, tôm khô, cau, đường… bán ra để mua tơ lụa, quả thô, nhang, quạt, trà, đồ sành sứ, thuốc uống, dược thảo… từ nước ngoài mang đến. Sở dĩ có tên là Chợ Bến Thành là vì chợ gần bến sông và gần thành Qui. Đây chính là khu vực mà nay dành cho thương cảng Sài Gòn. Sau cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (1833-1835) phố chợ Bến Thành không còn sầm uất như trước. Chợ được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh.
Sau khi đánh chiếm Gia Định, thực dân Pháp đã cho lập một nhà lồng làm chợ ở ngay trên nền đất mà nay là trường Trung học Ngân Hàng 3. Ngôi chợ này bị cháy năm 1870, nhưng đã được trùng tu với sườn sắt. Trước nhà lồng chợ có con kinh rộng chạy đến trước cửa tòa nhà nay là trụ sở của Ủy ban Nhân dân thành phố. Đến năm 1887-1888 thì con kinh này được lấp lại, làm cho khu vực Võ Di Nguy, Tôn Thất Thiệp trở nên náo nhiệt hơn. Đại lộ Nguyễn Huệ trước kia là đường kinh lấp. Ngôi chợ Bến Thành được chuyển đến vị trí ngày nay. Nhà lồng chợ được khởi công xây cất trên vùng đất trước đó là một ao sình lầy gọi là ao Boresse. Thế là chợ Bến Thành xưa trở thành Chợ Cũ, còn Chợ Bến Thành mới được gọi là Chợ Mới Sài Gòn. Ngôi chợ này được khởi công xây cất từ khoảng năm 1912 và khánh thành vào tháng 3 năm 1914. Ngày khánh thành có khoảng 100.000 người tham dự, có cả dân từ các tỉnh đổ về. Cuộc lễ diễn ra trong ba ngày 28, 29 và 30 tháng 3 năm 1914 với pháo bông, xe hoa. Hai con đường bên hông chợ mãi đến năm 1940 còn là bến xe đò miền Đông và miền Tây. Gần một trăm năm qua, chợ Bến Thành bao giờ cũng là một trung tâm thương mại, trung tâm phồn hoa náo nhiệt của thành phố Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ cũ. Dần dần nó trở thành một chợ lớn, nơi tập trung những mặt hàng quí hiếm của trong nước và nước ngoài.
Sau ngày giải phóng, năm 1975, chợ Bến thành được sắp xếp và cải tạo lại một cách gọn gàng và ngăn nắp hơn. Trong chợ Bến Thành ngày nay chúng ta có thể tìm thấy đủ loại hàng hóa, từ thực phẩm vật dụng hàng ngày, hàng nhập cảng cũng như hàng nội hóa, từ những mặt hàng thông thường đến những hàng xa xỉ phẩm. Tính từ năm 1914 chợ Bến Thành đã trải qua bao thăng trầm và chứng nhân của bao biến cố và sự kiện lịch sử của hơn nửa thế kỷ đấu tranh chống ngoại bang giành độc lập. Năm 1944 chợ bị máy bay đồng minh ném bom làm hư hại nặng nề ; năm 1950 được trùng tu lại; năm 1951 ngày 9/11, hàng vạn học sinh, sinh viên biểu tình đã đốt phá chợ bày tỏ lòng căm phẫn đối với thực dân Pháp và tay sai ; đầu thập niên 70 chính quyền Sài Gòn có ý định phá dỡ chợ Bến Thành để xây mới hoàn toàn theo đồ án của kiến trúc sư Huỳnh Kim Mảng.
Năm 1985, Ủy ban Nhân dân thành phố và Quận 1 đã cho chỉnh trang và sửa chữa lớn chợ Bến Thành. Nhà lồng chợ và các gian hàng, sạp hàng được sữa chữa và làm mới, duy chỉ có dáng vẻ phía trước với tháp đồng hồ được giữ lại như xưa. Chợ Bến Thành ngày nay có khoảng 3.000 hộ kinh doanh. Hình ảnh chợ Bến Thành thường được dùng làm biểu tượng cho thành phố.
