Thursday, June 13, 2013

Cù Huy Hà Vũ Collection

1. Chiến Tranh Việt Nam và Ngày 30/4 dưới mắt Cù Huy Hà Vũ


VOA: Thưa Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nhiều người cho rằng trong chiến tranh Việt Nam người Mỹ không thua trận trên chiến trường mà thua tại sân nhà, do các làn sóng phản chiến trên các đường phố Hoa Kỳ lúc bấy giờ. Một trong những người này là Tiến sĩ Roger Canfield đã nói như vậy trong một cuốn sách của ông ấy mới đây. Tiến sĩ nghĩ sao về nhận định này?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Hoa Kỳ cho rằng họ can thiệp quân sự ở Việt Nam là nhằm ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản mà Miền Bắc Việt Nam là “tiền đồn” ở Đông Nam Á trong bối cảnh chiến tranh lạnh. Vì vậy, việc Hoa Kỳ đã thua trong chiến tranh Việt Nam đương nhiên có nghĩa họ đã bại trận trước chủ nghĩa cộng sản, điều mà Nhà trắng và nhiều người khác hẳn không thể và không muốn chấp nhận.
Vậy cần phải có một lý giải khác về thất bại quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam và tôi cho rằng Tiến sĩ Roger Canfield đã đi theo hướng đó bằng cách cho rằng Hoa Kỳ thua trận là do người dân nuớc này phản chiến.
Quan điểm của cá nhân tôi là Hoa Kỳ đã thật sự thua trên chiến trường Việt Nam và các làn sóng phản chiến trên các đường phố New York, Washington… chỉ là hệ quả, phản ánh sự mất kiên nhẫn của người dân Mỹ, đặc biệt trước thiệt hại quá lớn về sinh mạng của lính Mỹ.
Thực vậy, ngoài con số hơn 300.000 lính Mỹ bị thương, số lính Mỹ chết trong “Chiến tranh cục bộ” từ 1965 đến 1968 tại Miền Nam Việt Nam là khoảng 58.000, gấp đôi số lính Mỹ chết trong chiến tranh Triều Tiên từ 1951 đến 1953, trong khi cộng sản Triều Tiên còn có sự hỗ trợ của gần 3 triệu lượt quân Trung Quốc.

VOA: Vậy theo ý ông chủ nghĩa cộng sản đã thắng Hoa Kỳ tại Việt Nam cách nay 35 năm?

CHHV: Có một thực tế là Mỹ đã thua trận trước các lực lượng cộng sản Việt Nam nhưng điều này tuyệt nhiên không có nghĩa chủ nghĩa cộng sản đã thắng Mỹ.
Như chúng ta đã thấy, chủ nghĩa cộng sản dưới màu sắc chủ nghĩa xã hội chưa bao giờ là một hiện thực ở Việt Nam bởi cho đến ngày hôm nay hệ tư tưởng ấy vẫn chỉ là “định hướng” như chính ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam thừa nhận.
Nói cách khác, tính ưu việt hay hơn hẳn của chủ nghĩa xã hội so với chủ nghĩa tư bản mà Hoa Kỳ đại diện chưa bao giờ được chứng minh ở Việt Nam nên sẽ là quàng xiên khi nói rằng bên chiến thắng trong cuộc chiến tranh Việt Nam là hệ tư tưởng cộng sản. Sự sụp đổ ngoạn mục của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước chỉ có thể xác nhận quan điểm này của tôi.

VOA: Vậy theo Tiến sĩ, Hoa Kỳ thua trong chiến tranh Việt Nam là vì những lý do gì?

CHHV: Phải khẳng định rằng không có sự giúp đỡ đắc lực của Liên Xô và Trung Quốc thì khó có thể tưởng tượng nổi Hà Nội đã có thể giành chiến thắng trước Hoa Kỳ. Tuy nhiên, phương tiện chiến tranh mà các lực lượng cộng sản Việt Nam nhận được từ hai cường quốc cộng sản này chắc chắn không thể bì được với phương tiện chiến tranh mà Hoa Kỳ sở hữu tại chiến trường cả về số lượng lẫn chất lượng.
Để nói rằng, sự giúp đỡ mà Liên Xô và Trung Quốc đã dành cho Việt Nam trong cuộc chiến với Mỹ là đặc biệt quan trọng nhưng rõ ràng không phải là nhân tố quyết định chiến thắng của Việt Nam.
Tất nhiên không ai có thể sửa lại được lịch sử nhưng theo tôi, lẽ ra đã không có chiến tranh Việt Nam và tất nhiên đã không có chuyện Hoa Kỳ thua trận nếu như siêu cường quốc này đã không cố tình mắc sai lầm trong đánh giá đối phương. Thực vậy, việc Hoa Kỳ bao cho Pháp đến 80% chi phí quân sự vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất rốt cuộc không cứu vãn nổi sự thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ vào năm 1954 ngay từ lúc đó đã chứng tỏ ưu thế về phương tiện chiến tranh không phải cái để bảo đảm chiến thắng trước những chiến binh Việt Nam cộng sản.
Nói cách khác, lẽ ra chiến tranh Việt Nam đã có thể tránh được nếu như trước đó Mỹ đã không ngộ nhận những người lính của Tướng Giáp là những rô-bốt của Trung Quốc và Liên Xô, hay lính đánh thuê cho chủ nghĩa cộng sản, nếu như Hoa Kỳ đã dụng công để hiểu người Việt.

VOA: Như vậy phải chăng ý Tiến sĩ muốn nói rằng muốn xử lý quan hệ với Việt Nam, thì điều kiện tiên quyết là phải hiểu người Việt? Nếu đúng vậy thì tại sao?

CHHV: Khi tiến hành chiến tranh ở Việt Nam, Hoa Kỳ đã quy những người cộng sản Việt Nam và những người ủng hộ họ vào chủ nghĩa cộng sản, tức những người này được điều khiển bởi một hệ tư tưởng duy nhất là chủ nghĩa cộng sản. Sai lầm chết người của Hoa Kỳ chính là chỗ này: người Việt có hệ tư tưởng riêng của họ nên không còn chỗ cho hệ tư tưởng khác, mà ở đây là chủ nghĩa cộng sản, trú ngụ.
Hiểu như thế thì chủ nghĩa cộng sản chỉ là phương tiện mà người Việt sử dụng để phục vụ hệ tư tưởng riêng của mình.
Như vậy, Hoa Kỳ vào Việt Nam là để đánh chặn hệ tư tưởng cộng sản nhưng thực tế lại phải giao chiến với hệ tư tưởng của người Việt, điều mà Hoa Kỳ không hề tính tới trước khi lâm trận nên thất bại là tất yếu.

VOA: Ông vừa nói người Việt có một hệ tư tưởng, vậy hệ tư tưởng đó là gì, thưa ông?

CHHV: Việt Nam là một nước đa sắc tộc và người Việt chiếm tới 90% dân số, do đó cái tên Việt được các triều đại phong kiến Việt Nam dùng để chỉ cư dân và làm cơ sở để đặt tên nước như Đại Cù Việt, Đại Việt rồi Việt Nam.
Người Việt hiện nay còn được gọi là người Kinh. Còn tại sao có cái tên này thì chưa có nghiên cứu nào, từ điển nào đề cập. Nhưng theo tôi, cái tên “Kinh” là đặt theo tên của Kinh Dương Vương, thủy tổ của người Việt theo huyền sử và điều này chứng tỏ người Việt rất có ý thức về nguồn cội của mình.
Như vậy, có thể nói dân tộc Việt Nam là một dân tộc thuần Việt suốt chiều dài lịch sử và chính đặc điểm “thuần Việt” này đã hình thành cho người Việt tư tưởng Một dân tộc, Một quốc gia hay Dân tộc đồng nhất với Quốc gia, để từ đó đi đến nguyên lý bất di bất dịch: không thể có độc lập dân tộc thực sự với một quốc gia bị chia cắt về lãnh thổ, hay độc lập dân tộc phải gắn liền với thống nhất lãnh thổ quốc gia, thống nhất đất nước.
Cũng phải nói rõ rằng sự hình thành của người Việt miền Nam Việt Nam là do di dân từ Bắc Việt Nam xuống. Thực vậy, năm 1611, Chúa Nguyễn Hoàng là bề tôi Nhà Hậu Lê, đã từ Thuận Hoá, tức là Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế ngày nay, là nơi ông trấn thủ, thực hiện cuộc Nam tiến đầu tiên để mở rộng bờ cõi Đại Việt xuống phía Nam.
Do đó, cái gốc Bắc của người Việt Miền Nam bản thân nó đã là một sự kháng cự khủng khiếp chống lại mọi toan tính hay hành vi chia cắt miền Nam khỏi miền Bắc.
Nhà thơ Xuân Diệu, bác ruột và là cha nuôi tôi, trong cuộc diễn thuyết đầu tháng 12/1945 tại Hà Nội với tiêu đề không gì rõ hơn: “Miền Nam nước Việt và người Việt Miền Nam” kêu gọi thanh niên Miền Bắc gia nhập các đội quân Nam tiến để cùng “đồng bào” Nam bộ chống Pháp tái chiếm, đã nhắc tới cái đau đáu nguồn cội của những người Việt theo Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam bằng những câu thơ bất tử của Huỳnh Văn Nghệ: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.
Tóm lại, hệ tư tưởng của người Việt là Việt Nam là một thể thống nhất và vì vậy là sự phủ nhận chủ nghĩa ly khai. Tôi gọi hệ tư tưởng ấy của người Việt là chủ nghĩa Nhất thể Việt, tạm dịch là Vietnamunism, tương tự như chủ nghĩa Bài Ly Khai vậy.
Tôi cũng khẳng định rằng một dân tộc có hệ tư tưởng của riêng mình là bất diệt.

VOA: Lịch sử Việt Nam là sự đan xen của các cuộc chiến tranh vói nước ngoài và các cuộc nội chiến. Vậy liệu chủ nghĩa Nhất thể Việt hay chủ nghĩa Bài Ly Khai của người Việt mà ông vừa nói tới liệu có mâu thuẫn với các cuộc nội chiến không, thưa ông?

CHHV: Đúng là lịch sử Việt Nam không chỉ gồm các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và vệ quốc. Thế nhưng có một điều vô cùng đặc biệt và tưởng chừng mâu thuẫn là các cuộc nội chiến lại không dẫn đến sự chia cắt lãnh thổ mà ngược lại, củng cố sự thống nhất của quốc gia.
Thực vậy, các cuộc nội chiến đều nổ ra vào giai đoạn thoái trào của triều đình đương thời như một sự tất yếu để bầu chọn người lãnh đạo mới của quốc gia. Điều này là cốt tử đối với người Việt vì nếu không kịp thời thay thế triều đình suy vi thì Việt Nam sẽ là miếng mồi ngon cho phong kiến Trung Hoa. Nghĩa là “Nội chiến hay là Chết” trong bối cảnh Việt Nam luôn bị nước lớn phương Bắc này rình rập thôn tính.
Tóm lại, cần xem nội chiến như chất kháng thể có sẵn trong cơ thể quốc gia Việt Nam có chức năng can thiệp kịp thời để lành mạnh hoá cơ thể.
Cũng bởi đều nhằm tới sứ mạng quốc gia ấy nên không bên tham chiến nào có ý đồ cát cứ, ly khai dẫn tới chia cắt lãnh thổ quốc gia. Nghĩa là “được ăn cả, ngã về không” như cách nói dân gian và thỏa hiệp nếu có thì chỉ là tạm thời.
Điển hình cho quyết tâm nội chiến để duy trì và củng cố sự thống nhất quốc gia Việt Nam là Chúa Nguyễn Ánh. Sau khi đánh bại Chúa Trịnh rồi Triều Tây Sơn trong cuộc nội chiến nổ ra khi Triều Lê mạt vận, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế và để chứng tỏ thống nhất đất nước là mục tiêu tối thượng của cuộc chiến do ông tiến hành, đã ghép chữ đầu của Gia Định là thủ phủ Miền Nam với chữ cuối của Thăng Long là kinh đô Nhà Lê ở Miền Bắc để làm niên hiệu Gia Long.
Để nói thống nhất Bắc-Nam, thống nhất đất nước Việt Nam là vấn đề có tính lịch sử, là yêu cầu tối thượng của hệ tư tưởng của người Việt hay chủ nghĩa Nhất thể Việt và vì vậy là bất khả kháng. Do không hiểu được người Việt như thế nên Hoa Kỳ đã can thiệp quân sự nhằm duy trì Vĩ tuyến 17 chia đôi Việt Nam và thất bại là cái giá phải trả.

VOA: Vậy theo Tiến sĩ, chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30/4/1975 là cuộc chiến của Hoa Kỳ hay là nội chiến giữa người Việt với người Việt?

CHHV: Theo tôi chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ được bắt đầu từ cuối cuộc chiến tranh của Pháp tại Đông Dương khi Hoa Kỳ quyết định tài trợ 80% chi phí cho cuộc chiến tranh này như đã đề cập. Tuy nhiên cuộc chiến tranh này của Hoa Kỳ lại dẫn đến cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa những người Việt. Vì vậy nói chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến là không sai nhưng đó chỉ là một cuộc chiến trong một cuộc chiến khác, cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ tiến hành.
Trên thực tế, giai đoạn sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam vào năm 1973 theo Hiệp định Paris được các chuyên gia quốc tế gọi là giai đoạn “Việt nam hoá” chiến tranh của Hoa Kỳ.
Chính vì vậy tôi cho rằng ngày 30/4/1975 là ngày kết thúc cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam, đồng thời cũng là ngày kết thúc cuộc nội chiến giữa những người Việt.

VOA: Ông nghĩ sao về cách diễn đạt của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam và nguyên cả bộ máy tuyên truyền cho rằng ngày 30/4/1975 là “Ngày giải phóng Miền Nam”?

CHHV: Khi nói “giải phóng Miền Nam” thì không thể không xác định giải phóng Miền Nam khỏi ai, khỏi cái gì.
Trước hết, chắc chắn không phải “giải phóng Miền Nam” khỏi sự chiếm đóng của Hoa Kỳ vì ngày 30/4/1975 quân đội cộng sản nhận sự đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Dương Văn Minh, đó chưa kể Hoa Kỳ đã rút hết quân khỏi Miền Nam từ năm 1973 theo Hiệp định Paris.
Vậy chỉ còn khả năng “giải phóng Miền Nam” khỏi chế độ tư bản, kẻ thù của chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác – Lê nin. Tại thời điểm năm 1975 thì đúng là như vậy do có sự ngộ nhận của một bộ phận những người cộng sản Việt Nam, mà bằng chứng là các chiến dịch “cải tạo công thương nghiệp tư doanh” và “tập thể hoá nông nghiệp” trên cơ sở quốc hữu hoá cơ sở sản xuất, đất đai thuộc sở hữu tư nhân do chính quyền mới tiến hành ngay sau đó.
Tuy nhiên tại thời điểm hiện nay thì quan niệm đó chắc chắn không chỉ là lỗi thời mà còn là phản động theo đúng nghĩa đen của từ này vì ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã công khai đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.

VOA: Ông có thể chứng minh điều này được không vì cho đến thời gian gần đây, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tuyên bố kiên định với chủ nghĩa Xã hội?

