Tôi có con gái mới đến Anh 3 tháng để làm Thạc Sỹ tại University Of Bristol. Trước đây con tôi học ở ĐH Ngoại Thương Hà Nội ( mới tốt nghiệp năm nay). Lực học của con tôi rất khá, mấy năm PTTH ở trường Am. Hà Nội đều là HS giỏi, và mấy năm ĐH đều là lớp phó phụ trác học tập. Chúng tôi đã cho con học tiếng Anh ngay từ khi vào ĐH, vì gia đình có điều kiện kinh tế, nên rất muốn con sau này sẽ đi du học Anh hoặc Mỹ, và con tôi được dành thời gian tối ưu và kinh tế tối đa, chỉ với mục đích là sẽ đi du học.
Sau khi tốt nghiệp ĐH với luận văn loại khá ( điểm 10 và còn đượ khen ngợi), con tôi yêu cầu tôi cho dồn thời gian và tiền bạc để thi bằng được tiếng Anh để đi Harward, mặc dù tôi khuyên là nên học trường vừa phải thôi ( vì tôi cũng quen nhiều người có con đã và đang du học khuyên như vậy), nhưng con tôi không nghe. Cuối cùng thi tiếng Anh hai lần không đủ điểm để đi Mỹ ( nghe đâu 7,2 hay 7,5 điểm). Con tôi được 2 trường của Anh mời học ( một trường ở Durham và trường thứ hai ở Bristol). Con tôi quyết định chọn trường Bristol, vì trường này nghe nói danh tiếng hơn. Trong thời gian chờ đi Anh, con gái tôi cứ than thở là, suốt 16 năm trời phấn đấu, bây giờ phải học ở Bristol, đó là một sự phí phạm trình độ. Riêng tôi thì mừng, vì biết con tôi sang Harward học, không sớm thì muộn cũng sẽ bị đuổi học vì không theo được.
Nhưng khi sang Anh thì sao? Con tôi không nghe được người Anh nói gì, tôi phải chi thêm tiền cho con tôi học khóa tiếng Anh của trường ( học 1 tháng, học phí 1310 bảng,ăn ở hết chừng ấy nữa, là con gái tôi ghi chi phí như thế). Nhưng sau khi vào học chính khóa, con tôi nói, không học được, không hiểu thầy giáo nói gì cả, và đang muốn tôi cho tiền học thêm một khoá tiếng Anh 1310 bảng nữa. Và nó nói, hàng tuần đều có thi, học rất căng thẳng, điểm thi đều không đạt yêu cầu, kể cả môn toán là môn sở trường của con tôi, điểm cũng thấp tệ hại..
Hiện tôi vừa sang Anh thăm con về được 1 tuần, tôi thấy, phần lớn du học sinh các nước bên đó đều như con tôi, tiếng Anh rất kém. Du học sinh nói với nhau thì hiểu nhau, nhưng người Anh nói thì không hiểu, vì tôi sống ở nước ngoài nhiều tôi biết, nói như mấy thầy giáo dạy tiếng Anh ở Hà Nội, không khác gì mấy ông tây nói tiếng Việt chưa sõi, sang đây thầy giáo nói vùn vụt như gió, nên không thể nghe giảng. Bạn tôi định cư ở Bristol, con gái anh ấy nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt, nhưng học 2 năm ĐH đành bỏ về đi làm Nails. Và tôi thấy nhiều ... nhiều du học sinh VN đang sống bất hợp pháp làm thuê bên đó. Tôi cũng rất lo cho con gái tôi, một HS từng tự hào là vào Harward mới xứng, vậy mà bây giờ đang loanh quanh không qua nổi bức tường Bristol.
Tôi kể hơi dài để NTA thấy được, việc được học dự bị là rất may mắn cho bạn, và bạn nên liên lạc với bạn Nguyễn thị Thanh Bình để được tư vấn thêm, lời chị ấy nói, tôi thấy hoàn toàn là đáng tin vì là người đã qua kinh nghiệm.
(Quang Hung )
------------------------------
Tôi thấy ý kiến của anh Chu Quan Hung đáng tham khảo. Luôn tiện để anh Hùng biết thêm, Bristol Uni cũng là một trường rất tốt tại Anh cũng thuộc nhóm Russell.
Con gái anh nên tự hào khi được học tại trường này. Mình là người nước ngoài, cho dù tiếng Anh giỏi thế nào đi nữa thì cũng không thể nào hội nhập ngay với người bản xứ được, cần phải mất nhiều thời gian đấy. Nhưng nếu quyết tâm học hỏi thì sẽ vượt qua. Nếu bạn có điều kiện kinh tế thì nên qua học dự bị một thời gian, sẽ giúp bạn hội nhập dễ dàng hơn khi vào học.
Hanh
--------------------------------------------------
Chia sẻ kinh nghiệm học ở Mỹ
Tùy mỗi ngành nghề và cách học của mỗi người, tuy nhiên tôi có một vài kinh nghiệm trong việc học ở Mỹ mà những năm ngồi ghế giảng đường ở Mỹ tôi đúc kết được. Xin được chia sẻ và cũng mong nhận được những chìa khóa khác ở các bạn là sinh viên đang học ở Mỹ như tôi.
Giáo dục ở Mỹ đòi hỏi cao, tuy khó nhưng không phải là không đạt được thành công. Muốn có được một tấm bằng bạn phải có trong tâm hai chữ kiên trì và siêng năng. Mà muốn có được hai đức tính này thì bạn phải có một động lực thúc đẩy mạnh mẽ là học vì tương lai của mình, học vì sợ đói nghèo (nếu như bạn nghĩ là học được thì học, không học vô cũng đâu có sao vì bố mẹ là đại gia, tiền bạc và danh tiếng có thừa sẽ bao bọc được bạn thì tôi miễn bàn với những trường hợp này). Bạn phải có sự quyết tâm cao độ để “chiến đấu” thì bạn mới chống chèo được.