Chợ Bến Thành ngày nay lại được đầu tư nâng cấp to đẹp lên rất nhiều so với trước, để nó xứng đáng là một trung tâm buôn bán lớn ở phía nam đất nước. Hàng hoá chợ Bến Thành rất phong phú, bao gồm hầu hết các sản vật trong nước – đặc biệt là sản vật ở vùng đồng bằng sông Cửu Long – cùng các mặt hàng công nghệ hiện đại trên thế giới.
----------------------------------------------------------
Nhà thờ Đức Bà
Nhà thờ Ðức Bà còn gọi là nhà thờ Chánh tòa Sài gòn, một công trình kiến trúc lớn ở quảng trường công xã Pari, trung tâm thành phố, với hai tháp chuông cao 40 mét.
Ngay sau khi chiếm Sài Gòn, Pháp đã cho lập nhà thờ để làm nơi hành lễ cho tín đồ Thiên Chúa giáo trong đoàn quân viễn chinh. Ngôi nhà thờ đầu tiên được lập ở đường số 5 (nay là Ngô Ðức Kế). Ðây là một ngôi chùa của người Việt. Vì chiến cuộc, vì quân xâm lăng đến trú đóng, người Việt đã bỏ chạy và cố đạo Lefebvre đã biến ngôi chùa này thành nhà thờ.
Nhà thờ đầu tiên đó quá nhỏ nên Pháp đã lập ngôi nhà thờ thứ hai bên bờ “Kinh Lớn” (hay kinh Charner, ở vị trí sau này là Tòa án Nhân dân quận 1). Cố đạo Lefebvre đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi nhà thờ này vào ngày 28-3-1863. Nhà thờ xây cất bằng gỗ, hoàn thành năm 1865. Nhưng khoảng 12 năm sau ngôi nhà thờ gỗ này bị hư hại nhiều vì mối mọt, các buổi lễ được tổ chức trong phòng khánh tiết của “dinh Thống Ðốc” cũ nằm ở vị trí trường sư phạm ngày nay, cho đến khi nhà thờ lớn xây xong.
Ngoài mục tiêu có chỗ thờ phượng, hành lễ cho tín đồ, việc xây dựng nhà thờ lớn cũng nằm trong mục đích phô trương Ðạo Thiên Chúa và sự vĩ đại của nền văn minh Pháp trước người dân thuộc địa.
Thống đốc Nam kỳ Duperré đã tổ chức một kỳ thi vẽ đồ án kiến trúc nhà thờ mới. Nhiều kiến trúc sư đã đưa đồ án đến tham dự, trong đó hai đồ án của Fabre và Bourard là được sự đặc biệt lưu ý. Cuối cùng đồ án của Bourard đã được chọn. Về địa điểm xây cất có 3 nơi được đề nghị:
- Trên nền trường thi cũ (nằm ở góc đường Lê Duẩn và Hai Bà Trưng tức vị trí tòa Lãnh sự Pháp ngày nay).
- Ở khu kinh lớn tức đường Nguyễn Huệ ngày nay.
- Vị trí hiện nay.
Ngày 7-10-1877 cố đạo Colombert đặt viên đá đầu tiên xây nhà thờ. Việc xây cất được giao cho Bourard trông coi. Ngày 11-4-1880 lễ ban phước và khánh thành được cố đạo Colombert tổ chức trọng thể với sự có mặt của Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers. Hai ngày này được khắc trên các bảng cẩm thạch gắn trong hành lang (transept) của nhà thờ.
Nhà thờ đức Bà do người Pháp xây từ năm 1877, là nhà thờ Thiên chúa giáo lớn nhất và xưa nhất ở Việt Nam, mô phỏng hình ảnh nhà thờ Ðức Bà ở Paris.
Móng của nhà thờ thiết kế đặc biệt, chịu được tải trọng gấp 10 lần toàn bộ kiến trúc ngôi nhà thờ nằm bên trên. Chiều dài nhà thờ dài 93m, ngang 36m60, cao 21m. Gạch xây được chở từ Marseille đến, kiếng màu do hãng Lorin của tỉnh Chartres (Pháp) sản xuất. Và một điều rất đặc biệt là nhà thờ không có vòng rào hoặc bờ tường bao quanh như các nhà thờ quanh vùng Sài Gòn – Gia Ðịnh lúc ấy và bây giờ.