CHHV: Cốt lõi của chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác-Lê Nin là kinh tế Nhà nước chỉ huy hay kinh tế tập trung, kinh tế tư nhân được coi là “bóc lột người” bị loại trừ. Thế nhưng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã phá sản tuyệt đối vào năm 1985 khi chính sách giá-lương-tiền của Chính phủ Việt Nam gây lạm phát tới 900%, dẫn đến kinh tế tư nhân hay kinh tế thị trường được Đảng cộng sản Việt Nam phục hồi tại Đại hội 6 của Đảng vào năm sau, 1986.
Nhưng phải đến năm 1990 thì chủ nghĩa tư bản mới được chính danh bằng Luật Công ty và doanh nghiệp tư nhân. Và Đại hội 10 của đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra cách đây 4 năm đã hoàn tất công cuộc phá bỏ chủ nghĩa xã hội bằng cách chính thức cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân.
Ngoài ra, hai giai cấp được đảng Cộng sản Việt Nam coi là nòng cốt xây dựng chủ nghĩa xã hội và là đối tượng được hưởng sự chăm sóc đặc biệt của chế độ này là công nhân và nông dân, Búa và Liềm ấy, hiện nay trên thực tế lại thuộc những người cùng khổ của xã hội, tựa những gì mà Nguyễn Ái Quốc đã mô tả cách đây 90 năm trong báo Le Paria - Người cùng khổ.
Thực vậy, ở nhiều địa phương công nhân bị bóc lột và bị xúc phạm nhân phẩm thậm tệ, không có quyền đình công trên thực tế, còn nông dân thì bị chính quyền công nhiên chiếm đoạt đất đai, nguồn sống có thể nói là duy nhất của họ.

VOA: Nếu vậy tại sao ban lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tuyên bố kiên định chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác-Lê nin, thưa ông?
CHHV: Sở dĩ có chuyện ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam nói một đằng, làm một nẻo là vì họ sợ mất quyền lợi của bản thân. Thực vậy, nếu chính thức tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa xã hội thì Đảng cộng sản Việt Nam sẽ mất độc quyền lãnh đạo đất nước trong khi quyền lực lại là phương tiện làm giàu của đại đa số đảng viên có chức vụ.
Tóm lại, việc duy trì cho Đảng cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo đất nước không gì khác hơn là để phục vụ lợi ích phi pháp của một nhóm nhỏ trong Đảng cộng sản Việt Nam, đi ngược lại lợi ích của tuyệt đại đa số nhân dân trong đó có hàng triệu đảng viên cộng sản và vì vậy quyết không thể kéo dài hơn được nữa!
Do đó, để tránh cho ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam một sự sụp đổ như đã diễn ra với các chính thể cộng sản tại Liên Xô và Đông Âu, thậm chí tồi tệ hơn rất nhiều vì hành xử của tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân đáng tiếc là vẫn đậm chất nông dân theo đó cách mạng đồng nghĩa với trả thù, phục hận, cách duy nhất là mau chóng thực hiện chế độ đa đảng, điều mà Hiến pháp Việt Nam chưa bao giờ cấm và bản thân Hồ Chí Minh người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam đã chủ trương và thực hiện.

VOA: Nghĩa là Tiến sĩ cho rằng cách diễn đạt “Ngày giải phóng Miền Nam” theo ban lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam và bộ máy tuyên truyền bây giờ là không đúng?

CHHV: Đúng như vậy và vì thế cần phải bỏ. Đó là chưa kể cách diễn đạt này dễ bị diễn giải thành “Miền Bắc thôn tính Miền Nam” và trong trường hợp đó lại trở thành mầm mống gây chia rẽ Bắc – Nam không chỉ trong nhân dân mà trước hết và ngay trong chính nội bộ những người cộng sản.
Mặt khác, không thể nào thực hiện được hoà hợp, hoà giải với những người Việt bên kia chiến tuyến như Nhà nước cộng sản Việt Nam chủ trương nếu Nhà nước này vẫn duy trì cách diễn đạt mang đậm chất “thắng – thua” như trên.
Mặc dầu vậy, không thể phủ nhận tính lịch sử của ngày 30/4/1975 vì đó là ngày đất nước Việt Nam thống nhất sau 30 năm chiến tranh, độc lập dân tộc được Chính phủ Hồ Chí Minh mà phụ thân tôi, Cù Huy Cận là bộ trưởng thành viên, tuyên ngày 2/9/1945 đến lúc đó mới thực sự trọn vẹn.
So với những nước khác cũng bị Chiến tranh lạnh chia cắt thì đó dứt khoát là một kỳ tích của người Việt Nam. Thực vậy, mãi 14 năm sau bức tường Berlin mới sụp đổ còn bán đảo Triều Tiên thì chưa biết khi nào mới có thể chứng kiến Bàn Môn Điếm được tháo dỡ. Hoàn cảnh Trung Quốc và Đài Loan tuy có khác đôi chút, nhưng cũng vậy, chưa biết bao giờ mới chung một màu cờ.
Do đó “Ngày thống nhất đất nước” theo tôi là thích hợp nhất để diễn đạt ngày 30/4/1975 và cũng là trung thành với nguyên lý “Độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất đất nước” của chủ nghĩa Nhất thể Việt hay hệ tư tưởng của người Việt.

VOA: Chúng tôi được biết vào tháng 3 vừa qua, Tiến sĩ có gửi lãnh đạo Nhà nước Việt Nam kiến nghị xây Đài tưởng niệm chung cho các chiến sĩ hy sinh trong chiến đấu bảo vệ Hoàng sa và Trường Sa, trong đó ông đề nghị tôn vinh các quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh bằng cách công nhận họ là liệt sĩ. Xin ông cho biết mục đích khi ông đã đưa ra sáng kiến này?

CHHV: Thực lòng khi đưa ra Kiến nghị tôi không nhằm bất cứ mục đích chính trị nào mà chỉ đơn giản nghĩ rằng tất cả những ai đã hy sinh để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đều có quyền được Nhà nước thay mặt nhân dân Việt Nam tri ân và tri ân một cách xứng đáng.
Trừ những kẻ phản bội Tổ quốc Việt Nam, không ai có quyền tước đoạt cái quyền thiêng liêng ấy của những người lính Việt Nam Cộng Hoà đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng sa, lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam.
Tất nhiên khi Kiến nghị này được Nhà nước Việt Nam nghiêm túc thực hiện thì đó sẽ là sự khởi đầu quan trọng cho hòa hợp, hoà giải giữa những người Việt từng ở hai bờ chiến tuyến.
Nhưng để có được hoà hợp, hoà giải dân tộc thực sự và bền vững thì Nhà nước Việt Nam phải thay đổi căn bản tư duy về vấn đề này.

VOA: Ông có thể nói rõ hơn về chuyện thay đổi căn bản tư duy này, chẳng hạn thay đổi như thế nào, thưa Tiến sĩ?

CHHV: Hoà hợp, hoà giải dân tộc là xuất phát từ lợi ích chung, lợi ích quốc gia nên dứt khoát không phải là sự ban phát của nhà cầm quyền mà phía bên kia là kẻ chịu ơn, không phải là sự tha thứ, khoan dung dành cho những đứa con hư biết hối lỗi như cách Nhà nước Việt Nam thể hiện bấy lâu nay.
Hoà hợp, hoà giải dân tộc là biết tôn trọng và tốt hơn nữa, biết nhân nhượng những quan điểm chính trị khác biệt, kể cả đối lập để phụng sự Tổ quốc Việt Nam một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Nói cách khác, hoà hợp, hoà giải dân tộc là chấp nhận chung sống của các quan điểm chính trị khác biệt
Cần lưu ý rằng chính sách đoàn kết toàn dân tộc mà Nhà nước Việt Nam luôn đề cao trước hết phải là đoàn kết chính trị, tức đoàn kết các quan điểm chính trị khác biệt bởi nếu cùng chính kiến thì cần gì phải đoàn kết.
Tổ quốc Việt Nam không của riêng ai và vì vậy sẽ là có tội nếu Nhà nước Việt Nam chần chừ hoặc tồi tệ hơn, không thực tâm thực hiện hoà hợp, hoà giải dân tộc để mọi người Việt bất luận chính kiến đều có cơ hội cứu nước trước nguy cơ Trung Quốc xâm lược Trường Sa nói riêng, lãnh thổ Việt Nam nói chung, rõ ràng hơn bao giờ hết!
Nhân đây một lần nữa tôi kêu gọi ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam mau chóng thực hiện chế độ đa đảng ở Việt Nam bởi nếu không, Hoà hợp, hoà giải dân tộc sẽ lại trở thành Lừa dối dân tộc với hậu họa đã có thể nhìn thấy trước.

VOA: Xin cảm ơn Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ về sự chân thành và thẳng thắn cũng như thời gian mà ông đã dành cho chúng tôi trong cuộc phỏng vấn này.

------------------------------------------------------------------------

2. Từ khởi kiện Thủ tướng đến Yêu cầu bỏ điều 4 Hiến pháp


Cách đây một năm, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội đã nạp đơn kiện đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra toà do đã xâm hại nghiêm trọng quyền lợi quốc gia khi cho phép Trung Quốc khai thác bauxite trên quy mô lớn tại Tây Nguyên mà không thông qua Quốc hội, tạo nên một sự kiện pháp lý – chính trị chưa từng có không chỉ ở Việt Nam mà trong lịch sử thế giới cộng sản. Kỷ niệm một năm vụ kiện, VOA có cuộc phỏng vấn người khởi kiện.


VOA: Thưa Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, việc ông khởi kiện đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được dư luận trong và ngoài Việt Nam đánh giá rất cao. Các nhà trí thức của trang mạng Bauxite Việt Nam thậm chí coi hành vi khởi kiện này của ông là một cuộc cách mạng khi gọi đó là “Xô Viết Nghệ - Tĩnh thời nay”. Ông nghĩ sao về sự đánh giá này?

CHHV: Sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận rộng rãi mà trước hết của người dân Việt Nam đối với vụ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà tôi tiến hành ngày 11/6/2009 chắc chắn là một sự động viên vô cùng đặc biệt đối với cá nhân tôi, một người luôn tâm niệm Thượng tôn Tổ quốc Việt Nam, Hiến pháp và Pháp luật. Nhưng thành thật mà nói, tôi cảm thấy buồn nhiều hơn là vui.

VOA: Tại sao có chuyện buồn hơn vui khi được sự ủng hộ của nhiều người, thưa ông?

CHHV: Bởi vì một hành vi pháp lý quá ư bình thường ở các nước khác lại trở thành một sự kiện ở Việt Nam. Thực vậy, ở các quốc gia thực sự dân chủ hay thực sự pháp quyền thì việc công dân kiện người đứng đầu Chính phủ hay nguyên thủ quốc gia, tất nhiên phải có lý do chính đáng, thậm chí là chuyện đáng khuyến khích vì nó thể hiện ở mức độ mẫu mực nguyên tắc “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.
Thế nhưng ở Việt Nam, mặc dầu nguyên tắc trên được Hiến pháp quy định rất rõ ràng ở Điều 52 và mặc dầu được cả một hệ thống các đạo luật, từ Luật Khiếu nại, tố cáo cho đến Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành bảo hộ, việc công dân khởi kiện ra tòa quan chức chính quyền dù ở cấp thấp do có những hành vi hay quyết định hành chính trái pháp luật trên bình diện chung vẫn là bất khả thi hay vẫn là chuyện “con kiến kiện củ khoai” theo cách nói dân gian Việt Nam. Mà đã không kiện được thì người đi kiện cầm chắc khả năng bị đòn thù từ phía chính quyền.
Nghĩa là Việt Nam đang ở trong một “quái trạng pháp luật”!
Thành thử, việc tôi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dĩ nhiên là nằm ngoài sự suy nghĩ thông thường của mọi người và bởi thế trở thành sự kiện, đáng tiếc là bất đắc dĩ.

VOA: Vậy theo Tiến sĩ, làm thế nào để những điều bình thường về pháp luật trên thế giới không còn trở thành bất bình thường, không còn trở thành “sự kiện bất đắc dĩ” ở Việt Nam?

CHHV: Về nguyên tắc, không có sự tha hóa chính trị - pháp luật nào không giải quyết được nếu ta xác định đúng nguyên nhân.
Cho dù ở Việt Nam có câu “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” thì tôi vẫn phải nhắc lại, và luôn sẵn sàng nhắc lại, rằng nguyên nhân của quái trạng pháp luật ở Việt Nam chính là sự độc quyền lãnh đạo đất nước của Đảng cộng sản được Hiến pháp ghi ở Điều 4.
Thực vậy, sở dĩ tòa án không dám xử quan chức chính quyền, Quốc hội không dám giải tán Chính phủ tham nhũng và yếu kém là vì cả Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp chỉ là công cụ cai trị của Đảng cộng sản chứ không phải là công cụ quản lý quốc gia, quản lý xã hội của nhân dân. Huống hồ Đảng cộng sản lại đồng nhất với Chính phủ trên thực tế mà một trong những bằng chứng rõ nhất là đảng chi tiêu bằng ngân sách Nhà nước do Chính phủ quản lý.
Cái sự lệ thuộc của cơ quan lập pháp đối với Đảng cộng sản còn thể hiện ở sự lép vế của Quốc Hội trước đảng cũng ngay trong Hiến pháp khi văn bản pháp lý cao nhất này khẳng định Đảng cộng sản Việt Nam là “đại biểu trung thành của cả dân tộc” trong khi chỉ dành cho Quốc Hội quy chế “đại biểu của nhân dân”, nếu như ta bỏ qua cái sự buồn cười là người dân được đại diện những hai lần bởi hai cơ cấu chính trị khác hẳn nhau!
Mặc dầu biết rõ hơn ai hết không thể có sự độc lập hoạt động giữa Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp với nhau hay “Tam quyền phân lập” dưới sự cai trị của họ, ban lãnh đạo Đảng cộng sản cũng không thể công nhiên khẳng định sự độc tài, chuyên chế của đảng nhất là trong thời buổi hội nhập quốc tế trở thành vấn đề sống còn của Việt Nam. Vả lại, trung thành với truyền thống mỵ dân bằng ngôn từ, ban lãnh đạo Đảng cộng sản đã sáng tác ra một công thức gồm ba vế hòng thay thay thế “Tam quyền phân lập”: đó là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.
Thế nhưng “lợi bất cập hại”, công thức mỵ dân mới này của bậc thầy tuyên truyền trong giới cộng sản châu Á lại có tác dụng ngược, vạch rõ hơn bao giờ hết bản chất toàn trị của Đảng cộng sản Việt Nam

VOA: Tại sao ông lại cho rằng công thức “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” trong thực tế đã thể hiện bản chất toàn trị, thưa Tiến sĩ?

CHHV: Trong công thức này thì vế “Đảng lãnh đạo” hẳn không phải giải thích gì thêm.
Thế nhưng tiếp đến vế “Nhà nước quản lý” thì quả là điên rồ vì “Nhà nước” đồng nhất với “quản lý”. Thực vậy, “Nhà nước” được sinh ra là để thực hiện chức năng “quản lý” quốc gia, xã hội. Nếu thay thuật ngữ “Nhà nước” bằng thuật ngữ “quản lý” và ngược lại thì chúng ta sẽ có “Nhà nước Nhà nước” và “Quản lý quản lý” hoàn toàn vô nghĩa.
Vậy tại sao sự vô nghĩa trên vẫn có thể tồn tại? Là bởi tầm quan trọng của “Nhà nước quản lý” là ở chỗ khác, ở chỗ ai là Nhà nước.
Có thể nói không ngoa rằng 100% người có chức vụ trong bộ máy công quyền là đảng viên. Vậy hoàn toàn có thể nói “Nhà nước quản lý” là “Đảng quản lý”.
Còn vế cuối “Nhân dân làm chủ” thì trừ con nít ai cũng hiểu rằng nhân dân không thể trực tiếp làm chủ đất nước mà phải thông qua Nhà nước. Vậy “Nhân dân làm chủ” là “Nhà nước làm chủ”. Mà Nhà nước lại là Đảng cộng sản như trên vừa phân tích, thành thử “Nhà nước làm chủ” là “Đảng làm chủ”. Rốt cuộc, “Nhân dân làm chủ” là “Đảng làm chủ”!
Tóm lại, “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” thực chất là “Đảng lãnh đạo, Đảng quản lý, Đảng làm chủ”. Vậy nói thể chế chính trị ở Việt Nam không phải là chế độ dân chủ mà là chế độ toàn trị bởi Đảng cộng sản là tuyệt đối chính xác!
Để nói, không thể có “Tam quyền phân lập” hay “Tam quyền nhất lập” do Đảng cộng sản lũng đoạn đồng nghĩa tòa án mặc nhiên bó tay trước những xâm hại lợi ích quốc gia, xâm hại lợi ích của người dân từ phía chính quyền sẽ không được giải quyết chừng nào độc quyền lãnh đạo đất nước của Đảng cộng sản vẫn được Hiến định tại Điều 4.