Ở những năm đầu bạn sẽ vất vả về khả năng nghe của mình. Sinh viên Việt Nam chúng ta đa số viết khá nhưng nói và nghe không khá lắm. Cũng dễ hiểu vì bạn đang ở Mỹ sẽ nghe nhiều từ chuyên ngành, kiểu cách nói khác nhau, giáo viên người thì nói nhanh, rõ, người thì nói nhỏ, và sinh viên Mỹ thì nói nhanh lướt chữ dùng nhiều từ lóng nên bạn sẽ vất vả đấy. Khi đó quyển sách là người bạn vô cùng thân thiết, tôi thường đọc bài trước nắm được ý chính, vào lớp nghe giáo viên họ giảng chú ý cách phát âm những từ chuyên ngành, dùng từ của họ, do có đọc bài trước nên bạn sẽ có được vốn từ mới trong bài và sẽ hiểu được những ý phát triển mà giáo viên họ giảng. Nếu như vì một lý do nào đó bạn không đọc trước bài kịp thì ngồi nghe như “vịt nghe sấm” vậy, hoặc hiểu rất ít, thì bạn có thể dùng máy ghi âm ghi lại lời giáo viên nói (trường học họ cho phép). Tôi xin mở ngoặc nói riêng về khả năng sinh ngữ, một thời gian sau, bạn nghe quen, đến một lúc nào đó tỷ lệ phần trăm bạn nghe hiểu nhiều khi giáo viên nói là chuyện bình thường, nhưng khi bạn nghe hiểu hết được sinh viên Mỹ nói chuyện thì trình độ tiếng Anh của bạn lúc đó rất rất khá. Yên tâm đó là vấn đề thời gian sẽ luyện cái tai của bạn.
Sau khi tôi đọc xong bài thì tôi tự ngồi viết lại tất cả những kiến thức quan trọng mà tôi hiểu (take note). Và làm bài tập, thường thì giáo viên cho làm bài số chẵn (hoặc số lẽ) tôi thì làm tất cả, đôi khi chừa lại vài bài để đến gần ngày có exam thì làm để nhớ kiến thức. Khi làm xong bài tập tôi “nhìn lại” tất cả mọi kiến thức trong bài (điều này rất quan trọng), tự bản thân đặt ra những câu hỏi đại khái như là ý này nó sẽ móc xích với ý kia như thế nào, rồi tôi so sánh tất cả các quan điểm trong bài nêu ra, rút ra một cái móc xích ý chính. Vì kinh nghiệm cho tôi biết là nếu không “tổng duyệt” lại kiến thức thì khi làm test sự suy luận sẽ không chính xác. Những câu hỏi trong test hay đưa ra những quan điểm ngược với những cái mình học, rồi hay có sự so sánh, bắt chéo nhau của những kiến thức. Do đó nếu mình nắm vững được “cái sườn” của quan điểm thì khi bị hỏi “lắt léo” (tricky) tôi vẫn nhanh nhạy mà phán đoán đưa ra câu trả lời chính xác.
Và tôi đi kiếm những đề bài ôn tập mà giáo viên họ cho để sinh viên làm thử (nói nôm na là những đề thi thử). Bạn có thể lên internet đánh chủ đề (topic) kèm theo chữ exam hoặc test thì có vô số đề cho bạn luyện tập. Nó cũng lắt léo nhiều suy luận vô cùng, mức độ khó không thua kém gì đề bài giáo viên họ sẽ cho bạn. Các quyển sách học đều có in tên webside bạn vào đó họ có tóm tắt bài, các đề bài luyện tập... tha hồ mà bạn làm, rồi họ chấm điểm và sữa bài cho bạn, giảng giải cho bạn hiểu những câu bạn làm sai ngay tức khắc, rất là tiện lợi. Hoặc bạn vào những phòng Tutoring (nơi dạy kèm sinh viên), họ có để những bài luyện tập (test mẫu) và có đáp án. Quan trọng là bạn có thời gian và siêng năng hay không mà thôi. Kinh nghiệm tôi thấy là làm những bài test mẫu này rất bổ ích cho tôi, nó tập tôi suy luận, và kiểm tra tổng thể mình hiểu bài được bao nhiêu phần trăm, không hiều rõ phần nào thì xem lại. Khi bạn làm quen và nhuần nhuyễn với các luyện tập test thì tốc độ phân tích của bạn cũng tăng và bạn có thể đuổi kịp cái giới hạn thời gian làm bài.
Bên cạnh đó nếu như bạn không hiểu bài bạn có thề nhờ tutor (người dạy kèm) giúp bạn, không có tốn tiền và tất nhiên bạn có thể hỏi giáo viên. Đối với tôi mỗi buổi sáng sớm hoặc cuối giờ trưa, tôi thường ôm tập vở vào phòng giáo viên bộ môn hỏi bài là chuyện rất bình thường. Bạn đừng ngại ngùng về tiếng Anh của mình hoặc cũng đừng sĩ diện và mắc cỡ, phải mạnh dạn, vì giáo viên Mỹ họ rất là tốt, giúp bạn hết lòng, họ rất thích bạn hỏi, họ sẽ chăm chú nghe bạn nói cho dù tiếng Anh bạn không tốt, họ hiểu tất cả, vì họ quen rồi, họ đoán được ý bạn hỏi, và giáo viên họ sẽ dùng những từ ngữ vô cùng đơn giản, dễ hiểu để nói với bạn, hoặc viết ra, diễn tả ra cho đến khi nào bạn hiểu rõ được vấn đề thì mới thôi (nếu để ý bạn sẽ thấy nói chuyện với riêng bạn giáo viên họ dùng từ ngữ khác với họ nói với sinh viên Mỹ). Giáo viên không có chuyện xem đồng hồ thấy hết giờ làm việc là ngưng tiếp bạn (ngoại trừ những giờ họ có lớp), họ sẵn sàng phục vụ bạn như một thượng khách vậy, lúc nào cũng nở nụ cười với bạn, luôn mong bạn hiểu bài và pass lớp.