Mười bốn năm sau, năm 1894, người ta xây thêm hai nóc trên tháp chuông. Như thế chiều cao của nhà thờ lên đến 57 mét. Tháp có 6 chuông nặng tổng cộng 25.850kg lớn nhất Viễn Ðông thời đó, âm thanh phát ra là Sol, La, Si, Do, Ré, Mi. Phí tổn xây cất nhà thờ lên đến 2.500.000 francs. Vì kiến trúc theo kiểu mẫu Notre Dame de Paris, cho nên 2 gác chuông cũng cao ngang tầm nóc nhà thờ, bên trong có treo 6 quả chuông, trọng lượng 24.000 kg. Lầu chuông bên Nam (từ công viên có tượng đức Mẹ, nhìn vào là lầu chuông bên tay phải), được treo quả chuông lớn nhất và 3 quả chuông nhỏ hơn, lầu chuông bên Nữ (nằm bên trái, nhìn từ công viên vào) treo hai quả chuông nữa. Năm 1920 xây thêm hai tháp từ hai gác chuông trở lên, cao 36m, mỗi nóc có đính 1 cây thánh giá cao 3m50, ngang 2m, nặng 600kg. Tổng thể chiều cao từ mặt đất lên đỉnh thánh giá là 60m50.
Năm 1962, Tòa thánh Vatican đã cho phép làm lễ “xức dầu” nâng nhà thờ lên hàng Vương Cung Thánh Ðường (Basllique). Trên vườn hoa trước nhà thờ, năm 1903, người Pháp cho dựng tượng đồng Pigneau de Béhaine dẫn Hoàng tử Cảnh (con của Gia Long) để ca ngợi công lao của nước Pháp “bảo hộ”, “khai hóa” cho Việt Nam. Năm 1945, nền cai trị của Pháp ở Việt Nam sụp đổ, tượng này bị phá bỏ.
Năm 1959, tượng Ðức Mẹ tay nâng quả cầu tượng trưng trái đất, trên có thập tự giác được dựng lên trên nền đế cũ. Tượng cao 4,6m, nặng 5,8 tấn, bằng cẩm thạch trằng, là tác phẩm của một nghệ sĩ Ý.
Giữa hai gác chuông còn có chiếc đồng hồ hiệu R.A với 1 bộ máy nặng trên 1.000 kg, gắn trong khung sắt, chiều ngang 2m, cao 1m, đặt nằm trên bệ gạch; mặt kim đồng hồ hướng ra đường Catina (nay là đường đồng Khởi). Máy đồng hồ trông đơn giản, thô sơ nhưng chạy bền và đúng giờ, đổ chuông báo giờ rất chính xác. Ðồng hồ này chào đời từ 1877, đến nay đã được 120 tuổi.
Sau 3 năm xây dựng, nhà thờ khánh thành vào dịp lễ Phục sinh ngày 11.4.1880. Ðiều đặc biệt là toàn bộ vật liệu xây dựng từ xi măng, sắt, thép, gạch, ngói đinh ốc, và cả 6 quả chuông đều được chở từ bên Pháp sang. Hiện nay, trên bệ phía trên, bên trong cửa ra vào nhà thờ, vẫn còn hàng chữ 1877-1880 – J. Bourard (ngày khởi công, ngày khánh thành và tên vị công trình sư). Từ đó, nhà thờ Sài Gòn có tên gọi là nhà thờ Nhà nước.
Sau năm 1962, Giáo hội Việt Nam đề nghị Tòa thánh Vatican, phong tước hiệu Vương Cung Thánh đường cho nhà thờ Sài Gòn. Ðề nghị ấy được chuẩn y. Từ đó Nhà thờ Sài Gòn mang tước hiệu Vương Cung Thánh Ðường.