VOA: Thế nhưng như Tiến sĩ đã phân tích, mọi thứ đều do Đảng cộng sản nắm, kể cả Quốc Hội, thì làm sao việc thay đổi độc quyền lãnh đạo của đảng này lại có thể diễn ra được?

CHHV: Không có gì là không thể. Trước hết phải xem Điều 4 Hiến pháp có lý không đã. Nếu không có lý thì xóa bỏ là chuyện hoàn toàn bình thường.
Nguyên văn Điều 4 Hiến pháp là: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Ỏ đây có nhiều phi lý đến cùng cực.
Thứ nhất, “Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước” mà Nhà nước là Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp, tức gồm Quốc Hội. Nghĩa là đảng lãnh đạo Quốc Hội.
Thế nhưng, cũng vẫn Điều 4 Hiến pháp ghi: “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” thì điều này có nghĩa Đảng cộng sản Việt Nam phải tuân thủ Điều 83 Hiến pháp theo đó “Quốc Hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp”.
Nghĩa là trên Quốc Hội không còn cơ quan quyền lực nào khác có thể lãnh đạo, có thể ra lệnh cho Quốc Hội, đồng nghĩa Đảng cộng sản Việt Nam phải chịu sự lãnh đạo của Quốc Hội, bởi nếu ngược lại thì Điều 83 Hiến pháp đã phải ghi: “Quốc Hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao thứ Nhì của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau Đảng cộng sản Việt Nam”.
Thứ hai, vẫn theo Điều 4 Hiến pháp, Đảng cộng sản Việt Nam được quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội là vì đảng là “đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”.
Thế nhưng “đại biểu” phải là kết quả của bầu cử. Thực vậy, “đại” là đại diện”, “biểu” là biểu quyết, “đại biểu” là đại diện được lựa chọn thông qua biểu quyết, tức thông qua bầu cử. Thú thật là từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa từng nghe Đảng cộng sản Việt Nam hay ai đó nói rằng trong cuộc bầu cử X, Y, Z nào đó đảng được “giai cấp công nhân”, “nhân dân lao động” và “cả dân tộc” bầu làm “đại biểu”cho bản thân.
Đến như các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc Hội mà bản thân tôi, Cù Huy Hà Vũ, với tư cách là công dân trực tiếp bầu ra, còn chưa bao giờ được Ủy ban nhân dân phường Điện Biên, thành phố Hà Nội là nơi tôi cư trú thông báo để tôi có thể tham gia thì lấy đâu ra các cuộc họp hay đại hội của “giai cấp công nhân”, của “nhân dân lao động”, của “cả dân tộc” để bầu Đảng cộng sản Việt Nam làm “đại biểu” cho mình!
Nói cách khác, “đại biểu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc” dứt khoát là sự mạo nhận của Đảng cộng sản Việt Nam, không phải do bầu cử mà có nên quyết không thể là “chính danh”. Mà đảng đã không “chính danh” thì quyết không thể “lãnh đạo” bất kỳ ai!
Tóm lại, Điều 4 Hiến pháp Việt Nam là hoàn toàn phi lý và vì vậy dứt khoát phải xóa bỏ.
Người Việt Nam có câu: “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính” mà Trời ở đây chính là Nhân dân thì dù nguồn gốc là do Đảng cộng sản chọn hay theo ngôn từ của đảng, “cơ cấu” đi chăng nữa Quốc Hội cũng phải sớm thôi là công cụ của đảng và trở lại thiên chức “đại biểu cao nhất của Nhân dân” để làm cái việc phế bỏ này, cho dù có khổ tâm.

VOA: Theo như Tiến sĩ đã phân tích thì Điều 4 Hiến pháp Việt Nam không thể tồn tại, thế nhưng bộ máy tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam vẫn lập luận rằng đảng có công trong chiến tranh thì phải lãnh đạo quốc gia thời hậu chiến. Tiến sĩ nghĩ sao về điều này?

CHHV: Lập luận này của Đảng cộng sản Việt Nam cũng sai nốt, vì nhiều lẽ.
Thứ nhất, tiến hành chiến tranh chỉ để giành quyền cai trị quốc gia, tức coi quốc gia là “chiến lợi phẩm” thì đó là tư tưởng “được làm vua, thua làm giặc” đặc sệt lục lâm, thảo khấu, chứ không phải lý tưởng của những người Cộng hòa Dân chủ mà Đảng cộng sản Việt Nam tự mệnh danh suốt 30 năm chiến tranh, từ 1945 đến 1975.
Thứ hai, trong thắng lợi của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước trong thế kỷ trước, phải khẳng định rằng Đảng cộng sản Việt Nam có công lớn nhưng vai trò quyết định và công đầu luôn thuộc về nhân dân, điều mà đảng chưa bao giờ dám công khai phủ nhận.
Vậy xét theo quan điểm “lãnh đạo theo công trạng” thì lãnh đạo đất nước phải là nhân dân chứ quyết không thể là Đảng cộng sản Việt Nam. Thành thử việc đảng nắm quyền lãnh đạo đất nước chỉ có thể là hành vi tiếm quyền, là hành vi chiếm đoạt thành quả của nhân dân!
Thứ ba, tất cả những người Việt Nam đã chấp nhận sự chỉ huy hay lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước là vì họ đã đặt sự tồn vong của Tổ quốc lên trên hết chứ tuyệt nhiên không vì chủ nghĩa Mác – Lê nin bởi nếu không thì đảng đã có hàng triệu chứ không chỉ 5.000 thành viên khi Việt Nam giành độc lập vào năm 1945, có cả chục triệu chứ không chỉ 1,5 triệu thành viên khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1975. Và tôi cũng tin chắc rằng đó cũng chính là lý do gia nhập đảng của tuyệt đại đa số các đảng viên trong giai đoạn máu lửa này.
Vậy một khi Độc lập dân tộc và Thống nhất đất nước đã đạt được thì sự chỉ huy hay sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đối với tuyệt đại đa số người Việt Nam tất không còn lý do tồn tại. Do đó, để có cơ hội tiếp tục vai trò lãnh đạo quốc gia Việt Nam thời hậu chiến thì Đảng cộng sản phải giành được sự tín nhiệm của đa số công dân thông qua các cuộc tổng tuyển cử thực sự dân chủ với sự tham gia của mọi đảng phái chính trị được tự do thành lập.
Nói cho đúng thì Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã phải cạnh tranh gay gắt và đi đến thỏa hiệp với nhiều đảng phái và phong trào chính trị khác để có được vai trò lãnh đạo trong chiến tranh.
Thực vậy, Đảng cộng sản Đông Dương - tên khác của Đảng cộng sản Việt Nam - đã phải tự giải thể vào tháng 11/1945 và hoạt động dưới danh nghĩa Mặt trận Việt Minh để có được sự ủng hộ của quảng đại nhân dân, đã phải liên hiệp với Việt Nam Quốc Dân Ðảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách Mệnh Ðồng minh hội (Việt Cách) để lập ra Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; rồi Chính phủ Liên hiệp quốc gia vào năm 1946; liên hiệp với Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch để lập ra Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào năm 1969...
Để nói sự chỉ huy hay sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam ngay trong giai đoạn chiến tranh cũng không phải là mặc nhiên mà là kết quả của sự thỏa hiệp với các đảng phái và phong trào chính trị khác thì không có lý gì đảng lại có thể độc quyền lãnh đạo quốc gia thời bình, thời mà cơ hội tham gia quản lý Nhà nước và xã hội được chia đều cho mọi công dân, như Điều 53 Hiến pháp đã quy định.
Cũng phải nói rõ là không có Đảng cộng sản Việt Nam thì Độc lập dân tộc và Thống nhất đất nước vẫn cứ đến với người Việt Nam như lịch sử đã minh chứng trong suốt hai nghìn năm qua, vì chủ nghĩa Nhất thể Việt (Vietnamunism) của người Việt, mà nội hàm của nó là - Một dân tộc, Một quốc gia hay Dân tộc đồng nhất với Quốc gia - không cho phép có kết quả nào khác.
Chắc chắn, Hai Bà Trưng, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh…không phải là Tổng bí thư hay ủy viên trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khi tiến hành thành công các cuộc chiến tranh đánh đuổi quân xâm lược phong kiến Trung Hoa để dành Độc lập dân tộc hay để thống nhất đất nước.
Bốn là, thời chiến và thời bình tuân theo những quy luật khác hẳn nhau, nôm na thời chiến là “phá” còn thời bình là “xây”, thời chiến là “ra mệnh lệnh và chấp hành mệnh lệnh”, thời bình là “dân chủ hay tự do phản biện”. Do đó tư lệnh quân sự mà chuyển sang quản lý kinh tế ngay sau chiến tranh thì kinh tế quốc dân chỉ có nước “nát”. Điều này giải thích vì sao những anh hùng thời chiến như Tướng De Gaulle của Pháp, Thủ tướng Churchill của Anh đã bị người dân bỏ phiếu “veto” ngay sau khi Thế chiến II kết thúc.
Còn ở Việt Nam sau năm 1975, Đảng cộng sản đã thực hiện “chủ nghĩa xã hội trại lính” với kết quả ăn mày đầy đường vào năm 1986 và từ 1986 trở đi, “chủ nghĩa tư bản dã man” dẫn đến tài nguyên bị tàn phá tan hoang, người lao động bị bóc lột thậm tệ, thậm chí trở thành món hàng xuất khẩu béo bở mà vì lẽ đó Việt Nam đã bị Hoa Kỳ liệt vào diện quốc gia buôn người… ngần ấy sự việc đã quá đủ để chứng minh không phải cứ “kẻ thù nào cũng đánh thắng” là có thể giải quyết thành công mọi vấn đề của đất nước thời hậu chiến, ngược lại là đằng khác!.
Suy cho cùng, quy chế “lãnh đạo suốt đời” của Đảng cộng sản Việt Nam được cụ thể hoá bằng Điều 4 Hiến pháp là nhằm bảo đảm cho ban lãnh đạo đảng không bị thách thức trong việc bỏ túi tài sản quốc gia chứ không phải là kết quả của chủ nghĩa duy ý chí trong điều hành đất nước của đảng.

VOA: Ngoài những gì mà Tiến sĩ vừa nói về Điều 4 Hiến pháp thì Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có nói đại ý là “Bỏ Điều 4 Hiến pháp là tự sát”. Ông nghĩ sao về phát biểu này?

CHHV: Trước hết phải khẳng định rằng đã sinh ra trong đời là để sống chứ không phải để chết và vì thế tự sát họa là hành vi của kẻ tâm thần, bệnh hoạn. Tuy nhiên sự sống không bao giờ giáo điều mà ngược lại, luôn thực tiễn. Nghĩa là không phải cứ hô mình vạn tuế là mình không thể chết và ngược lại, dám nhảy vào chỗ chết thì lại ra đất sống!
Vấn đề là ai “tự sát” trong phát biểu này của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, uỷ viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, là dân tộc Việt Nam hay Đảng cộng sản Việt Nam?
Nếu đó là “dân tộc Việt Nam” thì phát biểu này là hoàn toàn ngô nghê, ngớ ngẩn vì dân tộc Việt Nam tồn tại từ 4000 năm nay trong khi Điều 4 Hiến pháp Việt Nam mới tồn tại non hai thập kỷ nay, từ 1992. Vậy chỉ còn khả năng chủ thể của “tự sát” trong phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là “Đảng cộng sản Việt Nam”.
Tuy nhiên trong một chế độ dân chủ ai mà nói đảng cầm quyền rời bỏ vị trí đang nắm giữ là “tự sát” ắt bị trẻ nó cười vào lỗ mũi. Thế nên một âm hưởng “sợ chết” đến như vậy chỉ có thể toát ra từ những bạo chúa, từ những kẻ cầm quyền phạm tội ác chống lại chính dân tộc, chống lại chính nhân dân mình! Vậy phải chăng Đảng cộng sản Việt Nam hay chính xác hơn, ban lãnh đạo đảng thuộc trường hợp này?
Điều không thể chối cãi là bằng việc tiếp tay cho Trung Quốc xâm lược cả “mềm” lẫn “cứng” lãnh thổ của Việt Nam qua việc cho các công ty nước này hoặc trá hình khai thác bauxite tại địa bàn chiến lược Tây Nguyên và thuê trong 50 năm hàng bốn trăm nghìn hécta rừng đa phần giáp giới nước phương Bắc có thâm niên bành trướng này, bằng sự đớn hèn trước sự lấn lướt và đe dọa xâm lược vũ trang của Bắc Kinh tại những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, bằng tham nhũng siêu nghiêm trọng từ tham ô trực tiếp tài sản quốc gia đến vay bừa tiêu vung để nhiều thế hệ người dân sẽ phải è cổ trả nợ, bằng cướp đất của người dân, đặc biệt của nông dân tràn lan kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, bằng bóp nghẹt những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp bảo hộ các quyền tự do như quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin, quyền biểu tình, quyền đình công, quyền giữ gìn nơi thờ tự của các tín ngưỡng…, ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam rõ ràng đang đi ngược 180 độ lợi ích của dân tộc và toàn thể nhân dân Việt Nam.
Chính bởi những hành vi “phản Nước hại Dân” siêu nghiêm trọng ấy mà sự tiêu vong của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam kéo theo sự tiêu vong của đảng với tư cách tổ chức là có thể nhìn thấy trước! Vì vậy, nỗi hãi hùng, thậm chí hoảng loạn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đại diện cho ban lãnh đạo đảng trước viễn cảnh này là hoàn toàn có cơ sở.
Vì vậy, để tránh bị triệt tiêu thậm chí một cách thê thảm, ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam không còn sự lựa chọn nào khác là phải quay về với dân tộc, quay về với nhân dân bằng cách tự phá bỏ quy chế độc tài của bản thân và thực hiện một nền chính trị Đa đảng.
Vả lại, Đa đảng là cội nguồn, là đường lối của chính Đảng cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sau này - sáng lập.

VOA: Ông căn cứ vào đâu để xác quyết như vậy, trong khi Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khi đi thăm Ấn Độ mới đây khẳng định đại ý là “Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan có chế độ đa đảng”?