Khi học một lớp mới bạn nên ngồi kế hoặc kết thân với một sinh viên Mỹ, thường thì người lớn tuổi họ hoà đồng hiểu bạn nhiều hơn những sinh viên vừa xong trung học. Vì chơi với họ bạn có lợi nhiều thứ, tiếng Anh bạn khá lên, nhiều khi giáo viên viết tắt hoặc giảng nhanh quá bạn ghi không kịp bạn có thể xem hoặc hỏi người bên cạnh. Nhiều sinh viên Mỹ họ giúp bạn tất cả, ngoại trừ bạn không được copy bài test của họ mà thôi. Nhiều sinh viên Việt Nam học theo nhóm với nhau, giúp nhau hiểu bài và thảo luận cũng rất tốt (nhưng nhớ là theo hướng tích cực nhé).
Khi làm bài test, exam bạn cố gắng đừng căng thẳng, nếu gặp nhiều câu khó chớ có mất bình tĩnh, và luôn nghĩa rằng tất cả có trong sách, không bao giờ giáo viên họ bắt bí mình cả, ráng phân tích, nhớ kiến thức và làm bài. Nếu bạn gặp trong một đề bài có những câu dạng điền từ vào chỗ trống (nếu họ cho vài từ để chọn thì dễ), nhưng sẽ có nhiều giáo viên không cho từ nào bạn phải suy nghĩ từ mà điền vào thì lúc đó chớ mất tinh thần, cố gắng suy nghĩ tìm từ điền vào, nếu cảm thấy quá sức thì đừng tập trung vào nó mà tập trung vào làm những phần khác cho thật đúng để gỡ điểm. Nói thật cái dạng điền từ vào chỗ trống đến giờ vẫn là “kẻ thù muôn kiếp” của tôi và nhiều bạn sinh viên cũng e ngại nó lắm. Cho nên ai nói là học ở Mỹ là dễ? Đủ thứ biến hoá của đề bài test, bạn sẽ “tơi tả” không thể nào tưởng tượng nổi, nhưng phải cố lên mà thôi.
Thường thì một giờ học trên lớp thì đi kèm với 3 giờ học ở nhà, vì phải đọc sách rồi làm bài tập rất nhiều, có khi phải nghiên cứu đề tài, tìm tư liệu, mà một khóa học lấy 3 lớp, nên thời gian đôi khi không đủ để mà học.Mà sách giáo khoa thì thay đổi cải cách liên tục. Một quyển sách lâu lắm là hai năm thay đổi, nhưng đại đa số giáo trình 6 tháng là thay đổi rồi, vì người Mỹ luôn cập nhập những cái mới và cải tiến. Cho nên bạn sẽ tiếp cận những kiến thức mới liên tục đến “chóng mặt”.
Khoảng 3 tuần đầu của khóa học, do chưa quen cách dạy của giáo viên, cũng như đọc sách có nhiều từ mới chuyên ngành của một kiến thức mới nên đọc sẽ chậm, vì vậy mà điểm số đầu khóa của bạn thường thấp, nhưng bạn đừng nản lòng, đến tuần thứ 5 trở đi là thời gian chạy nước rút để gỡ điểm (vì lúc này đã quen với cách học). Và nếu mà môn nào bạn không được điểm cao thì cũng chớ có mất ý chí, vì “không phải ngày nào cũng có nắng đẹp cả”, một hai môn hoặc vài cái test bị điểm C hay D có khi là F không đủ sức “phá sản” việc học của bạn. Hãy luôn tự nhủ là sẽ học tốt những môn còn lại để kéo điểm qua.
Tôi học chung với nhiều du học sinh Việt Nam. Khi mới sang các bạn cũng hay tự đề cao mình là học sinh giỏi, xuất sắc (tuổi trẻ 8x, 9x mà) và các bạn có nhiều hoài bão, lý tưởng rất cao (tất nhiên là rất tốt), nhưng khi “chạm tay” vào các test, exam thì “bật ngửa”, bạn nào có nhiều kỳ vọng thì thất vọng cũng không ít. Và cũng có bạn tự mãn nguyện ,”hoan hỉ” là mình học giỏi hơn Mỹ. Trường cao đẳng cộng đồng là đủ mọi thành phần sinh viên lớn tuổi có, lười học có, trung bình... Nếu bạn so sánh mình với những sinh viên Mỹ lười học thì tất nhiên bạn hơn họ rồi. Nhưng khi vào đại học, ở vạch xuất phát toàn là “ngưạ chiến” cả thì trên đường đua những bạn nào sớm tự mãn là người “ngã ngựa” đầu tiên, các du học sinh ở lâu đều biết chuyện này. Cũng có những bạn là giỏi thuộc loại “vàng thiệt” đấy, các bạn cũng có những ngày thức đến qua nữa đêm để làm bài, hoặc là những đêm bạn trằn trọc ngủ không yên vì chợt phát hiện cái đề bài lúc sáng nó “đánh lừa mình về câu chữ” mà mình sẽ bị mất điểm, hoặc “tức mình muốn điên lên” vì mình biết làm mà không đủ giờ làm bài, và có những bữa cơm ăn không ngon vì lo lắng sắp có test.
Bên cạnh đó tôi chỉ muốn đưa ra cái nhìn của mình về nền giáo dục của Mỹ là một ngọn núi cao không có đỉnh, sự học là vô hạng. Đôi lúc bạn sẽ gặp những cái exam quá sức của bạn, vì giáo dục Mỹ muốn cho bạn khám phá và phát triển khả năng của bạn hết mức mà bạn có. Tất nhiên cũng có những quy định đòi hỏi khả năng của bạn đến đâu thì sẽ đạt tiêu chuẩn họ cấp bằng cho bạn. Tôi ví von rằng nếu bạn trèo lên ngọn núi đó được 200 mét thì bạn được bằng một năm, trèo được 600 mét thì tốt nghiệp đại học. Cho nên tôi muốn nhắn nhủ với các bạn du học sinh một điều là các bạn phải biết “lượng sức mình”. Nếu bạn học nửa đường mà thấy quá sức thì nên chuyển sang học chương trình lấy bằng hai năm (A A), nếu mà sức học đuối quá thì lấy bằng một năm, chẳng sao cả vì chẳng ai cười chê mình hết. Đâu phải chỉ có vào đại học là con đường thành công duy nhất đâu.