Vào những lễ Phục sinh, Giáng sinh, lễ Chư thánh… 6 quả chuông của Nhà thờ Ðức Bà cùng đổ một lượt, âm thanh ngân vang trên 10 cây số đường chim bay. Tiếng ngân của 6 quả chuông hòa tạo ra thanh âm sắc lanh lảnh, nhưng êm dịu và rộn rã như tiếng reo vui của một đám đông từ xa vọng lại. Tiếng ngân đặc biệt của chuông Nhà thờ đức Bà không thể nào lẫn với chuông các nhà thờ khác.
Ngoài những danh hiệu giáo dân quen gọi là Nhà thờ Lớn, Nhà thờ Nhà nước, Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn, nhà thờ này còn có thêm một danh hiệu nữa là Nhà thờ đức Bà. Vì vào năm 1959, Linh mục Joseph Phạm Văn Thiên, cai quản Giáo xứ Sài Gòn lúc bấy giờ, đi dự đại hội Thánh Mẫu ở Vatican, đã đặt ở Roma tạc một tượng đức Mẹ Hòa Bình bằng loại đá cẩm thạch qúi hiếm. Tượng cao 4m80, nặng trên 3.000 kg. Khi tượng từ Roma gửi sang Sài Gòn, Linh mục Joseph Phạm Văn Thiên làm Phép Thánh cho tượng và dâng tước hiệu Nữ Vương Hòa Bình. Tự tay Linh mục viết câu kinh cầu nguyện “Xin đức mẹ cho Việt Nam được hòa bình” rồi đọc trước đông đảo quan khách có mặt hôm ấy, nhiều người vẫn còn ghi nhớ câu kinh cầu nguyện Hòa Bình của Linh mục Joseph Thiên cho đến ngày nay.
--------------------------------------------------------------------Bến nhà Rồng
Bến nhà Rồng là di tích lịch sử nổi tiếng ở TP.Hồ Chí Minh và cũng là thương cảng lớn nằm bên sông Sài Gòn.
Bến nhà Rồng là di tích lịch sử nổi tiếng ở TP.Hồ Chí Minh và cũng là thương cảng lớn nằm bên sông Sài Gòn. Ở đó có tòa nhà to lớn, cao hai tầng do Công ty vận tải đường biển của Pháp là Messageries Maritimes xây dựng vào năm 1863 dùng làm nơi bán vé tàu và nơi ở cho người quản lý.
Ðược khởi công xây dựng ngày 4-4-1863 do Công ty Vận tải đường biển của Pháp (Messageries Maritime) xây cất dùng làm nơi ở cho viên tổng quản lý và nơi bán vé tàu. Trước đây từ mé sông Sài Gòn hoặc từ đường Trịnh Minh Thế (nay là đường Nguyễn Tất Thành) nhìn vào thì sẽ thấy hai chữ M.I (chữ viết của Công ty Vận tải Hoàng Gia Messageries Impériales), hiện giờ không còn nữa. Ðây là tên gọi của công ty vận tải đường biển, vì năm 1859 lúc Pháp đã chiếm thành Gia Ðịnh, nước Pháp còn theo chế độ quân chủ với Hoàng đế Napoléon III. Sau chiến tranh Pháp-Ðức 1870, nhà vua bị lật đổ, lập ra chế độ Cộng hòa, tức đệ tam cộng hòa, vì vậy Công ty Vận tải Hoàng Gia được đổi tên thành Công ty Vận tải đường biển để xóa bỏ di tích quân chủ.
Vì trên nóc tòa nhà này có gắn một đôi rồng lớn bằng đất nung tráng men xanh, nên giới bình dân mới gọi tên là Bến Nhà Rồng. Còn những người lớn tuổi lại gọi là Sở ông Năm bởi tòa nhà này do quan Năm người Pháp Domergue đứng ra xây dựng. Ðến tháng 10 năm 1865, Nhà Rồng còn được gọi là Sở Canh tân tàu biển, sau khi ở đây có xây thêm cột cờ Thủ Ngữ treo cờ hiệu để cho tàu thuyền ra vào dễ dàng. Ðến cuối năm 1899, công ty mới được phép xây cất bến tàu đàng hoàng để tàu cập bến. Bến được lót bằng ván dầy, đặt trên trụ sắt dọc theo mé sông. Bến này cách bến kia 18m. Bề ngang của mỗi bến vào phía trong bờ là 8m.