CHHV: Chính sử của Đảng cộng sản Việt Nam ghi rõ: tháng 2 năm 1930 dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba đảng theo Đệ tam Quốc tế là Đông dương cộng sản Đảng, An Nam cộng sản Đảng và Đông dương cộng sản Liên đoàn.
Như vậy, Đa đảng không những là thực tại khách quan của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam mà hơn thế nữa, Đa đảng đã “đẻ” ra chính Đảng cộng sản Việt Nam!
Còn trong cả bốn bản Hiến pháp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - 1946, 1959 mà cha tôi Bộ trưởng Cù Huy Cận là Tổng thư ký Ủy ban soạn thảo và 1980, 1992 – không có bất cứ Điều nào, Khoản nào quy định Đảng cộng sản Việt Nam là đảng phái chính trị duy nhất ở Việt Nam.
Không kể Quốc Hội khoá I bao gồm thành viên của nhiều đảng phái chính trị như Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (Việt Minh), Đảng Dân chủ, Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách), Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ hoạt động hoàn toàn hợp pháp dưới chính thể Việt Nam cộng sản cho đến năm 1988 là thời điểm hai đảng này tuyên bố tự giải thể cho dù bất đắc dĩ. Không những thế, Tổng thư ký Đảng Dân chủ Nghiêm Xuân Yêm và Tổng thư ký Đảng Xã hội Nguyễn Xiển còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội.
Trên bình diện quốc tế, chưa kể Việt Nam và trừ Cuba, Triều Tiên, Lào, Syria, Turmenistan và Eritrea theo chế độ độc đảng mà hầu hết thuộc diện quốc gia kém phát triển nhất, con số 185 quốc gia thực hiện chế độ đa đảng, chiếm 97% thành viên Liên Hiệp Quốc cũng đã đủ chứng minh đa đảng là thực tại bao trùm, là sự cần thiết khách quan đối với mọi quốc gia trong thế giới hiện tại.
Cũng cần nói thêm rằng ở Trung Quốc ngoài Đảng cộng sản còn có 8 đảng phái chính trị khác song song tồn tại.
Do đó, với phát biểu “Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan có chế độ đa đảng”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, từng là Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương và là đương kim Phó Trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo chính trị Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI, không chỉ cho thấy ông này, oái ăm thay, hoặc lú lẫn hoặc thực hiện “chính sách đà điểu” – rúc đầu vào cát để khỏi nhận chân sự thật đang diễn ra xung quanh - mà nghiêm trọng hơn, đã xuyên tạc trắng trợn lịch sử dân tộc Việt Nam đương đại, xuyên tạc trắng trợn lịch sử của chính Đảng cộng sản Việt Nam.
Nói cách khác, việc ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay khăng khăng chống đa đảng dứt khoát là hành vi phản bội dân tộc, phản bội ngay chính Đảng cộng sản Việt Nam, phản bội ngay chính Hồ Chí Minh.
Một sự bội phản như vậy chắc chắn không chỉ nhân dân Việt Nam không dung mà hàng triệu đảng viên cộng sản và bản thân Hồ Chí Minh - nếu quả thật “sống mãi” như khẩu hiệu của đảng - không tha!
Do đó tôi nhắc lại một lần nữa, quay lại chế độ Đa đảng là con đường sống duy nhất đối với Đảng cộng sản Việt Nam!

VOA: Thưa Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, giả sử Đảng cộng sản Việt Nam làm theo như ông nói thì có thể có những kịch bản nào xảy ra?

CHHV: Trong trường hợp đó, tựu trung có hai kịch bản sau đây cho Đảng cộng sản Việt Nam.
Thứ nhất, Quốc Hội chủ động hủy bỏ Điều 4 Hiến pháp và tổ chức tổng tuyển cử với sự tham gia của mọi đảng phái chính trị được tự do thành lập mà nơi đăng ký sẽ là Tòa án tối cao. Nếu kịch bản này xảy ra thì tôi tin chắc Đảng cộng sản Việt Nam sẽ được vinh danh bởi toàn thể người Việt Nam trên toàn thế giới, kể cả những người chống cộng cực đoan nhất.
Thứ hai, căn cứ Khoản 14 Điều 84 Hiến pháp, Quốc hội quyết định Trưng cầu dân ý về Điều 4 Hiến pháp và về quyền bình đẳng của các đảng phái chính trị trong việc sử dụng các phương tiện tài chính và truyền thông của Nhà nước trong vận động bầu cử Quốc Hội.
Sở dĩ tôi đưa vào Trưng cầu dân ý nội dung thứ hai vì đây là điều kiện tiên quyết để bầu cử Quốc Hội không trở thành màn độc diễn của Đảng cộng sản như đã từng, để bầu cử Đa đảng không trở thành “hữu danh vô thực”.
Thực vậy, ở Việt Nam không có báo chí tư nhân, mọi phương tiện truyền thông đều nằm trong tay Nhà nước, tức trong tay Đảng cộng sản. Do đó, nếu ứng viên của các đảng phái chính trị khác không được tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng, tức không có cơ hội trình bày cương lĩnh tranh cử của mình trước cử tri rộng rãi thì thất cử trước ứng viên của Đảng cộng sản là không phải bàn cãi.
Tiếp sau Trưng cầu dân ý, Quốc hội sẽ tổ chức tổng tuyển cử với sự tham gia của mọi đảng phái chính trị được tự do thành lập mà nơi đăng ký, như tôi đã đề cập, là Tòa án tối cao.
Cả hai kịch bản đều để ngỏ cửa cho Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo đất nước cũng như dành một lối thoát danh dự cho đảng trong trường hợp đảng không dành được tín nhiệm của đa số cử tri.

VOA: Thưa Tiến sĩ, trong hai kịch bản này thì cái nào khả thi nhất?

CHHV: Cá nhân tôi không cho rằng ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay có đủ dũng cảm và tự tin để đi theo kịch bản đầu. Vậy chỉ có kịch bản thứ hai là khả thi. Tuy nhiên ngay cả kịch bản này để diễn ra một cách nghiêm túc và thực chất thì cũng phải có điều kiện đi kèm.

VOA: Điều kiện nào vậy, thưa Tiến sĩ?

CHHV: Với kinh nghiệm của một người đã từng tranh cử Đại biểu Quốc hội với tư cách ứng viên độc lập, tôi khẳng định một lần nữa rằng Quốc Hội Việt Nam gọi là do dân bầu nhưng thực tế là do Đảng cộng sản chọn sẵn. Thực vậy, tuyệt đại đa số những người tự ứng cử, tức không do đảng chọn, đều bị ban tổ chức bầu cử loại bỏ ngay từ vòng ngoài bằng những thủ đoạn có thể nói vô liêm sỉ nhất.
Chẳng hạn Luật bầu cử Quốc Hội quy định lấy ý kiến cử tri của tổ dân phố nơi ứng viên có hộ khẩu thường trú, mà ai cũng biết rằng ở Việt Nam hộ khẩu thường trú chỉ có một, thì trong kỳ bầu cừ Quốc Hội năm 2007 Mặt trận Tổ quốc phường Điện Biên lại đạp lên Luật, triệu tập cử tri của 4 tổ dân phố thay vì của 1 tổ dân phố nơi tôi có hộ khẩu thường trú, tức vượt khung “hai đánh một chẳng chột thì què”, để lấy ý kiến về tôi với tư cách ứng viên Đại biểu Quốc Hội. Kết quả là ứng viên Cù Huy Hà Vũ chỉ được tín nhiệm của 1/3 cử tri của 4 tổ dân phố và thế là bị loại một cách cực kỳ “dân chủ”!
Đó chưa kể những lời vu cáo của những người tôi chưa từng nghe tên, thấy mặt, nhẹ nhất cũng là “ứng viên không gương mẫu vì chẳng thấy ứng viên tham gia quét rác đường phố”, giọng thì hồng hộc, hậm hực, hổn hển, ngất lên, ngất xuống, như thể tôi là kẻ thù của “giai cấp”, kẻ thù của “cách mạng” trong các cuộc đấu tố địa chủ thời kỳ cách ruộng đất những năm 1950 của thế kỷ trước cũng vẫn do Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức.
Vì vậy, để không lặp lại màn “tự biên tự diễn” hay “dân chủ giả hiệu” của Đảng cộng sản Việt Nam như trong bầu cử Quốc hội và để Trưng cầu dân ý phản ánh chính xác và đầy đủ nguyện vọng của nhân dân thì cơ chế dân chủ này cần được tổ chức dưới sự giám sát của Liên Hiệp quốc mà Việt Nam là thành viên đầy đủ.
Việc Việt Nam mong muốn đưa quân đội nhân dân Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc càng cho thấy việc Liên Hiệp Quốc thực hiện giám sát Trưng cầu dân ý ở Việt Nam là rất khả thi. Vấn đề còn lại là tài chính để tổ chức giám sát Trưng cầu dân ý thì tôi tin rằng Liên Hiệp Quốc sẽ không quá eo hẹp để có thể từ chối.
Nói cách khác, Đảng cộng sản Việt Nam chỉ có thể chính danh lãnh đạo đất nước nếu giành được sự tín nhiệm của đa số thường cử tri thông qua Trưng cầu dân ý được tổ chức dưới sự giám sát của Liên Hiệp quốc.

VOA: Bây giờ xin trở lại vụ công dân Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vụ này đã đến đâu rồi, thưa Tiến sĩ?

CHHV: Cho đến giờ Chánh án Toà án tối cao Trương Hoà Bình không thụ lý nhưng cũng không dám trả lại tôi Đơn khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì không tìm nổi lý do để trả lại đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Rõ ràng cái việc Chánh án Trương Hòa Bình ngâm đơn khởi kiện của tôi không những là hành vi trực tiếp phá hoại Công lý mà còn là hành vi tiếp tay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xâm hại nghiêm trọng quốc phòng, an ninh quốc gia, xâm hại môi trường và bản sắc văn hoá Việt Nam.
Phải khẳng định một lần nữa rằng Nước Việt đã hình thành từ bốn nghìn năm nay bằng xương máu và công sức của biết bao thế hệ người Việt trong đó có Đô chỉ huy sứ Cù Ngọc Xán, Tổng chỉ huy quân đội thời Nhà Lê, được vua ban quốc tính, được Triều Nguyễn sắc phong Thần là bậc tổ nội của tôi ở xã Ân Phú, Đức Thọ (nay là Vũ Quang), Hà Tĩnh, địa danh đặt theo danh ngôn “Dân Ân Quốc Phú – Dân Giàu Nước Mạnh”, có Đại tư mã Ngô Văn Sở và mười tám Quận công họ Ngô là những bậc tổ ngoại của tôi ở xã Trảo Nha, Can Lộc, Hà Tĩnh, địa danh đặt theo câu “Xã tắc Trảo Nha – Nanh vuốt của Quốc gia” do Chúa Trịnh tặng võ thần cự tộc họ Ngô ở mảnh đất này - chứ tuyệt nhiên không phải từ khi có Đảng cộng sản Việt Nam thì mới hình thành để ban lãnh đạo đảng bây giờ muốn phá thì phá, muốn bán thì bán!
Cũng cần nói rõ vùng Hồng Sơn hay Hồng Lĩnh bao gồm ba huyện Đức Thọ, Can Lộc và Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh với cư dân là Việt Thường thị hay tộc Việt Thường chính là Cội nguồn, là Tổ của Việt Nam ngày nay. Truyền thuyết Hồng Bàng và Trăm trứng từ đó mà có.
Ngoài ra, làm mất nước Việt Nam không chỉ là làm mất những giá trị vật chất như lãnh thổ, tài nguyên, mà còn làm mất những giá trị phi vật thể vô giá mà ở đây là lịch sử, là văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt trong đó cha tôi, thi sĩ Huy Cận cùng bác ruột và là cha nuôi tôi, thi sĩ Xuân Diệu, đã đóng góp một phần không nhỏ.
Do đó, bên cạnh tư cách công dân thì với nghĩa vụ của con cháu trực hệ của Tổ Nước Việt, với nghĩa vụ giữ gìn và bảo vệ di sản cả vật chất lẫn phi vật thể mà gia tộc từ xưa tới nay để lại, Cù Huy Hà Vũ này quyết chặn đứng và chấm dứt những hành vi xâm phạm Hiến pháp và pháp luật gây hiểm hoạ mất nước Việt Nam của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, của Chánh án Toà án tối cao Trương Hoà Bình nói riêng, của toàn thể ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam nói chung, trước hết bằng những biện pháp tư pháp quyết liệt trong thời gian tới.

VOA: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ về sự chân thành và thẳng thắn, cũng như về thời gian mà ông đã dành cho VOA trong cuộc phỏng vấn này.

-----------------------------------------------------------------------------

3. Đa Đảng Hay Là Chết


VRNs (10.09.2010) –  Ngày 09.09.2010, sau khi hay tin Đảng Việt Tân vừa ra thông báo về bốn đảng viên bị bắt tại Việt Nam, Thomas Việt có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ để làm rõ hơn các câu hỏi sau:
Tại sao công dân Việt lại bị bắt và có thể bị kết án khi tham gia một tổ chức hay đảng phái nào đó, với chủ trương bất bạo động? Trong khi đây là một trong những quyền căn bản của con người đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một thành viên?
Điều khoản nào trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992 lại cấm việc đa đảng? Đảng duy nhất cầm quyền tại Việt Nam hiện nay phải làm gì để công dân Việt được hưởng đầy đủ quyền làm người?
 
Thomas Việt: Tiến sĩ có thể cho ý kiến về bốn đảng viên của Việt Tân vừa bị bắt tại Việt Nam? Trong đó có giáo sư Phạm Minh Hoàng, mục sư Tin lành Dương Kim Khải, tiểu thương Trần Thị Thúy và nông dân Nguyễn Thành Tâm?

TS Cù Huy Hà Vũ: Về phía cơ quan điều tra và từ Luật sư bào chữa cho giáo sư Hoàng, họ chưa có thông tin chính thức nào nói giáo sư Hoàng là đảng viên Việt Tân cả!… Cần phải nghe từ giáo sư Phạm Minh Hoàng đã hoặc là những bản khai của giáo sư Hoàng… Giờ mà nói giáo sư Hoàng là đảng viên Việt Tân là chủ quan… Thậm chí có hại cho giáo sư nếu như giáo sư không phải là thành viên của đảng Việt Tân.

Thomas Việt: Nhưng đảng Việt Tân tại Mỹ đã ra thông báo có nói giáo sư Hoàng là đảng viên?

CHHV: Người đang bị giam cầm là giáo sư Phạm Minh Hoàng chứ không phải những người của đảng Việt Tân ở nước ngoài, nên ai đó bảo giáo sư Hoàng là thành viên của Việt Tân thì đấy là chuyện của người ta nói thôi!… Về mặt khách quan thì chưa có căn cứ… Đó chỉ là tuyên bố có một phía vì chưa có sự thừa nhận của giáo sư Hoàng, cho nên không nên lấy tuyên bố của một đảng ở ngoài mà ghép, biến giáo sư Hoàng là thành viên chính thức của đảng Việt Tân… Ở ngoài tuyên bố thì không có nghĩa.

Thomas Việt: Đối với một công dân bình thường họ thích tham gia vào một đảng phái nào đó và họ chỉ hoạt động ôn hòa thôi, nhưng bị bắt và bị kết án tù. Như vậy có hợp lý không Tiến sĩ?

CHHV: Quan điểm của tôi cho đến hiện nay, truyền thống đa đảng ở Việt Nam vẫn có như từ trước. Thế nhưng chính thức mà nói một đảng được coi là hợp pháp khi được một cơ quan có thẩm quyền như Quốc hội chẳng hạn công nhận. Nếu không thì đảng đó coi như không hợp pháp. Vì tính chưa hợp pháp đó mà các thành viên cũng coi như không hợp pháp… Tôi khẳng định đa đảng là truyền thống của Việt Nam từ trước cho đến khi Chủ tịch HCM chết và thậm chí đến 1988… Tuy nhiên tôi vẫn lên án sự độc tài của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc lập đảng trong tình hình hiện nay thì không có cơ may nào được Quốc hội hay Tòa án công nhận cả!…

Thomas Việt: Nếu bị kết tội thì bốn người này bị kết về tội gì?

CHHV: Giờ thì quá sớm để nói họ có thể bị kết án về tội gì. Vì đến giờ chưa có thông tin nào từ cơ quan điều tra, cũng như từ phía giáo sư Hoàng. Nên mọi nhận định mang tính võ đoán như thế là không có lợi cho giáo sư Hoàng…

Thomas Việt: Tham gia các đảng phái hay các hội là quyền căn bản của con người đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua mà Việt Nam cũng là một thành viên. Vậy tại sao công dân Việt tham gia các đảng phái khác với Đảng Cộng sản lại bị kết án, thưa tiến sĩ?