Nên nhớ rằng trong chương trình transfer có 80% lớp học của chương trình lấy bằng 1 và 2 năm, bạn học thêm vài lớp nữa của chương trình 2 năm là bạn có bằng rồi. Vì tôi thấy rất nhiều bạn du học sinh học không nổi, họ biết chắc là sức học của mình không đủ diểm để transfer nhưng cứ phải lao theo, vì sức ép của phụ huynh ở Việt Nam, là khi đi du học là phải lấy được bằng đại học. Tội nghiệp lắm các bạn ơi! Những du học sinh này vì sức ép, vì “sĩ diện” mà họ cứ “thường trú” ở các trường cao đẳng cộng đồng, học điểm thấp bị tiểu bang này không cho học, nhưng vì vẫn còn thời hạn visa nên đi qua tiểu bang khác học lại, rồi lên cao lên không nổi rồi lại đi tiểu bang khác. Cho nên có nhiều bạn ở Mỹ 4 năm mà vẫn “lang thang” ở cao đẳng cộng đồng và cuối cùng về nước. Hoặc có những bạn học ngành này thấy khó quá, vào chuyên ngành là bị “bật ra” liền thay đổi ngành khác, nhưng ngành nào cũng vậy, cũng có cái khó riêng của nó, và các bạn lại “lang thang” tiếp. Vì vậy các phu huynh khi thấy con mình học ở cao đẳng cộng đồng 3 năm rồi mà không thấy được vào trường đại học, hoặc cứ di chuyển chỗ ở liên tục thì phải xem điểm số con mình có vấn đề.
Tóm lại khi bạn có tấm bằng trong tay bạn sẽ thấy rất tự hào là bạn đã “chiến thắng được bản thân mình”, bằng 1-2-4 năm đó là niềm tự hào của bạn. Còn những bạn mê chơi hơn mê học, những “cậu ấm cô chiêu” hoặc “những kẻ gian lận” thì hãy suy nghĩ lại xin đừng đánh mất giá trị tuổi trẻ của mình.
Cuối cùng tôi xin chia sẻ một câu chuyện ngắn: trong một buổi chúng tôi nói chuyện với một vài người Mỹ, một sinh viên Việt Nam nói là người Việt Nam rất thông minh và giỏi, một người Mỹ liền nói lại là “Bạn nói người Việt Nam thông minh, vậy người Việt Nam có những phát minh gì giúp ít cho nhân loại chưa? Nước bạn có chế được xe hơi, máy bay, về công nghệ thông tin bạn có sáng chế được những thành tựu nào?” Tôi nghe họ nói vậy cũng thấy “chạm tự ái dân tộc lắm”. Bạn sinh viên Mỹ ấy không có ý đả kích Việt Nam vì bạn ấy nói tiếp “Tôi biết các bạn rất chăm chỉ, cần cù, sinh viên Việt Nam nhiều bạn cũng thông minh, tiếc rằng các bạn không được trao dồi phát huy hết khả năng của các bạn. Tôi hy vọng rằng những gì các bạn học được ở Mỹ sẽ giúp các bạn phát triển đất nước các bạn hơn” .
Các bạn thấy đó người nước ngoài họ chỉ nhìn thực tế vào sự phát triển đất nước Việt Nam. Giáo dục Việt Nam đào tạo con người giỏi mà giỏi ở mức độ nào? Còn giáo dục Mỹ họ đào tạo nhân tài phải giỏi ở mức độ nào? Hai cái mức (level) giỏi này chất lượng có ngang nhau không? Tôi cũng không dám chối bỏ những công ơn mà các thấy cô đã dạy tôi ở Việt Nam. Tôi biết cũng có nhiều giáo viên có nhiều tâm huyết với nghề, nhưng họ lại bị vướng vào cơ chế... Và cái gì mình sai thì mình phải sửa, cái gì mình không biết thì mình phải học, học cái hay cái giỏi của người khác để phát triển hoàn thiện cho mình.
Bạn nghĩ là làm giáo sư dạy đại học ở Mỹ sẽ sung sướng lắm sao? Họ cũng chiến đấu với kiến thức gian nan lắm, một năm phải thuyết trình 3 lần trước hội đồng khoa về 3 cái đề tài mới họ nghiên cứu, nếu không thuyết phục được hội đồng khoa họ sẽ tạm nghỉ việc. Vì kiến thức của sinh viên cũng rất to lớn, có những lúc sinh viên trình bày quan điểm giáo sư cũng không có câu trả lời, và giáo sư phải nghiên cứu. Bạn sẽ không ngạc nhiên khi ở đại học nhiều vị giáo sư nói là “khi nào tôi học được gì ở người sinh viên thì tôi mới cho họ điểm A”. Ngồi ở cao đẳng cộng đồng bạn có thể lấy A dễ nhưng khi lên đại học thì giáo sư họ cho điểm chặt lắm, đòi hỏi bạn cao hơn.
Còn lớp người sống ở Mỹ sau khi bước ra khỏi cánh cổng trường học, không phải sự nghiệp “học” của họ là chấm hết, ngược lại còn căng thẳng hơn, những kỹ sư, bác sĩ... phải luôn học hỏi nghiên cứu với những kỹ thuật mới (technology), những căn bệnh lạ… vì nếu họ không đáp ứng được những nhu cầu xã hội thì họ cũng sẽ bị đào thải. Như tôi đây tháng 3/2011 sẽ ra trường, trong vòng một năm mà không kiếm được việc làm thì cái bằng đại học xem như bỏ, vì xã hội Mỹ họ lập luận rằng “văn ôn võ luyện” bạn không tiếp xúc, không làm nghề một năm thì kiến thức của bạn bị mai một rồi, bạn quên nghề rồi. Và tôi phải kiếm đường học lên tiếp để cái bằng của mình có giá trị về mặt nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhưng đi học hoài thì lấy tiền đâu mà sinh sống. Bạn thấy không từng nhân tố nhỏ nhất sống ở Mỹ đều phải vận động không ngừng.