Tòa nhà được gắn hình rồng trên nóc, ở giữa chiếc phù điêu mang hình “đầu ngựa và chiếc mỏ neo” được thay thế cho trái châu. “Ðầu ngựa” nhắc lại giai đoạn xưa ở bên Pháp công ty này lãnh chuyên chở đường bộ với phương tiện là xe ngựa, còn “mỏ neo” tượng trưng cho tàu thuyền. Với hình hai con rồng trên nóc nhà, giới bình dân gọi trụ sở của công ty là nhà Rồng. Người lớn tuổi còn gọi là Sở Ông Năm-do quan Năm Pháp Domergue đứng ra xây dựng. Ðến tháng 10-1865 tại Bến Nhà Rồng xây dựng thêm cột cờ Thủ Ngữ. Thủ Ngữ là sở canh tuần tàu biển. Cột cờ treo cờ hiệu để cho tàu thuyền ra vào cảng biết nên vào ngay hay phải chờ đợi. Năm 1893 Công ty Nhà Rồng dùng đèn điện, dùng bóng đèn 16 nến nhưng ánh sáng vẫn leo lét, kém xa mấy ngọn đèn lồng thắp bằng dầu lửa mà Tòa đô chính cho thắp thử ở đường Catinat (Ðồng khởi). Ðến gần cuối năm 1899 Công ty mới được phép xây cất bến cho tàu cập vào. Bến được lót bằng ván dày, đặt trên trụ sắt dọc theo mé sông 42m (phía tàu cập vào). Bến này cách bến kia 18m. Bề ngang của mỗi bến vào phía trong bờ là 8m. Từ bờ ra đến bến có cầu rộng 10m. Ban đầu chỉ xây dựng hai bến, mãi sau này mới xây dựng thêm bến thứ ba. Năm 1919 Công ty được phép xây bến cảng cement cốt sắt, nhưng không thực hiện được, mãi đến tháng 3-1930 mới hoàn tất được bến mới, chỉ có một bến nhưng chiều dài lên đến 430cm. Con đường sát bến cảng gọi là bến Khánh Hội. Bến này không được chắc chắn, đôi chỗ bị sụt lở. Năm 1900 bến Khánh Hội được khởi công tu bổ, nhưng công việc này kéo dài mãi đến năm 1912 mới hoàn thành.
Trụ sở Nhà Rồng là ngôi nhà xưa lâu đời nhất còn lưu lại của thực dân Pháp ở Ðông Dương. Lúc bấy giờ bến Nhà Rồng có một dãy cầu ván dày lót trên những chiếc cọc sắt. Chính từ hệ thống cầu này, năm 1911, người thanh niên yêu nước hai mươi mốt tuổi Nguyễn Tất Thành đã xuống tàu Amiral Latouche Tréville, ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Từ đó bến Nhà Rồng chứng kiến nhiều sự kiện, biến cố lịch sử:
Ngày 1-1-1937, 20.000 đồng bào Sài Gòn mít tinh đón tiếp đại diện Pháp sang điều tra tình hình Ðông Dương trong thời kỳ Mặt trận Bình Dân lên nắm chính quyền ở Pháp.
Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1945 quân và dân Việt Nam nhiều lần tiến công quân Pháp ở vùng Khánh Hội-Bến Nhà Rồng. Ðặc biệt đêm 15-10-1945 quân Việt Nam đã đốt cháy chiếc tàu Alee của Pháp vừa cập bến Nhà Rồng. Trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng, nhiều lần bến cảng Nhà Rồng bị tê liệt vì những cuộc bãi công của công nhân cảng.
Những ngày đầu giải phóng thành phố Sài Gòn, chiều ngày 13-5-1975 nhân dân thành phố vui mừng đón tiếp chiếc tàu biển “Sông Hồng” trọng tải một vạn tấn, cập bến Nhà Rồng, chính thức nối lại con đường biển thông thương giữa hai miền Nam-Bắc Việt Nam.