CHHV: Cho dù Việt Nam tham gia các hiệp ước hay thỏa thuận quốc tế về nhân quyền để cho phép mọi người có quyền lập hội hay tự do về chính trị, đương nhiên Việt Nam phải tuân theo và phải thể hiện ra bằng luật. Ví dụ luật về đảng, trong đó quy định “mọi người đều có quyền lập đảng và tham gia đảng”. Cho đến giờ ở Việt Nam luật về đảng vẫn chưa có. Thành ra những người tham gia hay lập ra các đảng khác với Đảng Cộng sản vẫn bị coi là bất hợp pháp. Nên mục tiêu đấu tranh của tôi, cái đầu tiên là buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải thực hiện việc đa đảng…

Thomas Việt: Trong Hiến pháp hiện hành có điều khoản nào cấm hay cho việc đa đảng không Tiến sĩ?

CHHV: Hiện giờ trong pháp luật Việt Nam không có điều khoản nào cấm đa đảng, tức là không có điều khoản nào quy định Đảng Cộng sản là đảng phái chính trị duy nhất ở Việt Nam! Điều đó có nghĩa là ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, những đảng khác có quyền được thành lập và có quyền tuyên truyền và kết nạp đảng viên…

Thomas Việt: Cho hỏi việc chưa có luật về đa đảng là do điều bốn Hiến pháp bó buộc?

CHHV: Đương nhiên là thế, cho nên chính bản thân tôi yêu cầu phải bỏ điều bốn Hiến pháp. Cũng là bỏ đi sự độc tài lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam… Không có lẽ gì bắt toàn thể dân tộc Việt phải theo một tư tưởng duy nhất về chính trị…

Thomas Việt: Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn khư khư không muốn thay đổi điều bốn Hiến pháp thì công dân Việt phải làm gì?

CHHV: Chuyện đó tôi nói nhiều rồi “Nếu Đảng Cộng sản mà không bỏ điều bốn Hiến pháp thì việc đó đồng nghĩa với cái chết”. Cái chết đó không còn bao lâu nữa đâu, cái chết đó trước hết đến với Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản đừng có nghĩ rằng đã vơ vét được nhiều rồi đến khi chế độ cộng sản sụp đổ thì họ trở thành những ông chủ mới. Dân tộc Việt trân trọng tự do, đa đảng, nhưng cũng không phải vì thế mà ngay lập tức có thể tha thứ cho những kẻ đã kéo lùi Việt Nam hơn hai chục năm nay. Ít nhất từ năm 1975 tới hôm nay.

Thomas Việt: Cảm ơn Tiến sĩ.

----------------------------------------------------------------------

4. Phải Đa Đảng mới chống được lạm quyền


Cách nay vài ngày, ai đó ở Việt Nam đã đưa lên website youtube hai video clip ghi lại cảnh chính quyền quận Hoàng Mai, Hà Nội tổ chức cưỡng chế thu hồi đất ở nghĩa trang Thanh Mai để thực hiện dự án hợp tác kinh tế, xây dựng Khu Di dân Đền Lừ 3, bất chấp sự phản đối của dân chúng địa phương.

quan-hoang-mai2-305.jpg

Mộ bia liệt sĩ cũng bị đập phá (RFA photo from YouTube)

Cũng cách nay vài ngày, nhiều diễn đàn điện tử và blog cung cấp nhiều thông tin, hình ảnh cho thấy chính quyền phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội đã tổ chức đập hàng rào thuộc tư gia của ông Cù Huy Hà Vũ – một Tiến sĩ Luật từng khởi kiện Thủ tướng Việt Nam vì ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp và pháp luật hiện hành, cũng như từng chỉ trích một số chủ trương, chính sách của chính quyền.

Từ chuyện cưỡng chế cả mồ mả liệt sĩ

Theo thông tin do một số diễn đàn điện tử như Dân Luận Việt Nam và một số blog cung cấp, nghĩa trang Thanh Mai (còn gọi là nghĩa trang Ao Đường), tọa lạc tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội là nghĩa trang duy nhất, trong số 10 nghĩa trang của làng Hoàng Mai, còn sót lại sau các đợt quy hoạch của thành phố Hà Nội. Nghĩa trang này là nơi an nghỉ của khoảng 5.000 người quá cố, trong đó có cả mộ của một vị tướng thời Lê và một số liệt sĩ người làng Hoàng Mai.

Trên số ra ngày 8 tháng 12 năm ngoái, tờ Đại Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã từng phê duyệt dự án hợp tác kinh tế, xây dựng Khu di dân Đền Lừ 3 và giao cho chính quyền quận Hoàng Mai đứng ra thu hồi đất thuộc dự án này từ năm 2005, song chính quyền quận Hoàng Mai không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao: phá bỏ nghĩa trang Thanh Mai - vì bị dân làng Hoàng Mai phản đối.
Tờ Đại Đoàn Kết dẫn lời của một cụ ông tên là Nguyễn Tiến Hà, giải thích lý do làng Hoàng Mai phản đối việc giải tỏa nghĩa trang Thanh Mai: Phường Hoàng Văn Thụ đã ba lần buộc di chuyển mồ mả nên chúng tôi không muốn di dời thêm lần nào nữa...
Tờ Đại Đoàn Kết còn tường thuật thêm rằng, dân chúng làng Hoàng Mai mong muốn chính quyền duy trì nghĩa trang Thanh Mai để những người đã khuất được “mồ yên, mả đẹp”.

Tuy nhiên cả chính quyền thành phố Hà Nội lẫn chính quyền quận Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ không quan tâm đến nguyện vọng đó.
Sáng 18 tháng 12 năm ngoái, họ đã tổ chức giải tỏa nghĩa trang Thanh Mai, thẳng tay đập phá mồ mả của những người đã khuất, kể cả mộ liệt sĩ.
Quảng cảnh cuộc đập phá nghĩa trang Thanh Mai, Hà NộiHai video clip được đưa lên youtube cho thấy, bất chấp phản ứng của dân chúng về sự tùy tiện, trái pháp luật, trong việc thu hồi đất, kể cả khi người ta gào khóc về việc mồ mả cha mẹ mình bị đập phá: ...Mẹ tôi... nó đào thế này à? Giời ơi!.. Ôi mẹ ơi... mẹ ơi... Cán bộ quận vẫn thản nhiên hối thúc: Bây giờ nó đang vắng, cho người đập tiếp các cái mộ đàng kia đi... Để mỗi quận làm thế này biết đến bao giờ... Quân em thuê về đâu làm luôn đi...
Qúy vị có thể vào youtube, tìm hai video clip mà chúng tôi vừa đề cập bằng từ khoá “quận Hoàng Mai” để xem trực tiếp cảnh tượng này!

Đến chuyện sáng đập, chiều xây

Những hình ảnh liên quan đến vụ cưỡng chế giải tỏa nghĩa trang Hoàng Mai để thu hồi đất, thực hiện dự án hợp tác kinh tế, xây dựng Khu di dân Đền Lừ 3 đang còn làm nhiều người sửng sốt thì ngày 27 tháng 1, dư luận tiếp tục xôn xao trước sự kiện chính quyền phường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, tổ chức cưỡng chế phá bỏ bức tường là hàng rào ở tư gia của ông Cù Huy Hà Vũ.
Theo lời ông Cù Huy Hà Vũ thì một trận bão đổ vào Hà Nội hồi tháng 9 năm ngoái đã khiến hai cổ thụ trong vườn nhà ông bị tróc gốc, làm sập hàng rào. Ông Vũ đã thuê người xây một hàng rào khác và đến ngày 27 tháng 1 vừa qua, chính quyền phường Điện Biên Phủ đã đưa người đến cưỡng chế, phá sập bức tường mới xây với lý do “xây dựng trái phép”.

Vụ cưỡng chế, phá bỏ hàng rào ở tư gia ông Cù Huy Hà Vũ đã được nhiều diễn đàn điện tử, blog, kể cả một số cơ quan truyền thông quốc tế, trong đó có Đài Á châu Tự do, loan báo gần như lập tức.

Cách nay vài ngày, trả lời phỏng vấn của đài chúng tôi, sau khi phân tích những dấu hiệu lạm quyền, vi phạm pháp luật của chính quyền địa phương trong vụ này, ông Cù Huy Hà Vũ khẳng định, có những dấu hiệu cho thấy, đó chính là một hình thức răn đe mà ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam chỉ đạo thực hiện.

Có gì đáng lưu ý giữa trường hợp của ông Cù Huy Hà Vũ với vô số trường hợp bị cưỡng chế, giải tỏa nhà, thu hồi đất đã xảy ra trên khắp Việt Nam? Làm sao để ngăn chặn tình trạng lạm quyền đang xâm hại các lợi ích chính đáng của hàng triệu công dân Việt Nam? Trân Văn có cuộc trao đổi Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ.

Ngân sách là thứ có thể ném qua cửa sổ?

Trân Văn: Thưa ông, việc đập hàng rào của ông rồi sau đó cho dựng lại, rõ ràng đã gây ra những thiệt hại vật chất cho xã hội, cụ thể ở đây là gây ra những thiệt hại về ngân sách do dân chúng đóng góp qua chuyện nộp thuế. Thế thì luật pháp Việt Nam có cho phép cá nhân làm sai nhưng xã hội phải gánh chịu hậu quả…

CHHV: Đương nhiên là không bao giờ! Không bao giờ chính quyền được dùng tiền do người dân đóng góp một cách trực tiếp bằng nộp thuế hoặc gián tiếp qua việc bán tài sản, bán tài nguyên của đất nước như khai thác dầu hay là kinh doanh những tài nguyên khác của Việt Nam.
Không bao giờ chính quyền được dùng tiền của nhân dân Việt Nam để phục vụ những ý đồ trái pháp luật và hơn thế nữa là lại dùng đồng tiền đó để chống lại chính nhân dân.
Đấy là chuyện có thể nói là “lộn tùng phèo” trong việc sử dụng tiền của nhân dân.

Trân Văn: Thưa ông khi dựng lại hàng rào, chính quyền họ có thông báo với ông là họ sẽ xử lý những người đã ra lệnh sai trái đó như thế nào không?

CHHV: Hoàn toàn không!

Trân Văn: Không lẽ là ngân sách sẽ gánh hết tất cả chi phí, chi phí đập bỏ và chi phí dựng lại?

CHHV: Tôi không nhận được bất cứ tín hiệu nào và nghe bất cứ chuyện nào là chính quyền sẽ xử lý.
Hiện nay ở Việt Nam người ta sử dụng ngân sách vô tội vạ và rất nhiều tiền từ ngân sách nhà nước chi vào những việc thậm chí có thể gọi là mafia. Tức là dùng vào những việc hoàn toàn khuất tất, chống lại lợi ích của nhân dân. Ví dụ như là việc cưỡng chế.
Cưỡng chế nhiều lúc trái pháp luật. Cướp đất của nhân dân hẳn hoi nhưng lại sử dụng tiền đấy để nuôi bộ máy đi cướp đất của người dân. Nuôi từ công an đến dân phòng, nuôi những lực lượng di đóng cọc rồi khoanh vùng, đập phá nhà cửa của người dân.
Chuyện ấy như cơm bữa ở Việt Nam, trên diện vô cùng rộng. Chuyện đó hoàn toàn logic với việc mà chính quyền phường Điện Biên dùng ngân sách nhà nước thực hiện hành vi chống lại công dân, hành vi gọi là để răn đe.

Cần đa đảng để chống lạm quyền

Trân Văn: Thưa ông trong thực tế, có không ít người cũng đã từng gánh chịu những thiệt hại như ông: bị cưỡng chế, thu hồi đất, giải tỏa nhà. Họ cũng đã khiếu nại nhiều lần. Thậm chí họ còn biểu tình nhưng vẫn không hiệu quả.
Trong trường hợp của ông, chính quyền đập hàng rào bằng gạch đi rồi ngay lập tức mang một hàng rào bằng sắt tới để dựng lại cho ông, phải chăng là ông gặp may?

CHHV: Đây không phải vấn đề may hay không may. Đây là một hành vi trái pháp luật! Bởi vì tường rào của tôi là tài sản của tôi. Đập tức là hủy hoại tài sản của tôi. Kể cả lắp bằng vàng đi chăng nữa thì cũng không thể che được hành vi hủy hoại tài sản của tôi.

Trân Văn: Thưa ông, với những gì ông đã trải qua và với những gì ông đã cảm nghiệm thì ông thấy là cần những gì để tương quan giữa nhà nước và công dân, giữa nghĩa vụ và quyền lợi trở nên công bằng, hợp hiến, chứ không phải theo kiểu may rủi?
Đó là có những người bị đập phá, bị hủy hoại tài sản rồi ngay sau đó được bồi thường như ông nhưng cũng có những người không được nhận lại gì cả, toàn bộ tài sản mà họ thủ đắc một cách hợp pháp bị mất hết…

CHHV: Để bảo đảm một sự công bằng hay nói đúng hơn là để không diễn ra tình trạng mà tài sản của người dân, từ đất đai đến nhà cửa và các tài sản hợp pháp khác bị chính quyền hoặc là phá hủy, thậm chí cưỡng đoạt một cách công khai thì phải xây dựng một nhà nước pháp quyền.
Xây dựng một nhà nước pháp quyền không chỉ là dựa trên những bộ luật được soạn thảo theo những tiêu chuẩn hiện đại nhất mà vấn đề là phải có cơ chế để thực thi những quy định pháp luật đúng đắn. Phải có chế tài đối với những kẻ liều lĩnh xâm phạm pháp luật để cướp tài sản của nhân dân của đất nước làm giàu cho bản thân mình.
Để có được chế tài đối với những kẻ cướp ngày, để có được việc thực thi một cách nghiêm túc những quy định pháp luật, bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người dân, từ quyền tài sản cho đến những quyền cơ bản khác thì tôi - Cù Huy Hà Vũ - khẳng định: Cách duy nhất là phải có chế độ đa đảng tại Việt Nam!
Hiến pháp Việt Nam hiện hành không có bất kỳ câu nào, từ nào, quy định nào khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam và những tổ chức tiền thân của nó là đảng phái chính trị duy nhất của Việt Nam. Một khi Hiến pháp đã thể hiện như thế tức là ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam còn có những đảng phải chính trị khác nữa. Tức là ngay Hiến pháp cũng đã khẳng định, ở Việt Nam, dưới chế độ gọi là Cộng sản, chế độ đa đảng vẫn luôn tồn tại và tồn tại trước hết ở trong Hiến pháp!
Không phải chuyện bồi thường

Trân Văn: Thưa ông, những ý kiến mà ông vừa trình bày rất là thú vị và chắc có lẽ là tôi sẽ xin phép làm phiền ông vào một dịp khác. Ở đây, trong vụ việc mới xảy ra với gia đình ông, xin hỏi ông câu cuối cùng.
Đó là sau khi chính quyền đập hàng rào rồi mang một hàng rào mới đến dựng lại, ông có cảm thấy hài lòng không? Ông có ý định sẽ tiếp tục đòi những người có trách nhiệm phải xem xét, phải xử lý những người đã ra lệnh sai trái và đã thực hiện những hành vi sai trái, gây ra những thiệt hại về uy tín cho chính quyền, rồi về vật chất cho xã hội không? 
 