Những gì các bạn du học sinh trải qua trong học tập tôi cũng từng trải qua. Tôi không hề có ác cảm với các du học sinh Việt Nam. Tôi chỉ muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các bạn đi sau không bị “sập hầm, sập hố” và lường trước được những khó khăn các bạn sẽ gặp phải và các bạn có tinh thần “chuẩn bị để chiến đấu”. Bởi vì người học sau sẽ phải học vất vả hơn người học trước, vì bạn phải học những gì tiến bộ của những năm qua và từ đó tiếp tục cải cách phát triển nó.
Và các bạn luôn nhớ rằng sự suy luận sáng tạo là thương hiệu của nền giáo dục Mỹ. Người Mỹ sẽ luôn bảo vệ cái thương hiệu đó, cho nên trong sự học sẽ đòi hỏi bạn vất vả đó. Chủ ý tôi viết nhiều sự khó khăn, vất vả trong việc học, ít khi viết ca tụng du học hoặc những ý “lên dây cóp” tinh thần du học sinh là vì tôi nghĩ “có dám nhìn thấy và dấn thân chiến đấu với những khó khăn thì con người mới trưởng thành” . Còn những bạn thấy khó khăn nhiều quá quyết định không “bước vào trận chiến”. Ồ! Ý chí các bạn ở đâu rồi “chưa lâm trận đã buông súng rồi sao”, các bạn cứ thử bước vào thì sẽ khám phá bản thân mình nhiều thứ lắm.
Xin mọi người hãy nhìn các khía cạnh của những vấn đề khi so sánh ở tính chất là xây dựng lẫn nhau để cùng tiến, chứ không phải tôi viết ở mục đích là “kể tội”, “tự đề cao mình”, “ca tụng Mỹ”, hoặc là phải “hơn thua”, “đả phá công kích”, tất cả mọi vấn đề đều có những mặt trái của nó, không ai là hoàn mỹ cả. Chúng ta đang đi tìm một chân lý để bước lên sự cải tiến, văn minh được lấy từ yếu tố giáo dục làm nền tảng. Xã hội Việt Nam phát triển, “nhà nhà du học”, hy vọng qua chuỗi bài viết của tôi giúp các bạn sinh viên cũng như phụ huynh mường tượng được phần nào về “thương hiệu” nền giáo dục của Mỹ, và cách học cách sống của du học sinh.
Quay trở lại câu chuyện, sau khi bạn sinh viên Mỹ ấy nói, một du học sinh Việt Nam khác liền trả lời “Tôi biết mình chỉ là một con cá bé, nhưng con cá bé này sẽ ngày một lớn nhanh, và sẽ ngang hàng với con cá lớn”, và sinh viên Mỹ ấy cười nói “I hope so” (hy vọng là vậy). Vâng! Tôi chúc các bạn du học sinh luôn có nhiều ý chí và thành công trên con đường học vấn, khi các bạn quay về Việt Nam sẽ cùng với các bạn trong nước đưa Việt Nam mình ngày một tiến nhanh hơn nữa.
--------------------------------------------------
Cách dạy trong trường học Mỹ
|
Ảnh minh họa bloom.edu. |
Chương trình học ở Mỹ vô cùng khó khăn và nặng nề. Nếu bạn học 10 tín chỉ (tức là 2 lớp) bạn đọc ít nhất hai quyển sách trung bình 700 trang, đọc phải hiểu kỹ và phải nhớ và phải làm vô số bài tập nữa.
Vì tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ cho nên dù bạn khá Anh văn nhưng bạn vẫn phải dò từ điển liên tục, có khi một trang sách bạn đọc cả một tiếng mới hiểu, và bạn phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới hiểu được cặn kẽ. Mà bài học, kiến thức mới thì liên tục, có khi bạn chưa hiểu bài thì đã thấy test rồi, bài nào cũng test, tuần nào cũng có test.
Các loại test ở trường Mỹ thì tuỳ giáo viên quy định, có những giáo viên có pop quiz (giống như kiểm tra 15 phút ở Việt Nam mình). Tất nhiên những test này không được báo trước, thường thì bạn phải trả lời những câu hỏi giáo viên đưa ra trong vòng 5, 10 hoặc 15 phút. Bên cạnh đó mỗi bài học đều có những quiz test. Thường thì giáo viên họ đăng lên mạng, bạn làm trên máy tính ở mọi nơi. Bạn sẽ ngạc nhiên vì đã là test online thì bạn được phép về nhà làm và có thể mở sách ra xem. Nhưng loại test này không dễ dàng bao giờ, bạn càng mở sách ra đọc dò tìm câu trả lời bạn càng có nguy cơ lấy điểm 0. Vì sao? Quy định chung của giáo dục của Mỹ là suy luận, tức là bạn phải nắm thật rõ kiến thức và từ kiến thức bạn đã học bạn sẽ suy luận ra vấn đề thực tế. Có nhiều câu hỏi khi đọc lên bạn chẳng thấy trong bài học đâu cả, nhưng bạn phải đọc kỹ và suy luận áp dụng kiến thức đã học và tìm được câu trả lời.