Ngày nay, cơ sở bến Nhà Rồng thuộc số 1, đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP.Hồ Chí Minh. Nếu đứng ở bến Bạch Ðằng hay bến đò Thủ Thiêm nhìn sang bên kia sông Sài Gòn vẫn thấy nổi lên trên nên trời gần cầu Khánh Hội tòa nhà cổ kính, kiểu cách vừa Âu vừa Á, gần đó là những tàu biển mang cờ đủ quốc tịch đang neo đậu san sát.
Bến cảng nhà Rồng còn lưu lại cho dân tộc Việt Nam một kỷ niệm thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Sau khi rời trường Dục Thanh ở Phan Thiết, thầy giáo Nguyễn Tất Thành xin vào học trường bách nghệ chuyên đào tạo công nhân tại Sài Gòn. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, với cái tên anh Ba, thầy giáo Thành đóng tàu Admiral Latouche Tréville tại Bến Nhà Rồng làm chân phụ bếp để có điều kiện sang nước ngoài tìm đường cứu nước.
Tòa nhà này bây giờ vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ. Ngày 9.7.1979, UBND TP.Hồ Chí Minh quyết định giao khu vực Nhà Rồng cho Sở Văn hóa-Thông tin thành phố để xây dựng khu lưu niệm Bác Hồ. Cũng theo quyết định của Thành ủy và UBND thành phố tháng 10.1995, nhà lưu niệm được đổi thành bảo tàng Hồ Chí Minh thuộc hệ thống chi nhánh bảo tàng về Người trên khắp mọi miền đất nước. Trên tổng diện tích quy hoạch 12.000m2, trừ diện tích xây dựng, còn lại tràn ngập màu xanh của đủ loại cây quý hiếm từ khắp nơi hội tụ về. Ðó là tấm lòng thành kính của đồng bào cả nước và khách nước ngoài kính dâng lên Người – Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Gần một phần tư thế kỷ qua ngót 400 gốc cây các loại quanh năm tươi xanh góp một phần làm trong sạch môi trường thành phố. Trong số này có chậu mai chiếu thủy trồng từ năm 1946, có cây đa Tân Trào do chính cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mang từ ngoài Bắc vào, có cây bồ đề do Tổng thống Ấn Ðộ trong lưu niệm trong chuyến thăm chính thức nước ta vào năm 1946. Ngoài ra còn có 23 cây Hoàng nam do sứ quán Thái Lan mang tặng….
-------------------------------------------------------Ai là người thiết kế Bưu điện Sài Gòn?
Nếu bạn ghé thăm thành phố Hồ Chí Minh, chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua Bưu điện Sài Gòn bởi kiến trúc đẹp và sang trọng của nó.
Cho đến ngày nay, bưu điện Sài Gòn vẫn còn được bảo quản tốt và giữ đúng chức năng bưu điện – một trong những nỗ lực đáng khen ngợi của chính quyền thành phố. Người thiết kế Bưu điện Sài Gòn là một người rất nổi tiếng – kiến trúc sư Gustave Eiffel, người đã tổ chức thiết kế tháp Eiffel, tượng nữ thần Tự do, cầu Long Biên (Hà Nội), cầu Trường Tiền (Huế).
Ngay sau khi đánh thành Gia Định, chiếm được vùng đất Sài Gòn, Pháp đã thiết lập hệ thống thông tin liên lạc. Ngày 11.11.1860, “Sở dây thép” Sài Gòn (tức Bưu điện Sài Gòn) được thành lập. Ông Phạm Văn Trung là người Việt Nam đầu tiên làm giám đốc Bưu điện An Nam tại Sài Gòn. Ngày 13.1.1863, Sở dây thép Sài Gòn được chính thức khánh thành và phát hành “con cò” (người Sài Gòn xưa hay gọi con tem là con cò) đẩu tiên. Năm 1864, dân chúng Sài Gòn bắt đầu gởi thơ qua nhà “dây thép” (hệ thống bưu điện).