CHHV: Đương nhiên không bao giờ tôi chấp nhận cái hàng rào mới như thế!
Điều quan trọng nhất là người ta đã dám dùng quyền lực của nhà nước để chống lại nhân dân, hủy hoại tài sản của công dân. Đấy là điều tôi không thể chấp nhận được!
Tôi kiên quyết yêu cầu Tổng Bí thư Đảng Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, chỉ đạo các cơ quan pháp luật khởi tố những người thực hiện hành vi hủy hoại tài sản của công dân.
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia.
--------------------------------------------------------------------

5. “Tam Quyền Nhất Lập” đồng lòng hại dân


Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình 
Ba Bộ đồng tình bóp vú con tôi.
(Ca dao chống phong kiến Việt Nam)

Cũng như mọi thể chế Cộng hòa khác, Việt Nam có đủ cả ba cơ quan cấu thành Nhà nước Pháp quyền: Hành pháp (Chính phủ và chính quyền địa phương), Tư pháp (Viện kiểm sát, Tòa án) và Lập pháp (Quốc hội). Thế nhưng khác với tuyệt đại đa số các Nhà nước Pháp quyền trên thế giới, ba cơ quan quyền lực Nhà nước này ở Việt Nam không “phân lập” (hoàn toàn độc lập với nhau) bởi cùng chịu sự điều khiển của một đảng phái chính trị hiện là duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam. Không dưới một lần Ban lãnh đạo Đảng khẳng định: chẳng cần “Tam quyền phân lập”, Nhà nước Việt Nam vẫn bảo vệ tuyệt đối lợi ích của người dân. Thế nhưng thực tế dưới đây đã chứng minh hoàn toàn ngược lại.
Ngày 19/9/1997, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 4678/QT1 về việc di chuyển khu dân cư số 2 Thuỵ Khuê, Hà Nội. Điều 3 của Công văn ghi: “Thủ tuớng Chính phủ đồng ý cho Văn phòng Chính phủ được sử dụng ngân sách Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu đất phía sau khách sạn La Thành và di dời, tái định cư các hộ gia đình đang ở tại số 2 Thụy Khuê. Việc xây dựng nhà ở tại nơi mới được thực hiện theo hình thức: các hộ được giao đất ở phải tự bỏ vốn để xây dựng nhà”.

Ngày 26/9/1998, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-VPCP ngày 6/9/1998 v/v di dời khu tập thể số 2 Thụy Khuê. Điều 1 Quyết định ghi: “Phê duyệt phương án bố trí diện tích đất cho từng hộ gia đình ở số 2 Thuỵ Khuê di chuyển đến khu đất phía sau khách sạn La Thành” (218 Đội Cấn, quận Ba Đình). Thế nhưng trong Quyết định này lại không có tên 11 hộ dân ở số 2 Thuỵ Khuê trong đó có bốn hộ do các ông, bà Nguyễn Xông Pha, Chu Quang Biên, Lê Lục Công và Trần Thị Minh Hồng làm đại diện.

Tiếp theo Quyết định số 498/QĐ-VPCP, ngày 31/12/2001, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6403/VPCP-QT1 giao UBND quận Tây Hồ, Hà Nội bố trí tái định cư bốn hộ dân nói trên.

Như vậy, Quyết định số 498/QĐ-VPCP ngày 6/9/1998 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là trái Công văn số 4678/QT1 của Thủ tướng Chính phủ, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của bốn hộ dân, đồng thời gây bất công xã hội khi Văn phòng Chính phủ vẫn tái định cư tại 218 Đội Cấn 59 hộ dân khác cùng ở số 2 Thụy Khuê.

Vậy đâu là nguyên nhân của sự bất công nói trên? Cả bốn hộ dân khẳng định: “Văn phòng Chính phủ gạt chúng tôi khỏi danh sách tái định cư tại 218 Đội Cấn cốt thừa ra 233 m2 tại địa chỉ đắc địa này để “làm ăn”, cụ thể là xây nhà để bán cho người chưa bao giờ ở số 2 Thụy Khuê. Hiện giờ một chung cư gồm 15 căn hộ đã được xây xong và bán hết cho những người ngoài số 2 Thụy Khuê”.

Để lấy lại công bằng, căn cứ Luật khiếu nại, tố cáo, ngày 21/9/2009 các ông, bà Nguyễn Xông Pha, Chu Quang Biên, Lê Lục Công và Trần Thị Minh Hồng đã gửi Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đơn khiếu nại về Quyết định số 498/QĐ-VPCP với yêu cầu Bộ trưởng tái định cư bốn hộ dân tại 218 Đội Cấn theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4678/QT1.
Thế nhưng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc đã không hề giải quyết đơn khiếu nại của bốn hộ dân theo quy định tại Điều 37 Luật Khiếu nại, tố cáo. Nói cách khác, Bộ trưởng Phúc đã không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Do đó, ngày 02/11/2009, căn cứ Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính tại Điều 1 (Cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức theo thủ tục do pháp luật quy định có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình) và Khoản 2 Điều 4 (Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước, thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật), cả bốn hộ dân đã đồng loạt gửi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Đơn khởi kiện Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc do đã không giải quyết Đơn khiếu nại của họ theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.
Ngày 11/11/2009, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã gửi bốn hộ dân Thông báo trả lại đơn khởi kiện số 36/TB-TA với nội dung: “Theo quy định tại Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2006) về các khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; Nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐTP ngày 04/8/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã được sửa đổi bổ sung theo các Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ngày 25/12/1998 và ngày 05/4/2006 thì yêu cầu khởi kiện của ông, bà không thuộc thẩm quyền giải quyết bằng một vụ án hành chính tại Tòa án”.

Ngay sau đó cả bốn hộ dân đã gửi Chánh án TAND thành phố Hà Nội Đơn khiếu nại về Thông báo trả lại đơn khởi kiện của TAND thành phố Hà Nội, khẳng định Thông báo này là trái pháp luật với những căn cứ sau:

Một là, để trả lại Đơn khởi kiện thì TAND thành phố Hà Nội phải chứng minh việc bốn hộ dân căn cứ Điều 1 và Khoản 2 Điều 4 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính để khởi kiện là sai. Thế nhưng TAND thành phố Hà Nội đã lẩn tránh việc chứng minh này.

Hai là, TAND thành phố Hà Nội căn cứ vào Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2006) và Nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐTP ngày 04/8/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để trả lại bốn hộ dân Đơn khởi kiện. Thế nhưng TAND thành phố Hà Nội đã nói bừa bởi cả Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2006) lẫn Nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đều quy định người dân có quyền khởi kiện vụ án hành chính trong trường hợp này. Cụ thể như sau:
  • Mục 22 Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án “Các khiếu kiện khác theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
  • Mục 3 Nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐTP quy định hành vi hành chính là đối tượng khiếu kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính là “hành vi hành chính bao gồm các hành vi của cơ quan hành chính Nhà nước hoặc ngưòi có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong các việc hoặc các lĩnh vực được quy định tại các khoản từ khoản 3 đến khoản 17 Điều 11 của Pháp lệnh và trong các việc hoặc các lĩnh vực khác mà pháp luật có quy định”.
Điều 39 Luật Khiếu nại, tố cáo quy định: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết quy định tại Điều 36 của Luật khiếu nại, tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận đuợc quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến ngưòi có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án”. Như vậy Luật khiếu nại, tố cáo quy định người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính. Do đó, căn cứ vào Mục 22 Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và Mục 3 Nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐTP đã dẫn, TAND thành phố Hà Nội phải thụ lý Đơn của bốn hộ dân khởi kiện Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc do đã không giải quyết Đơn khiếu nại của họ theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.

Với những căn cứ pháp luật trên, cả bốn hộ dân đã có Đơn khiếu nại yêu cầu Chánh án TAND thành phố Hà Nội Nguyễn Sơn nhận lại Đơn khởi kiện Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc và đưa vụ án ra xét xử. Ngày 30/11/2009, Chánh án Nguyễn Sơn đã ra Quyết định giải quyết khiếu nại số 1889/QĐ-GQKN đối với Đơn khiếu nại ngày 23/11/2009 của bốn hộ dân, một mặt khẳng định “Hành vi hành chính của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ không giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo là loại việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bằng một vụ án hành chính” nhưng mặt khác lại không bác bỏ được những căn cứ pháp luật mà bốn hộ dân dựa vào để yêu cầu Tòa án thụ lý Đơn khởi kiện.

Vô cùng phẫn nộ nhưng cũng rất bình tĩnh, ngày 29/12/2009 cả bốn hộ dân gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình Đơn khiếu nại Chánh án TAND thành phố Hà Nội Nguyễn Sơn do đã ra Quyết định giải quyết khiếu nại bất chấp luật pháp như trên đã đề cập. Cuối Đơn khiếu nại, bốn hộ dân yêu cầu Chánh án Trương Hòa Bình cho họ biết:
  1. Những căn cứ pháp luật mà bốn hộ dân dựa vào để khởi kiện Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc do đã không giải quyết Đơn khiếu nại của họ theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo là đúng hay sai?
  2.  Cơ chế pháp luật nào cần phải áp dụng để buộc Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc giải quyết Đơn khiếu nại của bốn hộ dân trong trường hợp Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng những căn cứ pháp luật mà họ dựa vào để khởi kiện là sai?
“Tóm lại – Bốn hộ dân nêu rõ trong Đơn khiếu nại – người dân sẽ phải làm gì nếu khiếu nại của họ bị cơ quan Nhà nước, quan chức Nhà nước có hành vi hành chính, quyết định hành chính xâm hại quyền lợi hợp pháp của họ từ chối giải quyết hay tệ hại hơn, lờ di không giải quyết, coi Luật Khiếu nại, tố cáo có cũng như không?”

Vậy mà đáp lại những đòi hỏi chính đáng nói trên của bốn hộ dân bị Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP xâm hại là một sự “im lặng đáng sợ” của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình. Cực chẳng đã, vẫn căn cứ vào Luật Khiếu nại, tố cáo, cả bốn hộ dân đã gõ cửa Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ để có được sự hỗ trợ pháp luật cần thiết trên con đường đòi lại Công lý.

“Cơ quan Hành pháp (Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP) xâm hại quyền lợi hợp pháp của dân nhưng không chịu khắc phục, Cơ quan Tư pháp (Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao) thì bác Đơn của dân khởi kiện Cơ quan Hành pháp – Vậy để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bốn hộ dân này, rõ ràng là chỉ còn cách yêu cầu Cơ quan Lập pháp (Quốc Hội) là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất “vào cuộc” – Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ nhận định.
Ngày 08/01/2010, Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ đã gửi Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba với tư cách lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền của Quốc hội về các vấn đề tư pháp công văn yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bốn hộ dân tại số 2 thụy Khuê. Công văn nêu rõ:
“Chánh án TAND TP Hà Nội đã cố tình làm trái Điều 39 Luật Khiếu nại, tố cáo theo đó: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết quy định tại Điều 36 của Luật khiếu nại, tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận đuợc quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến ngưòi có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án”. VPLS đề nghị Quý Chủ nhiệm cho biết:
  1. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc không giải quyết Đơn khiếu nại của các công dân có quyền và lợi ích hợp pháp bị Văn phòng Chính phủ xâm phạm có vi phạm Luật khiếu nại, tố cáo hay không?
  2. Chánh án TAND TP Hà Nội không thụ lý Đơn khởi kiện vụ án hành chính v/v Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không giải quyết Đơn khiếu nại của các công dân bị Văn phòng Chính phủ xâm phạm theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo có vi phạm Luật Khiếu nại, tố cáo hay không?
  3. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP không giải quyết Đơn khiếu nại, Tòa án không thụ lý Đơn khởi kiện vụ án hành chính của các công dân bị Văn phòng Chính phủ xâm phạm theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo thì Luật này có còn giá trị hay không? Quyền và lợi ích hợp pháp của các công dân này sẽ do cơ quan Nhà nước nào giải quyết?
Thật kỳ quái, Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ đã không nhận được bất cứ hồi âm nào của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba. Bị VPLS truy hỏi thì bà nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp này hứa là sẽ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội để sớm có giải pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hộ dân có liên quan nhưng từ đó đến nay hoàn toàn bặt vô âm tín!

Vậy là cả Chính phủ, Tòa án, Quốc hội, cả Hành pháp, Tư pháp và Lập pháp đồng lòng hại dân, ngược 180 độ với Hiến pháp tại Điều 2: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” và Điều 3: “Nhà nước nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhân dân”! Để nói những tuyên bố mới đây của Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Khóa họp lần thứ 13 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva cùng vợ ông ta là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga về việc Nhà nước Việt Nam luôn “đảm bảo quyền con người” chỉ có thể là vô liêm sỉ!

Ai chỉ ra được cách nào để cứu những người dân “côi cút làm ăn” kia khỏi sự bức hại tập thể của “Tam quyền không phân lập” hay “Tam quyền nhất lập” nói trên ở Việt Nam, người viết bài này xin đội ơn và hậu tạ!

TS Luật Cù Huy Hà Vũ -
Theo Bauxite Việt Nam

------------------------------------------------------------------

6. Kiến nghị trả tự do cho tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, lấy “Việt Nam” làm quốc hiệu


Hà Nội ngày 30/8/2010
KIẾN NGHỊ

TRẢ TỰ DO CHO TẤT CẢ TÙ NHÂN CỰU QUÂN NHÂN

VÀ VIÊN CHỨC CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM CỘNG HÒA,

LẤY “VIỆT NAM” LÀM QUỐC HIỆU ĐỂ HÒA GIẢI DÂN TỘC

Kính gửi: Quốc hội Việt Nam

Tôi là Cù Huy Hà Vũ, Công dân Việt Nam, Tiến sĩ Luật, HKTT tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội, xin gửi tới Quốc hội lời chào kính trọng và căn cứ Điều 53 Hiến pháp, kiến nghị với Quốc hội như sau:

Có Hai sự thật về chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30/4/1975:

Sự thật thứ nhất – Đó là cuộc chiến tranh nhằm thống nhất đất nước để Độc lập dân tộc mà nhân dân Việt Nam đã giành được cách đây 65 năm, ngày 2/9/1945, được toàn vẹn.
Thực vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nuớc Việt Nam là Một, Dân tộc Việt Nam là Một – Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song Chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 29/4/2010 tôi cũng đã khẳng định: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc thuần Việt suốt chiều dài lịch sử và chính đặc điểm “thuần Việt” này đã hình thành cho người Việt tư tưởng Một dân tộc, Một quốc gia hay Dân tộc đồng nhất với Quốc gia, để từ đó đi đến nguyên lý bất di bất dịch: không thể có độc lập dân tộc thực sự với một quốc gia bị chia cắt về lãnh thổ, hay Độc lập dân tộc phải gắn liền với Thống nhất lãnh thổ quốc gia, Thống nhất đất nước – Hệ tư tưởng mà tôi gọi là Chủ nghĩa Nhất thể Việt (Vietnamunism)”.

Sự thật thứ hai – Dù là tất yếu để Non – Sông Việt Nam liền một giải, để Độc lập Dân tộc được toàn vẹn thì đó vẫn là một cuộc Nội chiến, một cuộc chiến tranh Huynh – Đệ tương tàn giữa những người Việt Nam.

Vì vậy, một khi chiến tranh chấm dứt thì xóa bỏ hận thù giữa những người Việt từng ở hai bờ chiến tuyến hay Hòa giải Dân tộc là Nghĩa vụ, và hơn thế nữa, là Đạo lý của mọi người Việt Nam. Và trong sự nghiệp Hòa giải này – tôi khẳng định – vĩ đại không kém cuộc chiến vừa kết thúc nhằm thống nhất đất nước – những người chiến thắng phải đi bước trước, mà giang tay ôm vào lòng những người anh em chiến bại để tỏ chữ Hiếu đối với Mẹ chung – Tổ quốc, để mọi người Việt dẫu chính kiến có khác biệt lại sum họp Một Nhà!
Cũng chỉ có thế, những thành công ngoạn mục mới có thể đến với người Việt Nam thời hậu chiến! Và trong trường hợp đó người Mỹ hẳn là tấm gương tốt để người Việt noi theo.
Thực vậy, sở dĩ Hoa Kỳ trở thành cường quốc số một thế giới cho dù mới hơn 300 năm tồn tại – chưa bằng 1/10 chiều dài lịch sử của ngưòi Việt – là vì người Mỹ trước hết biết xóa bỏ hận thù dân tộc, quân đội miền Bắc thắng trận trong cuộc nội chiến kết thúc vào năm 1865 biết bồng súng chào những người lính miền Nam đã hạ vũ khí!