Thường thì những test dạng trắc nghiệm (bạn chọn câu trả lời A, hay B, C, D), có nhiều câu trả lời gần như đánh lừa bạn về câu chữ, kiến thức (chúng tôi hay gọi là cheat), nó lắt léo vô cùng. Giáo viên Mỹ không bao giờ ra câu hỏi đại khái như là: hãy viết định nghĩa này, công thức kia… giống giáo viên Việt Nam. Ở Việt Nam bạn chỉ thuộc bài và viết lý thuyết đúng như trong sách học là lấy điểm dễ dàng. Ở Mỹ không bao giờ làm bài như vậy cả, cho nên cho dù bạn hiểu bài đó, bạn thuộc bài đó nhưng chưa chắc gì bạn làm bài được vì bạn cần phải có óc suy luận. Mà đa số cách giáo dục ở Việt Nam là lý thuyết, ít có sự suy luận nên du học sinh Việt Nam rất khó khăn trên con đường thành công về học vấn ở Mỹ. Và khi bạn làm bài trên mạng thì thời gian chỉ có hạn, thường thì một câu là 1 phút 30 giây, hoặc 2 phút, nhưng nếu thời gian càng dài thì bạn đừng mừng vội vì câu hỏi càng khó, cho nên bạn không có thời gian để mở sách ra xem đâu (mặc dù chẳng ai biết).
Loại test cuối cùng là exam, tùy bộ môn và giáo viên, có lớp có 4- 5 exam, hoặc có lớp có 2 exam, bạn phải làm tại lớp (giống như kiểm tra một tiết ở Việt Nam). Đề bài cũng toàn là phải suy luận, và 55 phút bạn phải trả lời 45 hoặc 50 câu hỏi. Càng nhiều exam thì bạn càng có lợi, vì bạn có cơ hội gỡ điểm cho những bài bạn làm không tốt. Nhưng nếu chỉ có 2 exam trong một môn thì bạn phải rất cẩn thận vì không có cơ hội gỡ điểm nhiều. Vì nếu chẳng may bạn không khỏe, hay bạn mất tinh thần làm bài không tốt, thì xem như bạn tiêu rồi, vì thang điểm exam này rất cao, quyết định 70% kết quả học của bạn. Có những giáo viên cộng thêm điểm homework, điểm hiện diện của bạn trên lớp, nhưng cuối cùng điểm exam vẫn xác định chủ yếu trong điểm số cuối cùng của bạn.
Bên cạnh đó có một số giáo viên yêu cầu bạn phải nộp cả giấy nháp làm bài cho họ, hoặc khi bạn viết bài luận văn bạn phải giữ lại bài nháp và nộp cho giáo viên (nếu họ yêu cầu). Vì giáo viên họ muốn biết đích xác là chính bạn làm hay không, hay bạn copy, mặc dầu thường thường khi ra đề exam trên lớp là có đề 1, đề 2 cho hai người ngồi kế nhau. Bạn thấy không giáo viên họ cẩn thận như vậy đó, nhưng đại đa số sinh viên Mỹ họ rất có ý thức, không bao giờ họ copy hoặc hỏi bài khi làm test, không biết làm họ nộp giấy trắng. Bạn nên nhớ rằng nếu bạn có hành vi gian lận thì ngay lập tức bạn bị đuổi ra khỏi trường và sẽ không trường học nào ở Mỹ nhận bạn vào học cả, dù chỉ một lần bạn gian lận.
Điểm số ở trường học Mỹ họ quy định là 70% bạn được C, 80% bạn được B-, và 90% được A-. Có những trường điểm trung bình 80% bạn được C. Nhưng nếu bạn học mà được C hoài thì xem như bạn không đủ điểm để transfer, thường thì GPA (điểm trung bình cộng tất cả các môn) của bạn phải ít nhất là 3,5 (tức là từng môn học đạt ít nhất là 85% đạt B trở lên) thì bạn mới có hy vọng được trường đại học nhận. Bạn thấy đó điểm số trung bình là C (tức điểm 7 tính trên hệ số 10) thì bạn pass lớp, nhưng bạn sẽ không được vào đại học, trong khi điểm trung bình ở Việt Nam là 5 điểm, điểm 7 xem như là khá. Do đó nếu một học sinh hay sinh viên Việt Nam có đạt loại giỏi ở Việt Nam cũng chưa chắc gì học tốt ở Mỹ.
Điểm số thì khắt khe, quy tắc giảng dạy thì đòi hỏi phải tư duy, cho nên áp lực đè nặng lên du học sinh rất nhiều. Khi bạn mới đến Mỹ học các lớp Anh văn rồi toán, bạn sẽ không thấy hết cái sự khó khăn trên, chỉ khi nào bạn vào những môn khác thì bạn sẽ thật sự cảm thấy là “nuốt không vô”. Chúng tôi thường nói với những du học sinh mới sang học là “học chừng hai khóa thôi thì thấy xanh mặt mày liền”, bao nhiêu mơ ước về học bổng về sự tiến xa hơn đều tiêu tan, sự chán nản sẽ dâng trào.
Nhưng tất cả mọi cánh cửa đều có chìa khóa để mở, và các vấn đề đều có cách giải quyết nhưng quan trọng là theo hướng tích cực hay tiêu cực tùy mỗi người chọn. Ý tôi muốn nói có những bí quyết giúp bạn thành công vượt qua những đòi hỏi cao của trường học Mỹ và bạn đĩnh đạc tiến thẳng vào đại học. Nhưng cũng có những mánh khoé gian lận mà du học sinh Việt Nam áp dụng để về đến đích, nhưng cái gì thật sự không có thực lực thì cuối cùng sẽ bị đào thải mà thôi, có khi bạn sẽ trả giá cho sự gian lận của mình. Nên nhớ rằng giáo dục ở Mỹ đánh giá rất rõ về khả năng thật sự của bạn. Các cánh cửa trường luôn mở rộng chào đón bạn, nhưng có mấy ai đi ra được với tấm bằng cấp trên tay, dù bạn có gian lận thì cũng không đạt được gì cả.
Mèo Con
http://vnexpress.net/GL/The-gioi/Nguoi-Viet-5-chau/2010/11/3BA22EA3/
-------------------------------------------------
Đại học ở Mỹ khác Việt Nam như thế nào?
|
Ảnh minh họa google. |
Có thể nói rằng sự khác nhau giữa giáo dục đại học ở Mỹ và Việt Nam bắt nguồn từ sự khác nhau giữa chủ nghĩa cá nhân có nguồn gốc từ châu Âu trong văn hóa Mỹ và chủ nghĩa tập thể ảnh hưởng từ đạo Khổng Nho trong văn hóa Việt.