Năm 1886, Bưu điện Sài Gòn được xây cất lại với qui mô hiện đại thay thế cho trụ sở và khu nhà ở cũ, tòa nhà bưu điện thành phố được xây dựng lại theo đề án của kiến trúc sư người Pháp là Vilơdic.. Đến năm 1891, trụ sở mới của Bưu điện Sài Gòn được chính thức khánh thành. Trước đó, đường dây thép Sài Gòn – Qui Nhơn – Đà Nẵng – Huế – Vinh – Hà Nội dài 2000 km đã được chính thức hoàn thành (vào ngày 22.3.1888). Năm 1889 mở thêm đường liên lạc điện báo Sài Gòn – Băng Cốc để phục vụ cho giới kinh doanh thương mại. Từ ngày 1.7.1894 Sài Gòn bắt đầu sử dụng hệ thống điện thoại.
Ngày nay hệ thống bưu chính viễn thông trở nên quen thuộc với mọi người dân nhưng từ nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước hệ thống bưu điện vẫn còn xa lạ đối với nhiều người dân Sài Gòn.
Kiến trúc bên trong toà nhà Bưu điện
Toà nhà Bưu điện Sài Gòn là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng của thành phố, có nhiều đặc trưng của phong cách kiến trúc châu Âu và châu Á quyện vào nhau. Tòa nhà tọa lạc bên hông Vương cung Thánh đường (Nhà thờ Ðức Bà) ở quảng trường Công Xã Paris. Nhà Bưu điện được xây dựng xong, trở thành một loại hình dịch vụ lạ và gây ấn tượng rất mạnh với dân chúng.
Vẻ đẹp độc đáo của toà nhà bưu điện thành phố càng được tôn lên vì trước mặt nó có một công trình lộng lẫy là Nhà thờ Đức Bà với tháp chuông cao vút. Từ đó đến nay, tòa nhà này luôn là trung tâm bưu điện của thành phố.
Tòa nhà nổi bật với sự bố cục cân đối của các hạng mục công trình mang tính thẩm mỹ cao. Các chi tiết cân đối, chia đều ra hai bên, đối xứng nhau qua một “trục” trung tâm. Mặt tiền có kết cấu hình khối, với vòm cung phía trên các cửa. Hệ thống cột, trụ chính, phụ, mái hiên đều có kết cấu hình khối vuông. Trên mỗi đầu trụ, cột được chạm khắc hoa văn, phù điều công phu, tỉ mỉ. Ở mặt tiền tòa nhà có hệ thống đường viền, đường chỉ là những chuỗi hoa văn chạy ngang, tạo nên vẻ đẹp, sự cân đối và làm cho tòa nhà có vẻ như không cao lắm.
Kiến trúc mái vòm rất độc đáo
Bên trong tòa nhà là hệ thống vòm cung sát cửa chính và vòm cung dài bên trong. Vòm cung lớn được chống đỡ bởi bốn trụ sắt nằm bốn góc, mỗi cột chống đỡ bốn kèo sắt tỏa ra bốn phía. Vòm cung dài được chịu lực bởi hai hàng trụ sắt hai bên. Các điểm tiếp nối giữa trụ và kèo sắt được thiết kế công phu, chạm khắc thành những chi tiết có hoa văn đẹp. Với hệ thống vòm cung này, tòa nhà trở nên cao, rộng rãi và thoáng mát, thích hợp với một nơi thường có nhiều người ra vào.
Với thiết kế độc đáo từ trong đến ngoài như vậy, tòa nhà Bưu điện Sài Gòn có thể xem là một công trình xây dựng có phong cách độc đáo về kiến trúc, màu sắc của Sài Gòn lúc bấy giờ. Trên vòm mái trong tiền sảnh của toà nhà có hai bản đồ lịch sử: “Saigon et ses environs 1892” và “Lignes télegraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge 1936”.
Ngày nay, xung quanh tòa nhà chính còn có thêm một số công trình kiến trúc làm kho tàng, lắp đặt những máy móc, thiết bị bưu điện truyền tin hiện đại…
----------------------------------------------------
Source: http://www.wroughtiron.com.vn/sat-nghe-thuat/tin-tuc-sat-my-thuat-sat-my-nghe/cho-ben-thanh.html
No comments:
Post a Comment