Trên thực tế, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứ không phải ai khác, đã tiếp thu bài học Hòa giải dân tộc ấy của người Mỹ khi bổ nhiệm Cựu hoàng Bảo Đại nay là công dân Vĩnh Thụy làm Cố vấn tối cao của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa chỉ ít ngày sau khi Phái đoàn Chính phủ gồm các ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận tiếp nhận sự thoái vị của vị Hoàng đế Việt Nam cuối cùng vào ngày này, 30/8, cách đây 65 năm tại Ngọ Môn – Kinh thành Huế, tạo nên sự ủng hộ tuyệt đối của mọi người Việt Nam đối với chính thể cộng hòa.

Trớ trêu thay, Ban lãnh đạo của nước Việt Nam thống nhất sau 30 năm chiến tranh chẳng những đã không học tập tấm gương hòa giải dân tộc của Hồ Chí Minh, mà ngược lại, còn khoét sâu vết thương của dân tộc bằng việc tập trung “cải tạo” trong nhiều năm trời cả trăm nghìn quân nhân, viên chức Việt Nam cộng hòa, bằng kỷ niệm liên tục 35 năm nay “Ngày giải phóng Miền Nam” đậm chất “thắng – thua”… đẩy không ít người Việt thuộc chính quyền cũ rơi vào vòng xoáy của sự thù hận với hệ quả là một số người bị chính quyền mới kết vào “tội xâm phạm an ninh quốc gia”!
Và hận thù ấy lại dẫn đến chia rẽ khác không kém phần đau đớn, lần này ngay trong nội bộ những người đã ca khúc khải hoàn, bởi có mấy gia đình Việt Nam không có người thân ở bên kia chiến tuyến.
Kinh khủng hơn nữa, chính những hận thù và chia rẽ dân tộc ấy đang từng ngày, từng giờ tiếp tay cho nguy cơ Việt Nam bị Bắc thuộc lần thứ Tư và lần này e vĩnh viễn! Nhưng Tổ quốc Việt Nam không thể không quyết sinh và vì vậy, Hòa giải dân tộc hay là Chết! Vả lại, không có lý gì 35 năm trôi qua kể từ 30/4/1975, hai thế hệ người Việt đã sinh ra trong hòa bình lại tiếp tục được nuôi dưỡng và sống trong thù hận của quá khứ chiến tranh!

Bởi những lẽ trên, nhân Kỷ niệm lần thứ 65 ngày Độc lập 2/9 và hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thủ đô Thăng Long – Hà Nội, tôi – Cù Huy Hà Vũ – nhân danh con trai Nhà thơ Huy Cận, Bộ trưởng thành viên Chính phủ khai sáng nền Cộng hòa và nhân danh cá nhân, kiến nghị Quốc hội khẩn cấp thực hiện Hòa giải dân tộc bằng:

1. Đại xá tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa theo Khoản 10 Điều 84 Hiến pháp (Quốc hội quyết định đại xá).

2. Lấy “Việt Nam” làm quốc hiệu thay cho “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Khoản 1 Điều 84 Hiến pháp (Quốc hội làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp).
Cũng là để khẳng định một lần nữa chân lý: Dân tộc Việt Nam chỉ có Một! Nước Việt Nam chỉ có Một!

Trân trọng và đề nghị Quốc hội sớm hồi âm,

NGƯỜI KIẾN NGHỊ
Tiến sĩ Luật CÙ HUY HÀ VŨ

----------------------------------------------------------------------------

7. Bàn về đa đảng


Trong Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, phần Lý lịch của Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Đinh, Lê Thăng Long - bị truy tố về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 79 Bộ Luật hình sự, có ghi: “Đảng phái chính trị: Không”.
Điều này có nghĩa: ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam còn có những đảng phái chính trị khác và những người trên không tham gia bất kỳ đảng phái chính trị nào, kể cả Đảng Cộng sản Việt Nam!
Quả là sấm nổ giữa trời quang vì từ trước tới nay, từ những đảng viên cộng sản đến những người chống cộng, từ trong nước ra ngoài nước, từ phương Đông đến phương Tây, đều có suy nghĩ được “mặc định” rằng ở Việt Nam chỉ có một đảng phái chính trị duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam!
Và với vị thế “duy nhất” này thì chả tuyên truyền ai cũng hiểu đảng này hiện độc quyền lãnh đạo Việt Nam.

Quy định trong hiến pháp

Điều 4 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Vậy là rõ, Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam nhưng cũng rõ là không phải đảng phái chính trị duy nhất bởi không có câu, từ nào quả quyết như vậy!
Nói cách khác, chế độ “đa đảng” đã hiển hiện ngay trong Hiến pháp và Viện kiểm sát tối cao về điểm này đã tuyệt đối trung thành với Bộ Luật cao nhất của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Để nói, tất thảy những khẳng định theo đó ở Việt Nam chỉ có một đảng phái chính trị duy nhất là Đảng cộng sản Việt Nam để rồi đổ cho nhà cầm quyền là “Độc tài”, là “phản Dân chủ”… quyết không thể đúng sự thật và trong trường hợp này hẳn là giọng lưỡi của “các thế lực thù địch” âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân thoát thai từ các cuộc tổng tuyển cử tự do và đa đảng hoặc của những kẻ bị các thế lực hắc ám nói trên “diễn biến hòa bình”!

Vả lại, điều không kém phần quan trọng là chế độ “đa đảng” bao hàm trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992 hoàn toàn “khớp” với ba Hiến pháp tiền bối - 1946, 1959, 1980 - của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và hậu sinh Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà thân sinh của người viết bài này, Bộ trưởng Cù Huy Cận, cả ba lần đều là Tổng thư ký hoặc thành viên Uỷ ban soạn thảo.
Hiến pháp năm 1946 không hề nhắc tới đảng phái chính trị nhưng trên thực tế Quốc Hội khoá I bao gồm thành viên các đảng phái: Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (Việt Minh), Đảng Dân chủ, Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách) bên cạnh các thành viên không đảng phái.
Hiến pháp năm 1959 trong Lời nói đầu có nói tới “sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Lao động Việt Nam” tuy các Điều, Khoản không hề đề cập đến đảng phái chính trị. Mặc dầu vậy có một thực tế là ngoài Đảng Lao động Việt Nam còn có Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội hoạt động một cách công khai.
Hiến pháp năm 1980 tại Điều 4 quy định: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác – Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội, là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Các tổ chức Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”.
Trên thực tế, cũng như thời kỳ Hiến pháp năm 1959, ngoài Đảng cộng sản Việt Nam còn có Đảng Dân chủ và Đảng Xã Hội. Tuy nhiên đến năm 1988, hai Đảng này đã tuyên bố tự giải thể do đã “kết thúc sứ mạng lịch sử” của mình?! (kể cũng lạ, nếu “hoàn thành sứ mạng lịch sử giải phóng dân tộc” khỏi ách của thực dân Pháp thì lẽ ra phải tự giải thể từ năm 1954 khi Hiệp định Genève được ký kết mới phải, còn nói “sứ mạng lịch sử xây dựng Chủ nghĩa xã hội đã hoàn thành” thì rõ là lộng ngôn! Không lẽ “sứ mạng lịch sử” lại là tồn tại chừng nào Đảng cộng sản Việt Nam cần?!).

Kiến nghị

Bất luận thế nào thì việc Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội tự giải thể hoàn toàn độc lập với sự ra đời của các đảng phái chính trị khác trong tương lai hay nói cách khác, không đồng nghĩa chấm dứt chế độ “đa đảng” ở Việt Nam.
Tóm lại, không có bất cứ Hiến pháp nào của Việt Nam quy định Đảng cộng sản Việt Nam và những tiền thân của đảng là đảng phái chính trị duy nhất cũng như trên thực tế đã có nhiều đảng phái chính trị khác, hoặc đối lập, hoặc “anh em”, hoạt động song song.
Như vậy, chế độ “đa đảng” là sự lựa chọn chính trị bất biến của toàn thể nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm thiết lập thành công nền Dân chủ Cộng hòa.
Nói cách khác, Dân chủ đồng nghĩa với Đa Đảng, càng có nhiều đảng phái chính trị tham gia tranh cử Quốc Hội một cách sòng phẳng thì Dân chủ càng cao!
Vấn đề còn lại là làm thế nào để vận hành chế độ “đa đảng” nhằm tránh tình trạng các đảng phái “tự xưng”, tức bất cần sự thừa nhận của luật pháp, dẫn đến tình trạng “vô chính phủ” về chính trị - một kẻ thù khác của nền Dân chủ ngoài chế độ cực quyền các kiểu.
Muốn vậy thì hãy bắt đầu bằng bổ sung Hiến pháp quy định đăng ký bắt buộc đối với đảng phái chính trị (không đăng ký thì không được phép hoạt động, tựa đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp) cùng lúc với quy định Tòa án tối cao là nơi đăng ký đảng phái chính trị cũng như quy định thiết lập Tòa án Hiến pháp hay Tòa Bảo Hiến nhằm xét xử các hành vi vi phạm Hiến pháp.
Chẳng hạn đảng phái chính trị nào cho dù đã đăng ký mà có chủ trương bằng văn bản hoặc hành vi dùng vũ lực để giành chính quyền hoặc tấn công các đảng phái chính trị hợp pháp khác lập tức sẽ bị Toà án Hiến pháp đặt ra ngoài vòng pháp luật và các thành viên của đảng đó sẽ bị các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố và truy tố về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 79 hoặc/và “Tội khủng bố” quy định tại Điều 84 Bộ Luật hình sự!
Cũng như vậy, đảng phái chính trị nào mà có chủ trương bằng văn bản hoặc có hành vi ngăn cấm đảng phái chính trị hợp pháp khác cũng sẽ bị Toà án Hiến pháp “rút phép thông công”, cấm chỉ hoạt động.
Kết luận lại, cho đến thời điểm này đối với cơ quan công an và công tố Việt Nam thì Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long dứt khoát có tội vì các tổ chức mà những người này thành lập hoặc tham gia là các “tổ chức phản động” chứ không phải là các “đảng phái chính trị” được nhìn nhận hợp pháp.
Oái ăm thay, có đỏ mắt cũng chẳng tìm đâu ra “tổ chức phản động” hay “phản động” không chỉ tại Điều 79 mà ngay cả suốt dọc Bộ Luật hình sự hiện hành của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong khi một trong những nguyên tắc tối cao của Nhà nước pháp quyền là các cơ quan tư pháp chỉ được quyền điều tra và xét xử những gì được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật.

------------------------------------------------------------

8. Bài tự bào chữa trước phiên tòa sơ thẩm ngày 4/4/2011 của TS Cù Huy Hà Vũ


Căn cứ điểm d khoản 2 điều 50 Bộ luật TTHS
Tôi là Cù Huy Hà Vũ yêu cầu như sau:
Tôi yêu cầu Luật Sư Hà Huy Sơn và Luật Sư Vương Thị Thanh đánh máy lại quan điểm của tôi về vụ án đã được các luật sư ghi lại thành biên bản và chuyển thành bản tự bào chữa của tôi.

BẢN TỰ BÀO CHỮA CỦA ÔNG CÙ HUY HÀ VŨ TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI XÉT XỬ VỤ ÁN “CÙ HUY HÀ VŨ TUYÊN TRUYỀN CHỐNG NHÀ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM”

Thưa hội đồng xét xử.

Tôi Cù Huy Hà Vũ khẳng định, tôi không phạm tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN như viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cáo buộc như chứng minh sau đây:

1/ Về bài “ Đa Đảng” mới chống được lạm quyền:
Chứng cứ này không chứng minh được tôi chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nội dung nào của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Hiến pháp định nghĩa tại Điều 2 (Pháp quyền, của dân, do dân, vì dân, mọi quyền nước thuộc về nhân dân, quyền lực Nhà nước là thống nhất (vì chỉ có một chủ nhân là nhân dân, thực hiện các quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp). Câu hiện nay ở Việt Nam người ta sử dụng Ngân sách vô tội vạ và rất nhiều tiền từ Ngân sách Nhà nước cho những việc thậm chí là Maphia… để có được chế tài đối với những kẻ cướp ngày… thì tôi Cù Huy Hà Vũ khẳng định: Cách duy nhất là phải có chế độ “Đa Đảng” tại Việt Nam là để nói tới tình trạng rất phổ biến hiện nay là Chính quyền địa phương ở hầu hết các tỉnh dùng Ngân sách Nhà nước để huy động Công an và các lực lượng khác cưỡng chế lấy đất của dân một cách trái pháp luật (Ví dụ: vụ Phú La – Hà Đông, vụ Nhà ga T2 – cảng Hàng không – Nội Bài, Dự án đường 2,5 quận Hoàng Mai, vụ bà Dương Thị Kính ở 255/6/27 Ngô Tất Tố – quận Bình Thạnh – thành phố Hồ Chí Minh, vụ Cồn Dầu ở Đà Nẵng…)

2/ Tôi không gây thiệt hại cho Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không hề có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại để được tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự.
Khoản 1, Điều 52 Bộ luật tố tụng hình sự quy định:
“Nguyên đơn dân sự là các cá nhân, Cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Khoản 4, Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự quy định:
“Khi điều tra truy tố và xét hỏi vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải chứng minh tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra”. Như vậy, theo quy định của pháp luật chỉ khi nào Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại để được tham gia tố tụng với tư cách nguyên dân sự thì các Cơ quan tiến hành tố tụng mới có căn cứ để xác định tội phạm. Nói cách khác, không có đơn yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong vụ án này thì không có tội phạm. Tôi cũng đã có văn bản đề nghị Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham gia tố tụng với tư cách đại diện cho Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 101 Hiến pháp 1992 trong vụ án này với tư cách bên bị thiệt hại (Văn bản do luật sư Nguyễn Thị Dương Hà chuyển). Tuy nhiên cho đến nay Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã không hề hồi âm về đề nghị trên của tôi và điều này càng chứng tỏ Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không bị thiệt hại và vì vậy không liên quan đến hành vi buộc tội tôi của các Cơ quan tiến hành tố tụng.

3/ Tôi không hề có hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Thực vậy, yếu tố cấu thành tội trên là “hành vi tuyên truyền”. Đại từ điển tiếng Việt – NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh 2007 định nghĩa: Tuyên truyền như sau: Vận động mọi người làm theo. Thế nhưng trong các bài viết, trả lời phỏng vấn của tôi mà Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nêu trong Cáo trạng không hề có nội dung “Vận động mọi người làm theo”. Nói các khác tôi chỉ nêu quan điểm của cá nhân tôi về những vấn đề mà cá nhân tôi quan tâm.