So với tổng số khoảng 4,7 triệu học sinh phổ thông và sinh viên các trường Đại học và Cao Đẳng ở nước ta hiện nay thì số lượng khoảng 60.000 du học sinh Việt Nam tại các cơ sở đào tạo nước ngoài (trong đó ở Australia có 15.000, ở Mỹ có 13.000, và ở Pháp có 7.000) chỉ chiếm một tỉ lệ khá thấp. Mỹ là nước thứ hai trên thế giới có số du học sinh Việt Nam theo học nhiều nhất. Năm 2009, Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 9 trên thế giới về số lượng du học sinh tại Mỹ.
1. Hệ thống giáo dục đại học ở Mỹ dân chủ và tiên tiến bậc nhất trên thế giới. Tôi có những buổi học 4 môn liên tục từ 11 giờ trưa tới 5 giờ chiều mà chỉ được nghỉ 15 phút để chạy từ giảng đường này sang giảng đường khác, ăn đồ ăn nhanh ở trong lớp thường là giải pháp cho các bữa trưa của tôi. Không những được phép ăn uống, mà tôi còn có thể nhắn tin bằng di động hay dùng máy tính xách tay trong lớp. Không có chuyện giáo sư gọi sinh viên trả lời như một điều trừng phạt khi sinh viên đang suy nghĩ đâu đó. Sinh viên chúng tôi được tranh luận thẳng thắn mà không bị đánh giá thái độ mỗi khi phản bác ý kiến của thầy cô.
Một điều hết sức bình thường ở Mỹ là giáo sư vui vẻ cảm ơn mỗi khi sinh viên chỉ ra điểm sai trong bài giảng. Tôi thậm chí có lần còn được cộng điểm vì chỉ ra được những lỗi như thế. Thế mới hiểu tại sao sinh viên Mỹ có phong cách rất tự tin, vì họ nhận được sự khuyến khích thực sự từ các thầy cô mỗi khi phát biểu, ngay cả việc yêu cầu giáo sư nhắc lại câu vừa mới nói. Ngoài giờ học chính thức, các giáo sư thường dành khoảng 2- 4 tiếng mỗi tuần để sinh viên có thể dễ dàng tới trao đổi hay giải đáp thắc mắc ở văn phòng riêng của họ. Sinh viên cũng có thể học qua gia sư của từng môn học. Đây là những bạn học sinh giỏi của các lớp trước được nhà trường thuê và trả lương khoảng $9/giờ, 10 giờ một tuần.
Một điều khác làm cho nhiều du học sinh bỡ ngỡ đó là không có sự phân biệt về tuổi tác trong lớp học. Tôi có cậu bạn học cùng lớp tiếng Anh trong kỳ đầu tiên 28 tuổi và có những bạn trong lớp năm thứ ba nếu so về số tuổi có lẽ nhiều gấp đôi của tôi. Ngay cả học sinh cấp ba ở Mỹ cũng không tuân theo chuẩn mực đứng lên chào khi thầy cô bước vào và ra khỏi lớp. Sinh viên được nhận kết quả thi tuyệt đối riêng tư. Nếu không hỏi nhau thì bạn bè không ai biết kết quả của ai. Việc học là cho mình chứ không phải học vì nỗi sợ bị bạn bè đánh giá. Ở Mỹ, phụ huynh chỉ có quyền biết điểm của con mình nếu như họ là người đóng tiền học cho con họ.
2. Chương trình học ở đại học Mỹ linh hoạt hơn ở ta. Sinh viên được chọn môn, chọn thầy, và chọn giờ học theo ý mình. Tôi có một cô bạn nhà ở cách trường một tiếng lái xe nên học dồn tất cả các lớp học vào ba ngày đầu tuần. Tôi đã từng bất ngờ khi cô giáo hỏi có những ai đi làm thêm trong giảng đường hơn 200 sinh viên năm thứ nhất, thì có tới 3/4 lớp tôi giơ tay lên. Thậm chí, tôi có cô bạn vừa đi học 5 môn một kỳ vừa đi làm 32 tiếng một tuần.
Mặc dù học sinh phải đăng ký ngành học ngay từ khi vào trường, nhưng sinh viên có thể thay đổi ngành học trong hai năm đầu mà hầu như không ảnh hưởng đến thời gian tốt nghiệp. Sinh viên chọn ngành Văn học vẫn có thể chuyển sang nghành Kiểm toán chẳng hạn. Trong 2 năm đầu tiên, hầu hết chương trình của các ngành đều giống nhau. Tất cả sinh viên bất kể chuyên ngành nào, dù Kiểm toán hay Văn học, đều phải hoàn tất chương trình cơ bản trong hai năm đầu với nhiều môn trên nhiều lĩnh vực, từ khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh), khoa học xã hội (Lịch sử, Xã hội học, Chính trị), Tiếng Anh (học lối viết trong nghiên cứu), đến các lớp như Âm nhạc hay Sân khấu. Đương nhiên là sinh viên được quyền chọn môn học mình yêu thích trong số những nhóm môn ấy. Chương trình đại học được thiết kế trong vòng 4 năm, nhưng vì học theo tín chỉ nên sinh viên có thể học nhiều lớp trong hai kỳ chính cũng như có thể học cả ba kỳ hè để rút ngắn thời gian học.
3. Về cách dạy ở trường đại học Mỹ, không bao giờ có tình trạng thầy đọc trò chép. Thầy cô trình chiếu bài giảng hoặc phát bài rồi nói về những vấn đề đó. Những điều cần giải thích thêm thầy cô mới ghi lên bảng. Sinh viên có thể lên website của thầy cô xem lại bài trình chiếu để bổ trợ trong quá trình tự học. Thời khóa biểu được phát đầu kỳ, và các bài giảng cứ thế răm rắp tuân thủ theo từ tuần đầu tiên đến tuần cuối cùng. Và đặc biệt các giáo sư rất đúng giờ, hầu như họ đều vào lớp trước giờ học, khó có thể tìm được buổi học nào mà thầy cô lên lớp muộn, dù là chỉ một phút.
4. Điều khác biệt nữa là cách thức đánh giá sinh viên. Ở Mỹ trong một kỳ, một sinh viên thông thường học 5 môn. Mỗi môn có từ 3 đến 6 bài kiểm tra, với phần trăm điểm được phân bố. Kỳ vừa rồi với 5 lớp học, tuần nào tôi cũng có ít nhất một bài kiểm tra như thế, có tuần có tới 4 bài kiểm tra, bài viết phải nộp, và bài thuyết trình trên lớp. Còn ở Việt Nam, nếu như không có kiểm tra giữa kỳ thì chỉ có duy nhất một bài kiểm tra cuối kỳ. Như vậy là sinh viên ở Mỹ phải học liên tục, chứ không như ở Việt Nam, lịch thi tạo điều kiện cho sinh viên có thể thong dong đầu kỳ rồi cuối kỳ học gấp rút trong vài ba ngày cho bài thi cuối kỳ rồi cũng xong. Và tất nhiên, kiến thức được xây dựng từ bài cơ bản đến bài nâng cao như mưa dầm thấm đất, sinh viên sẽ nắm được vấn đề một cách chắc chắn.
Hơn nữa, ngoài các bài kiểm tra, có môn tôi còn phải làm bài trắc nghiệm trong vòng 15 phút trên mạng hàng tuần. Hay có lớp cứ hai tuần có một bài về nhà trên mạng, tôi lại phải dành ra khoảng 4 tiếng để hoàn thành 30-50 câu hỏi trắc nghiệm. Học ở Mỹ, tôi phải viết rất nhiều. Nhiều khi tôi phải tự tìm chủ đề và tìm tài liệu tham khảo trong thư viện. Có những bài dài đến gần 30 trang. Đặc biệt, sinh viên có thể bị đánh trượt nếu phạm lỗi đạo văn, dù chỉ là lỗi sao chép trong một bài luận.
5. Ở Mỹ mỗi trường đại học có cả hàng chục đến cả trăm hội sinh viên chứ không phải mỗi trường chỉ có một vài hội sinh viên như ở Việt Nam. Nếu sinh viên muốn tham gia tình nguyện thì có thể tham gia chương trình tình nguyện của rất nhiều câu lạc bộ sinh viên. Có câu lạc bộ về chuyên nghành (như Tài chính, Kiểm toán, Kinh tế học, Hóa học, Công nghệ thông tin), về văn hóa (hội sinh viên các quốc gia và vùng lãnh thổ), hay về giải trí (Nhiếp ảnh, Bóng bàn, Cờ vua). Bên cạnh đó có rất nhiều lớp học ngoại khóa (Yoga, nhảy Latin).
Hoạt động của các câu lạc bộ trong trường đại học Mỹ rất năng động. Tham gia hoạt động ngoại khóa giúp tôi học hỏi nhiều điều trong cách giao tiếp. Năm ngoái, tôi từng được gặp thị trưởng thành phố tôi đang học trong một buổi trò chuyện do hội sinh viên nghành Tài chính của trường tổ chức. Mới cách đây 2 tuần, tôi lại cùng với thành viên hội này được đến thăm quan chi nhánh ngân hàng Frost National Bank ở trung tâm thành phố của tôi. Trong buổi đó, chúng tôi được giao lưu với chủ tịch, phó chủ tịch, cũng như nhiều trưởng các bộ phận trong ngân hàng như đầu tư, tín dụng, và quỹ. Thậm chí, sau khi qua hai lớp cửa an toàn, những sinh viên chúng tôi còn được tận mắt nhìn thấy kho tiền của ngân hàng.
Nói thêm về chuyến tham quan này, tôi là thành viên trong ban quản trị của hội và là người chịu trách nhiệm tổ chức buổi thăm quan này. Một lần tình cờ khi nói chuyện với giáo sư, tôi đề đạt nguyện vọng của hội muốn tìm hiểu cách thức hoạt động của một ngân hàng trong thành phố, thầy tôi vui vẻ mở facebook của thầy và gửi tin nhắn cho một sinh viên cũ của thầy đang làm việc tại ngân hàng. Vài tuần sau đó, sau cuộc gọi điện của thầy tôi, chỉ hai ngày sau anh sinh viên cũ gửi chương trình buổi thăm quan kèm theo ngày giờ cụ thể qua thư điện tử cho tôi. Sự nhiệt tình của thầy tôi, tinh thần trách nhiệm của anh sinh viên cũ của thầy, và sự thân thiện của các nhân viên trong ngân hàng đã khiến tôi, một sinh viên quốc tế, không khỏi ngỡ ngàng.
Sau chuyến thăm quan ngân hàng Frost National Bank, hãy cùng tôi ngẫm nghĩ phép so sánh nho nhỏ sau: công ty có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay là ngân hàng Vietcombank có tổng tài sản (12,7 tỷ USD) chỉ bằng khoảng 2/3 tổng tài sản của ngân hàng Frost National Bank (17,7 tỷ USD) - ngân hàng lớn nhất ở tiểu bang Texas, Mỹ. Chúng ta đi sau cả về kinh tế và giáo dục. Như một quy luật trong cuộc thi chạy đường trường, một khi ta xuất phát sau thì ta phải tăng tốc, và tốc độ phải nhanh hơn đối thủ đằng trước thì ta mới có cơ về đích trước.
Được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng cao ở Mỹ như vậy, liệu sẽ có bao nhiêu du học sinh dũng cảm quay về Việt Nam sau khi tốt nghiệp, áp dụng những kiến thức tiên tiến vào tình hình riêng của nước ta, để nghĩ lớn và làm lớn?
Hoàng Thị Hồng Nhung
(Tháng 12 năm 2010)
http://vnexpress.net/GL/The-gioi/Nguoi-Viet-5-chau/2010/12/3BA24C14/?p=2#aComment
-------------------------------------------