4/ Các bài viết, trả lời phỏng vấn của tôi không hề có nội dung chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 2, Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung 2011) ghi: “Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực Nhà nước là thống nhất (vì chỉ có một chủ là nhân dân), có sự phân công và phối hợp giữa các Cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Như vậy, theo Hiến pháp 1992 (Sửa đổi bổ sung 2011) thì Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xác định bởi các nội dung:
  • Pháp quyền
  • Của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
  • Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.
  • Quyền lực Nhà nước là thống nhất ( chỉ có một chủ là nhân dân)
  • Thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp.
Tất cả các bài phỏng vấn, bài viết của tôi mà Cáo trạng nêu ra không hề có nội dung chống lại bất kỳ nội dung nào của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Hiến pháp định nghĩa như trên đã nêu.
Không những thế, trong tất cả các bài viết, trả lời phỏng vấn của tôi, tôi quyết liệt bảo vệ Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nội dung đã được Hiến pháp xác định bằng cách chống lại các hành vi xâm hại Nhà nước từ phía nhà cầm quyền:
  • Trong bài “Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ từ khởi kiện Thủ tướng đến yêu cầu xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp của đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) phỏng vấn tôi, tôi lên án hành vi vi pháp quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc ra quyết định cho khai thác Boxit tại Tây Nguyên bất chấp Luật Bảo vệ môi trường, Luật Di sản văn hóa, Luật Quốc phòng, dẫn đến môi trường bản sắc văn hóa của đồng bào Dân tộc ở Tây Nguyên và Quốc phòng an ninh Quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng.
  • Tôi phê phán hành vi phi pháp quyền của Đảng cộng sản Việt Nam khi Đảng tự cho mình quyền lãnh đạo Nhà Nước trong đó có Quốc hội, tức Đảng tự đặt mình lên trên cả Cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp;
  • Trong bài “Tam quyền nhất lập đồng lòng hại dân” do tôi viết, tôi lên án việc Văn phòng Chính phủ (Cơ quan hành pháp, giúp việc cho Chính phủ và Thủ tướng), Tòa án nhân dân Tối cao (Cơ quan pháp tư pháp), Ủy ban tư pháp Quốc hội (Cơ quan lập pháp có trách nhiệm giám sát thi hành luật pháp và tư pháp) đã từ bỏ chức năng, quyền hạn của một số công dân trú tại khu tập thể Văn phòng Chính phủ số 02 Thụy Khuê, Hà Nội bị triệt tiêu. Cụ thể là Văn phòng Chính phủ, đã lờ đi, không giải quyết đơn khiếu nại của các công dân nói trên về việc họ không được Văn phòng Chính phủ tái định cư sau khi giải tỏa nơi ở của họ theo luật định. Tiếp đó đơn khiếu kiện hành chính của các công dân này bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân Tối cao lờ nốt không thụ lý.
5/ Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cố ý biến những quan điểm của tôi về Đảng Cộng sản Việt Nam về Chủ nghĩa Marx – Lê Nin, về “Đa đảng” thành tội phạm.
Thực vậy, hai cơ quan tố tụng trên đã dẫn ra các bài:
  • Bài “Phải Đa đảng mới chống được lạm quyền” tôi trả lời phỏng vấn đài Á châu Tự do (RFA);
  • Bài “Chiến tranh Việt Nam và ngày 30/4 dưới mắt Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ” tôi trả lời phỏng vấn Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA);
  • “Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ từ khởi kiện Thủ tướng đến yêu cầu xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp” tôi trả lời phỏng vấn (VOA);
  • Phóng viên Trâm Oanh (Cộng hòa Liên bang Đức) phỏng vấn Cù Huy Hà Vũ;
để làm chứng cứ buộc tội tôi. Tuy nhiên, những quan điểm của tôi về Đảng cộng sản Việt Nam, về chủ nghĩa Marx – Lê nin, về Đa đảng không phải là tội phạm với những căn cứ sau:
Một là, cũng như bất cứ đảng phái nào khác, Đảng cộng sản Việt Nam không phải là nhà nước nên những quan điểm của tôi về Đảng cộng sản Việt Nam không thể là hành vi chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Hai là, chủ nghĩa Marx – Lê Nin không phải là nhà nước;
Ba là, Đa đảng không phải là nhà nước. Cũng cần khẳng định rằng Đa Đảng là hoàn toàn hợp pháp ở Việt Nam. Thực vậy, ngay chính Đảng cộng sản Việt Nam cũng sinh ra từ Đa Đảng, cụ thể là được thành lập trên cơ sở hợp nhất của An nam cộng sản và Đông Dương Cộng sản đảng theo đề xướng của Nguyễn Ái Quốc (sau này là chủ tịch Hồ Chí Minh). Trên thực tế khi chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống, song song tồn tại với Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam. Thực tế này cũng được Hiến pháp 1980 khẳng định khi ghi “Các chính đảng” tại Điều 9 quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ điển bách khoa Việt Nam – hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam do Thủ tướng Phạm văn Đồng làm chủ tịch danh dự ghi rõ ở mục từ “Đa đảng”; “Đảng Dân chủ Việt Nam (thành lập 1944) và đảng Xã hội Việt Nam (thành lập 1947) đều do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập”.
Như vậy, chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tiểu biểu về Đa đảng. Chủ tịch Quốc hội, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong trả lời phỏng vấn báo chí Ấn Độ (2010) đã khẳng định: “tôi không phản đối Đa đảng”. Quan điểm này của người đứng đầu cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam không những hoàn toàn phù hợp với thực tế ở Việt Nam như trên đã nói mà còn hoàn toàn phù hợp với thực tế quan hệ ngoại giao ở Việt Nam với các nước trên thế giới. Thực vậy, tuyệt đại đa số (98%) các nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam thực hiện chế độ Đa đảng. Nói cách khác, nếu Việt Nam phản đối Đa đảng thì sẽ bị rơi vào cô lập tuyệt đối trong sinh hoạt thực tế. Tóm lại, phản đối Đa đảng hay coi yêu cầu Đa đảng là tội phạm dứt khoát là hành vi chống lại Hiến pháp Việt Nam, chống lại chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam.
Như vậy, việc Cơ quan An ninh Điều tra – Công an nhân dân thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã dẫn ra những quan điểm của tôi về Đảng cộng sản Việt Nam, về chủ nghĩa Marx – Lê Nin, về Đa đảng để làm chứng cứ buộc tôi vào “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” là hoàn toàn phi lý, chẳng khác nào “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia” như cách nói của dân gian.

6/ Cơ quan an ninh điều tra – Công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nôi cố ý biến việc tôi thực hiện quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được Hiến pháp bảo hộ thành tội phạm.
Thực vậy, hai cơ quan tiến hành tố tụng nói trên đã dẫn văn bản “Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân, cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam cộng hòa, lấy “Việt Nam” làm quốc hiệu để hòa giải dân tộc” mà tôi đã gửi Quốc hội vào 8/2010 để làm chứng cứ buộc tội tôi. Tuy nhiên, việc làm này của Cơ quan an ninh điều tra – Công an thành phố Hà Nội và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội là hoàn toàn phi pháp vì không ai có quyền lấy kiến nghị của công dân gửi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm chứng cứ buộc tội công dân bởi kiến nghị là quyền của công dân được luật pháp bảo hộ tại Điều 53. Điều nghiêm trọng là Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Đặng Văn Khanh đều là đại biểu quốc hội mà lại chỉ đạo thực hiện hành vi phi pháp này, điều này cho thấy các đại biểu quốc hội không thể bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của công dân chừng nào họ đồng thời là người của cơ quan hành pháp hoặc của cơ quan tư pháp.
Do đó cách duy nhất để quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được bảo vệ là phải chấm dứt tình trạng “ba trong một”, tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” hay phải thực hiện “tam quyền phân lập”. Nói cách khác phải chấm dứt chế độ đại biểu quốc hội kiêm nhiệm để chỉ thực hiện chế độ đại biểu quốc hội chuyên trách ngay từ Quốc hội khóa tới (khóa 13). Cụ thể là, người của cơ quan hành pháp hay tư pháp trúng cử Đại biểu quốc hội thì chức năng hành pháp hay tư pháp của họ phải bị đình chỉ cho đến khi nào họ không còn thực hiện chức năng đại biểu quốc hội và nữa và ngược lại, đại biểu quốc hội nào được bầu hoặc được bổ nhiệm vào các cương vị hành pháp hay tư pháp thì chức năng hành pháp hay tư pháp của họ phải bị đình chỉ cho đến khi nào họ không còn đảm nhiệm cương vị hành pháp hay tư pháp nữa, tất nhiên là trong khuôn khổ nhiệm kỳ quốc hội.

7/ Cơ quan an ninh điều tra – Công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, cố ý biến việc tôi tố giác tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng thành tội phạm.
Thực vậy, hai cơ quan tố tụng trên của thành phố Hà Nội đã dẫn bài “Bà Trần Khải Thanh Thủy cố ý gây thương tích và dấu hiệu bẫy người khác phạm tội” do tôi viết và được trang thông tin điện tử Bauxite Việt Nam đăng tải. Trong bài này tôi tố giác công an quận Đống Đa, thành phố Hà Nội đã bắt giam bà Trần Khải Thanh Thủy trái pháp luật dựa trên phân tích các thông tin do chính công an quận Đống Đa cung cấp cho báo chí. Như vậy lẽ ra công an quận Đống Đa, công an thành phố Hà Nội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác phải làm rõ những dấu hiệu tội phạm mà tôi đã nêu thì ngược lại Cơ quan an ninh điều tra công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội lại biến việc tôi tố giác tội phạm thành tội phạm. Nói cách khác là hành vi trên của hai cơ quan tiến hành tố tụng của thành phố Hà Nội là hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền tố giác tội phạm của công dân hay nói thẳng ra là hành vi bao che tội phạm. Ngoài ra, Cơ quan an ninh điều tra thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội đã vu khống tôi khi cho rằng việc tôi tố giác tội phạm nói trên của công an quận Đống Đa là hành vi “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền”. Thực vậy, công an nói chung, công an quận Đống Đa nói riêng không phải là chính quyền. Từ điển bách khoa Việt Nam – Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm chủ tịch danh dự – định nghĩa “Công an” là “lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự chung của một nhà nước”. Nhân đây cũng phải phân biệt rõ nhà nước với các cơ quan cấu thành bộ máy nhà nươc. Nhà nước được xác lập bởi những nguyên tắc, bộ máy nhà nước được được xác lập bởi những cơ quan và con người cụ thể. Những cơ quan nhà nước và các cá nhân nào trong các cơ quan này đều có thể có những hành vi phạm tội, thậm chí chống lại chính nhà nước mà họ có nghĩa vụ phải phục vụ.
Nhân đây, tôi sẵn sàng làm việc với cơ quan điều tra về vụ án bà Trần Khải Thanh Thủy cố ý gây thương tích để không làm oan người vô tội.

8/ Cơ quan an ninh điều tra – công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cố ý biến việc tôi thực hiện quyền tự do ngôn luận, quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp được Hiến pháp và Công ước quốc tế về các quyền về dân sự và chính trị 1966 bảo hộ thành tội phạm.
Thực vây, Điều 69 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi bổ sung 2001) quy định; “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”; Điều 19 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 mà Việt Nam là thành viên quy định tại khoản 1 “Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp” (Luật ký kết gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế năm 2005 của Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 6: “Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và Điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Điều ước Quốc tế”). Như vậy, việc tôi viết các bài để đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng và việc tôi trả lời phỏng vấn của báo chí trong hay ngoài nước chính là thực hiện quyền tự do ngôn luận và giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp được luật pháp bảo hộ.

9/ Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cố ý biến việc tôi thực hiện “quyền được thông tin” được Hiến pháp bảo hộ thành tội phạm.
Hai cơ quan tiến hành tố tụng nói trên của thành phố Hà Nội đã dẫn ra các bài:
  • “Bom áp nhiệt nổ giữa Ba Đình” do tác giả Nguyễn Thanh Ty viết, ví tôi như liệt sỹ Phạm Hồng Thái đánh bom kẻ cầm quyền;
  • “Phải Đa đảng mới chống được lạm quyền” do Đài Á Châu Tự do (RFA) phỏng vấn tôi;
  • “Chiến tranh Việt Nam và ngày 30/4 dưới mắt Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ” do Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) phỏng vấn tôi;
  • “Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ từng khởi kiện Thủ tướng đã yêu cầu xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp” do Đài tiếng nói Hoa Kỳ phỏng vấn tôi;
  • “Phóng viên Trâm Oanh phỏng vấn Cù Huy Hà Vũ” để làm chứng cứ buộc tội tôi.
Trước hết, phải khẳng định rằng tôi không “làm ra” các tài liệu này. Ngoài bài “Bom áp nhiệt nổ giữa Ba Đình” là của tác giả Nguyễn Thanh Ty như hai cơ quan tiến hành tố tụng nói trên của thành phố Hà Nội đã thừa nhận thì tác giả của các bài phỏng vấn không phải là tôi mà là người phỏng vấn tôi, cụ thể ở đây là Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài Á Châu Tự do (RFA), phóng viên Trâm Oanh (Cộng hòa Liên Bang Đức). Thực vậy, đại từ điển tiếng Việt – Nhà xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh 2007 định nghĩa “Phỏng vấn” là “Hội ý kiến một nhân vật nào về một vấn đề được nhiều người quan tâm để công bố lên đài, báo”. Như vậy, đứng ở góc độ của Cơ quan an ninh điều tra – Công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội thì họ chỉ có thể quy cho tôi hành vi “Tàng trữ tài liệu tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Thế nhưng, sự quy kết này của hai cơ quan tiến hành tố tụng nói trên của thành phố Hà Nội là hoàn toàn trái “Quyền được thông tin” được Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung 2001) bảo hộ tại Điều 69 như đã đề cập ở trên. Điều 146 Hiên pháp quy định: “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp”.
Tóm lại, việc Cơ quan an ninh điều tra công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội quy kết tôi phạm tội do đã có hành vi “Tàng trữ” các tài liệu mà hai cơ quan điều hành tố tụng này đã dẫn ra là hoàn toàn trái với “Quyền được thông tin” của công dân được Hiến pháp bảo hộ và do đó là hành vi xâm phạm Hiến pháp. Nói cách khác, với “Quyền được thông tin” của công dân được Hiến pháp bảo hộ, tôi có quyền tìm kiếm và lưu trữ bất cứ thông tin, tài liệu nào mà tôi quan tâm, huống hồ những thông tin, tài liệu liên quan đến tôi, mà không bị ai can thiệp.

10/ Cơ quan An ninh điều tra công an thành phố Hà Nôi, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy nã tư tưởng, điều mà pháp luật nghiêm cấm.
Hai cơ quan tiến hành tố tụng trên của thành phố Hà Nội đã dẫn các bài:
  • “Bàn về Đảng cầm quyền” với ghi chú “Vũ viết chưa xong”;
  • “Đường sắt cao tốc Bắc – Nam – Dự án tham nhũng” với ghi chú “Vũ trả lời phỏng vấn Đài VOA thời gian năm 2010, nhưng Vũ chưa đồng ý nội dung nên Đài VOA chưa đăng tải. Tài liệu này Vũ lưu giữ trong máy tính xách tay, USB”.
để làm chứng cứ buộc tội tôi. Thế nhưng hai tài liệu này chưa được “làm ra”. Thực vậy, ghi chú của hai cơ quan tiến hành tố tụng “Bài Bàn về Đảng cầm quyền”, “Vũ viết chưa xong” đã nói rõ điều này. Cũng như vậy, ghi chú của hai cơ quan tiến hành tố tụng “Bài đường sắt Cao tốc Bắc – Nam – Dự án tham nhũng”, “Vũ trả lời phỏng vấn Đài VOA thời gian năm 2010, nhưng Vũ chưa đồng ý nội dung nên Đài VOA chưa đăng tải” đã cho thấy bài phỏng vấn này chưa được “làm ra” vì chưa được công bố.
Có thể ví những bài viết, bài phỏng vấn nói trên như cái thai còn nằm trong bụng mẹ, hay nói cách khác là chưa ra đời. Vậy một khi chưa ra đời thì cái thai không thể bị quy kết là gây nguy hiểm cho xã hội. Do đó, buộc cái thai phải ra khỏi lòng mẹ mà không có sự đồng ý của người mẹ chỉ có thể là tội ác. Cũng như vậy, việc Cơ quan an ninh điều tra công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cưỡng đoạt những tài liệu lưu trữ trong máy vi tính xách tay mà tôi sử dụng để quy kết tôi đã làm ra các tài liệu ấy chỉ có thể là hành vi tội ác.
Với chứng minh trên, tôi yêu cầu Hội đồng Xét xử tuyên tôi không phạm tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN” và ngay lập tức trả tự do cho tôi.

Cảm ơn Hội đồng xét xử đã chú ý lắng nghe.

Cù Huy Hà Vũ

********************************************************************************

**Source: https://danluan.org/thu-vien/20101106/ho-so-cu-huy-ha-vu 

********************************************************************************